Chụp MRI là một phương pháp được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi và đánh giá quá trình điều trị của nhiều bệnh lý khác nhau. Với hình ảnh trực quan, chi tiết, phương pháp này giúp cho bác sĩ đưa ra được những lộ trình điều trị chính xác, phù hợp với từng người bệnh. Dưới đây là các thông tin mà bạn cần biết vì phương pháp chụp MRI.
Chụp MRI - Tất cả những thông tin mà bạn cần biết
Chụp MRI ra đời năm nào?
Chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging) có tên gọi đầy đủ là chụp cộng hưởng từ hạt nhân. Hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân được phát hiện bởi 2 nhà vật lý học là Felix Block và Edward Purcell vào năm 1946. Sau đó, nó đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi vào những năm 1950. Chính điều này cũng đem về giải thưởng Nobel Vật lý cho 2 nhà khoa học năm 1952.
Đến năm 1970, tiến sĩ Raymond Damadian đã phát hiện ra cấu trúc cơ thể người bao gồm phần lớn nước. Đây là chìa khóa cho việc tạo ảnh cộng hưởng từ, vì nước phát ra một tín hiệu mà có thể dò và ghi lại được.
Sau 7 năm nghiên cứu, tiến sĩ Damidian và các cộng sự đã chế tạo ra chiếc máy quét cộng hưởng từ đầu tiên dùng trong việc tạo ra những hình ảnh về cơ thể người. Chiếc máy chụp MRI đầu tiên đã được đưa vào sử dụng trong năm 1980.
Năm 1987, kỹ thuật Cardiac MRI được sử dụng để chẩn đoán các bệnh về tim mạch. Đến năm 1993, FMRI được dùng để chẩn đoán các chức năng và hoạt động của não bộ.
Tính đến năm 2002, 22.000 chiếc máy chụp MRI đã được sử dụng trên toàn thế giới. Mỗi năm, có đến 60 triệu ca bệnh được chẩn đoán bằng chụp MRI.
Ưu và nhược điểm của chụp MRI
Ưu điểm của chụp MRI
Chụp MRI cho ra hình ảnh 3D với chất lượng tốt, tương phản cao, sắc nét, rõ ràng và giải phẫu chi tiết hơn so với các kỹ thuật hình ảnh khác, giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán nhiều căn bệnh. Nó có thể kiểm tra mọi cơ quan trong cơ thể, và đặc biệt có giá trị trong việc chụp hình ảnh não bộ và cột sống.
Chụp MRI đã thay thế cho một số phương pháp mà cần phải đưa thiết bị vào trong cơ thể, nhờ đó giảm đau đớn, rủi ro và bất tiện cho người bệnh. Bên cạnh đó, kỹ thuật này không tạo ra bức xạ ion hóa như chụp X- quang hay chụp CT. Nhờ đó, nó giúp hạn chế những ảnh hưởng đến chức năng của tế bào, hay dẫn truyền xung thần kinh,...
Nhược điểm của chụp MRI
Máy chụp MRI có từ trường rất mạnh, do đó nếu người bệnh mang máy điều hoà nhịp tim, cấy ốc tai điện tử, đặt stent, khớp kim loại, có mảnh đạn trong người,... thì sẽ không thể được chỉ định. Phụ nữ có thai 3 tháng đầu tiên cũng không được sử dụng kỹ thuật này nếu không thực sự cần thiết.
Chụp MRI sẽ cho ra những hình ảnh chi tiết giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn
Chụp MRI được sử dụng trong những trường hợp nào?
Chụp MRI được chỉ định trong rất nhiều trường hợp như:
- Chụp sọ não để chẩn đoán u não, u dây thần kinh sọ não, tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não, chấn thương sọ não, động kinh, thoái hóa chất trắng, viêm não, dị tật bẩm sinh của não,...
- Chụp hốc mắt để phát hiện các tổn thương thuộc nhãn cầu, dây thần kinh thị giác, chẩn đoán phân biệt xác định nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 6,...
- Chụp vùng cổ để phát hiện khối u, viêm, hạch bạch huyết vùng cổ, chẩn đoán sớm các tổn thương ở đám rối thần kinh cánh tay.
- Chụp cột sống để xác định bệnh lý thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gãy lún đốt sống, viêm nhiễm đĩa đệm và phần mềm cạnh sống, hay viêm, u tủy sống,...
- Chụp vùng bụng chậu để chẩn đoán u gan, u đường mật, sỏi mật, và các bệnh lý tuyến tụy, lá lách, thận, tuyến thượng thận; hay ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, u tử cung, sa âm đạo, u buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, cổ tử cung,...
- Chụp cơ xương khớp cho hình ảnh rõ nét về các cấu trúc ổ khớp, sụn khớp, xương, gân cơ và dây chằng; phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm, thoái hóa, chấn thương rách dây chằng, tràn dịch ổ khớp; xác định chính xác vị trí lắng đọng của acid uric tại các khớp, mô nằm ở sâu của người bệnh gút.
- Chụp MRI tuyến vú để chẩn đoán sớm và chính xác các tổn thương ở tuyến vú như u lành tính, ác tính và các viêm nhiễm tại vú.
Bên cạnh đó, MRI cũng được sử dụng để chẩn đoán dị tật bẩm sinh phức tạp ở thai nhi, nhồi máu cơ tim, hẹp tắc mạch máu, hay bệnh lý bạch huyết,...
Lưu ý khi chụp MRI
- Trước khi chụp MRI: Thông thường, bạn sẽ không cần phải nhịn ăn uống khi chụp MRI, nhưng trong 1 số trường hợp, bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn 4 tiếng trước khi chụp. Bạn cũng cần cho bác sĩ biết về các bệnh lý, hay có đang cấy ghép kim loại trong người hay không, và bỏ hết những vật bằng kim loại ra ngoài.
- Trong khi chụp MRI: Bạn cần giữ cơ thể cố định trong suốt quá trình chụp cho đến khi bác sĩ báo hoàn thành. Với trẻ nhỏ hay một số đối tượng có khả năng hợp tác hạn chế, bác sĩ có thể sẽ cần dùng thuốc gây mê, an thần.
- Sau khi chụp MRI: Bạn có thể không cần phải ở lại viện để theo dõi qua đêm. Bạn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày mà không ảnh hưởng gì. Trong trường hợp dùng thuốc an thần, bạn sẽ cần có người nhà đưa về, không uống rượu, lái xe, hay vận hành máy móc trong vòng 24 giờ đầu.
Bạn cần giữ nguyên tư thế và bỏ hết các vật bằng kim loại khi chụp MRI
Chụp MRI giá bao nhiêu?
Mỗi cơ sở sẽ có một mức giá chụp MRI khác nhau. Mức giá này thường dao động từ 1,8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hiện nay, chụp MRI đã nằm trong danh mục các dịch vụ khám bệnh được bảo hiểm chi trả.
Tuy nhiên, người bệnh cần phải tham gia bảo hiểm. Người bệnh khám đúng tuyến sẽ được hưởng 80% mức bảo hiểm chi trả, còn chụp MRI trái tuyến chỉ được hỗ trợ 32% chi phí.
Chụp MRI ở đâu?
Chiếc máy chụp MRI đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam năm 1996. Hiện nay, trên toàn quốc đã có hơn 23 chiếc máy chụp MRI được phân bố trên toàn quốc. Những bệnh viện đã được trang bị máy chụp MRI có thể kể đến như:
- Tại Miền Bắc: Bv Bạch Mai, Bv hữu nghị Việt Đức, Bv Quân Y 103, Bv Việt Xô, Bv Đại học Y Hà Nội, Bv Quân đội 108.
- Tại miền Trung: Bv Trung Ương Huế, Bv đa khoa Đà Nẵng,...
- Tại Miền Nam: Bv Chợ Rẫy, Bv Đại học Y tpHCM, Bv Thống nhất, Bv Vạn Hạnh, Bv đa khoa Kiên Giang.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp quý độc giả có thêm nhiều thông tin hữu ích về kỹ thuật chụp MRI. Nếu có băn khoăn nào khác về các vấn đề sức khỏe, bạn có thể gọi tới hotline 1800 1044 (miễn cước) để được tư vấn cụ thể hơn.
XEM THÊM: