Cấu trúc, chức năng của hệ thần kinh

Cập nhập: Thứ ba, 14/02/2023

 

      Cơ thể là một hệ thống phức tạp, được cấu trúc từ nhiều hệ cơ quan khác nhau. Trong đó, hệ thần kinh được coi là trung tâm, điều khiển mọi hoạt động của tất cả cơ quan, giúp cơ thể thích nghi trước những thay đổi của môi trường. Nhưng liệu bạn đã thực sự nắm rõ được những thông tin về cơ quan quan trọng này hay chưa? Hãy theo dõi bài viết sau đây để có được cách nhìn tổng quan về hệ thần kinh của con người.

 

Cấu trúc, chức năng của hệ thần kinh

Cấu trúc, chức năng của hệ thần kinh

 

Hệ thần kinh là gì?

   Hệ thần kinh là hệ thống kiểm soát, điều tiết và giao tiếp chính trong cơ thể. Nó là trung tâm của mọi hoạt động như vận động, suy nghĩ, học tập, ghi nhớ và điều khiển cả hoạt động của các hệ cơ quan khác. Hệ thần kinh được xem là cơ quan phân hóa cao nhất, ở dưới dạng ống và mạng lưới đi khắp cơ thể.

   Hệ thần kinh được cấu tạo bởi một loại mô chuyên biệt gọi là mô thần kinh, mô thần kinh lại được cấu tạo từ các tế bào thần kinh (còn gọi là nơ-ron thần kinh) và các tế bào thần kinh đệm.

 

Nơ-ron thần kinh: Đơn vị cấu tạo của hệ thần kinh

   Nơ-ron (Neuron trong tiếng Pháp) là đơn vị cấu tạo cơ bản của hệ thần kinh, có chức năng truyền dẫn các xung động thần kinh. Mỗi nơ-ron gồm 3 phần chính:

  • Thân tế bào (hay còn gọi là Soma): là chỗ phình to của nơ-ron có hình sao nhiều cánh hoặc hình bầu dục, bao gồm nhân tế bào, lưới nội chất, ty thể, ribosom, lybosom và các bào quan khác. Thân nơ-ron cung cấp dinh dưỡng cho toàn nơ-ron, đồng thời là nơi phát xung động hoặc thu nhận xung động thần kinh từ những nơ-ron khác truyền tới.
  • Tua gai: là các tua ngắn có hình dạng giống rễ cây phát triển từ thân tế bào. Mỗi nơ-ron gồm nhiều tua gai, mỗi tua gai lại được chia làm nhiều nhánh, có chức năng tiếp nhận xung thần kinh từ các tế bào khác.
  • Sợi trục (hay còn gọi là Axon): là sợi thần kinh dài, có chức năng truyền tín hiệu từ thân tế bào tới các nơ-ron thần kinh khác. Dọc sợi trục được bao bọc bởi các lớp vỏ myelin, các lớp vỏ này được cấu tạo từ tế bào Schwann. Bao myelin không liền mạch mà được chia thành nhiều đoạn, khoảng cách giữa các bao myelin được gọi là eo Ranvier. Còn diện tích tiếp xúc giữa các nhánh nhỏ cuối sợi trục của nơ-ron này với tua gai của nơ-ron khác được gọi là Synap (khớp thần kinh).

 

Cấu tạo của một nơ-ron thần kinh

Cấu tạo của một nơ-ron thần kinh trong hệ thần kinh

 

   Dựa vào chức năng và hướng dẫn truyền thần kinh, có thể chia nơ-ron thần kinh thành 3 loại:

  • Nơ-ron hướng tâm (nơ-ron cảm giác): Nơ-ron cảm giác giúp mang tín hiệu từ các giác quan (nếm, ngửi, nghe, nhìn, tiếp xúc) về trung ương thần kinh (não, tủy sống).
  • Nơ-ron trung gian (nơ-ron liên lạc): đây là loại nơ-ron phổ biến nhất, tập trung chủ yếu ở não và tủy sống. Nơ-ron liên lạc có nhiệm vụ truyền tín hiệu thần kinh giữa các nơ-ron cảm giác và nơ-ron vận động, và giữa các nơ-ron liên lạc với nhau.
  • Nơ-ron ly tâm (nơ-ron vận động): có nhiệm vụ dẫn xung động thần kinh từ não bộ và tủy sống tới các cơ quan phản ứng để tạo sự vận động hoặc bài tiết.

 

Cấu trúc của hệ thần kinh

   Về mặt cấu tạo, hệ thần kinh được chia làm hai bộ phận chính là thần kinh trung ươngthần kinh ngoại biên. Trong đó, thần kinh trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Hệ thần kinh trung ương

   Hệ thần kinh trung ương bao gồm hai bộ phận là: não (nằm trong hộp sọ) và tủy sống (nằm trong ống xương sống). Phía ngoài tủy sống và não bộ có chung một màng bọc được gọi chung là màng não - tủy. Phía trong lớp màng này có những khoang chứa dịch gọi là dịch não - tủy. Dịch não - tủy có vai trò bảo vệ não bộ và tủy sống trước những chấn động từ bên ngoài, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng, oxy và dọn dẹp chất thải dư thừa.

   Trong não bộ và tủy sống, có hai thành phần cấu tạo chung của chúng là chất xám và chất trắng. Trong đó, sự khác biệt về tên gọi xuất phát từ màu sắc của chính hai thành phần này, dựa trên màu trắng mà các bao myelin mang lại. Chất xám chứa chủ yếu là các thân tế bào thần kinh và chứa rất ít sợi trục có bao myelin. Ngược lại, chất trắng lại có thành phần chính là các sợi trục có bao myelin và rất ít thân nơ-ron.

Hệ thần kinh ngoại biên

   Hệ thần kinh ngoại biên (hay còn gọi là hệ thần kinh ngoại vi) bao gồm: các dây thần kinh não - tủy và hạch thần kinh.

  • Dây thần kinh não - tủy: gồm 12 đôi dây thần kinh não, và 31 đôi dây thần kinh tủy. Dây thần kinh não xuất phát từ trụ não và tỏa ra khắp các cơ quan ở mặt, cổ. Riêng dây thần kinh X (hay còn gọi là dây thần kinh phế vị) phân nhánh tới tận các cơ quản ở ngực, bụng. Dây thần kinh tủy xuất phát từ tủy sống phân bố ra các cơ quan ở thân, cổ và các chi.

 

Dây thần kinh não - tủy

Dây thần kinh não - tủy của hệ thần kinh ngoại vi

 

  • Các hạch thần kinh: là những khối nơ-ron nằm ngoài hệ thần kinh trung ương. Chúng có thể nằm ở xa hoặc ở ngay cạnh một số cơ quan.

 

Chức năng của hệ thần kinh

   Hệ thần kinh có chức năng điều khiển, điều hòa và phối hợp mọi hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể thành một thể thống nhất, giúp cơ thể luôn thích nghi với những thay đổi của môi trường. Tuy nhiên, để phân định rõ hơn, dựa vào chức năng có thể chia hệ thần kinh thành: hệ thần kinh vận động và hệ thần kinh tự chủ (hay còn gọi là hệ thần kinh sinh dưỡng hoặc hệ thần kinh thực vật).

Hệ thần kinh vận động

   Hệ thần kinh vận động có chức năng điều khiển, điều hòa, và phối hợp hoạt động của hệ cơ - xương, liên quan đến hoạt động của cơ vân (là các cơ hoạt động theo ý muốn chủ quan của con người).

Hệ thần kinh tự động

   Trái với hệ thần kinh vận động thì hệ thần kinh tự động lại có chức năng điều khiển, điều hòa, và phối hợp hoạt động của các cơ quan, nội tạng liên quan tới hoạt động của cơ trơn, cơ tim (là các cơ hoạt động không phụ thuộc vào ý muốn của con người).

   Hệ thần kinh tự động (hệ thần kinh sinh dưỡng) được chia làm hai phân hệ là: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm (hệ thần kinh đối giao cảm). Hai hệ thống này về cơ bản có chức năng gần như trái ngược nhau, nhưng sự cân bằng giữa chúng lại giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.

   Chức năng của hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm được tóm tắt trong bảng sau:

 

 

Hệ giao cảm

Hệ phó giao cảm

Tim mạch

Tăng nhịp tim

Giảm nhịp tim

Mạch ngoại biên

Co mạch

____

Bàng quang

Giãn bàng quang

Co bàng quang

Nhu động ruột

Giảm nhu động

Tăng nhu động

Nhu động dạ dày

Giảm nhu động

Tăng nhu động

Phổi

Giãn phế quản

Co phế quản

Tuyến mồ hôi

Tăng tiết

____

Đồng tử

Giãn đồng tử

Co đồng tử

Hệ sinh dục

Kích thích phóng tinh

Co thắt âm đạo

Cương dương

Tuyến mang tai

____

Tiết nước bọt

Tuyến thượng thận

Tiết catecholamin

____

 

Chức năng của hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm

 

Làm thế nào để có một hệ thần kinh khỏe mạnh?

   Theo ước tính, khi mới sinh, con người có khoảng hơn 100 tỷ nơ-ron (tế bào thần kinh). Tuy nhiên, con số này không tăng lên mà chỉ có xu hướng giảm đi theo độ tuổi. Nguyên nhân là bởi tế bào thần kinh là tế bào có độ biệt hóa cao nhất trong cơ thể nên mất đi trung thể và khả năng phân chia của mình. Chính vì vậy, nếu chẳng may các tế bào thần kinh này bị tổn thương hay chết đi thì chúng ta sẽ mất chúng vĩnh viễn và hệ quả là hàng loạt các bệnh thoái hóa thần kinh như mất ngủ, Parkinson, Alzheimer…bắt đầu xuất hiện.

   Theo các nhà khoa học, bên cạnh lý do tuổi tác thì có một số thói quen xấu có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe hệ thần kinh. Ví dụ như:

   Vì vậy, để có một hệ thần kinh khỏe mạnh, chúng ta cần:

  • Ngủ đủ giấc: ngủ là khoảng thời gian giúp toàn bộ các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, sửa chữa. Đối với hệ thần kinh, ngủ là lúc để cơ thể dọn dẹp các gốc tự do - tác nhân gây tổn thương hệ thần kinh.

 

ngủ đủ giấc

Ngủ giúp duy trì sức khỏe hệ thần kinh

 

  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn có thể làm tăng serotonin, endorphins và các chất khác có trong não bộ, tác động tích cực tới tâm trạng của con người. Hơn nữa, nó kích thích sự phát triển của các cầu nối thần kinh mới, qua đó ngăn ngừa nguy cơ hình thành bệnh Alzheimer.
  • Bỏ thuốc lá, bia, rượu.
  • Chế độ ăn hợp lý: đầy đủ, cân đối các thành phần dinh dưỡng. Trong đó, axit béo omega-3 được chứng minh là rất quan trọng với sức khỏe hệ thần kinh. Có thể bổ sung thực phẩm giàu omega-3 như cá thu, cá hồi, cá trích…
  • Sắp xếp thời gian công việc hợp lý, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình nhằm giải tỏa những căng thẳng, stress.
  • Tập thiền, chánh niệm hoặc các bài tập yoga.

   Trên đây là một số thông tin cơ bản về hệ thần kinh của cơ thể người. Hãy theo dõi chúng tôi hoặc liên hệ 1800.1044 (miễn cước) để cùng tìm hiểu thêm những kiến thức xoay quanh hệ thần kinh và các hệ cơ quan khác trong cơ thể. Cám ơn các bạn đã đón xem!

 

XEM THÊM:

Chủ đề: hệ thần kinh
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844