Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên hiện nay các bệnh lý liên quan đến nó đang không ngừng gia tăng và nhiều người phải thực hiện mổ tuyến giáp. Vậy khi nào bệnh nhân cần phải mổ tuyến giáp? Có những phương pháp mổ nào và bạn cần lưu ý gì khi tiến hành phẫu thuật này? Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau!
Tuyến giáp có vai trò gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình dạng cánh bướm, nằm phía trước cổ và cùng hàng với các đốt xương sống. Tuyến giáp có cấu tạo gồm 2 thùy được nối với nhau bằng eo tuyến giáp.
Hình ảnh minh họa cấu tạo tuyến giáp.
Tuyến giáp tiết ra 2 hormon T3 và T4, đây là 2 hormone quan trọng của cơ thể có tác dụng:
- Tăng cường hoạt động của tế bào, làm tăng chuyển hóa glucid và lipid giúp tạo năng lượng cho cơ thể.
- Tăng nhịp tim và lưu lượng máu qua tim để cung cấp oxy cho các mô cơ quan.
- Tăng cường hoạt động của não bộ và hệ thần kinh.
- Tác động lên hoạt động của tuyến sinh dục và tuyến sữa.
- Duy trì nồng độ canxi trong máu ổn định.
Do vậy, khi tuyến giáp hoạt động không tốt dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như trao đổi chất kém, chậm tăng trưởng, phát triển,.... và các bệnh lý nguy hiểm. Trong một số trường hợp, bác sĩ phải tiến hành mổ tuyến giáp.
Khi nào bệnh nhân cần phải mổ tuyến giáp?
Bác sĩ sẽ đề nghị mổ tuyến giáp khi bệnh nhân có những tình trạng sau:
- Ung thư tuyến giáp: Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp phải mổ tuyến giáp để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
- Có nhân tuyến giáp nghi ung thư: Một số nhân tuyến giáp không thể xác định có phải ung thư tuyến giáp hay không, bác sĩ có thể đề nghị mổ tuyến giáp để phòng ngừa.
- Bướu cổ: Bướu cổ lớn chèn ép khí quản và thực quản khiến bệnh nhân khó nuốt hoặc khó thở.
- Cường giáp: Bệnh nhân cường giáp có tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thyroxine. Dư thừa hormon tuyến giáp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho bệnh nhân. Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa bằng thuốc và không muốn điều trị bằng iod phóng xạ thì bệnh nhân có thể lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Phân loại mổ tuyến giáp
Theo số lượng mô tuyến giáp bị loại bỏ
Theo số lượng mô tuyến giáp bị loại bỏ, mổ tuyến giáp được phân loại thành:
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp:
Trong phẫu thuật này, toàn bộ tuyến giáp bị cắt bỏ. Do hormone tuyến giáp rất quan trọng với cơ thể nên bệnh nhân thực hiện phẫu thuật này cần phải bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.
Bác sĩ thường chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp khi:
- Bệnh nhân có nhân tuyến giáp kích thước > 4cm.
- Bệnh nhân bị ung thư thể tủy, thể nang; ung thư biểu mô không biệt hóa, ung thư biểu mô khác.
- Bệnh nhân bị đa nhân giáp gây chèn ép đường thở và gây khó thở.
- Bệnh nhân từ 40 - 60 tuổi.
- Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với phóng xạ
- Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp di căn gần hoặc xa.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp:
Minh họa phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp
Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần tuyến giáp của bệnh nhân, như:
- Phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp: Bác sĩ sẽ cắt một bên thùy tuyến giáp của bệnh nhân.
- Phẫu thuật cắt thùy và eo tuyến giáp: Một bên thùy và eo tuyến giáp cùng bị cắt bỏ.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần thùy tuyến giáp: Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần của thùy tuyến giáp.
Bác sĩ thường chỉ định cắt một phần tuyến giáp khi:
- Bệnh nhân có các khối u lành tính 1 bên tuyến giáp.
- Bệnh nhân bị quá phát tuyến giáp một bên.
- Bệnh nhân có u tuyến giáp nhỏ.
- Bệnh nhân bị bướu đa nhân giáp nhưng phần mô lành còn nhiều.
- Bệnh nhân bị nang giáp.
Theo phương pháp phẫu thuật
Theo phương pháp phẫu thuật, mổ tuyến giáp được phân loại thành:
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp thông thường: Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ tại cổ để tiếp cận tuyến giáp.
- Phẫu thuật cắt tuyến giáp xuyên miệng: Bác sĩ sẽ rạch một vết bên trong miệng để tiếp cận tuyến giáp thay vì rạch ở cổ. Phương pháp này không để lại sẹo trên vùng cổ của bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật cần có tay nghề cao, thời gian thực hiện lâu hơn và bác sĩ cần làm tỉ mỉ để tránh biến chứng.
- Phẫu thuật nội soi tuyến giáp: Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Thông qua một vết rạch nhỏ ở cổ, một ống dẻo có gắn camera và nguồn sáng (ống nội soi) được đưa vào để phẫu thuật tuyến giáp.
- Phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường ngực - nách: Qua đường này, bác sĩ tiếp cận và loại bỏ tuyến giáp mà không cần cắt vào vùng cổ. Bệnh nhân phẫu thuật theo phương thức này bình phục nhanh hơn và không có vết sẹo ở cổ.
Minh họa phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp xuyên miệng
Các biến chứng sau khi mổ tuyến giáp
Dưới đây là một số biến chứng bạn có thể gặp phải sau khi mổ tuyến giáp:
Chảy máu
Biến chứng này thường xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều và đột ngột ở cổ sau phẫu thuật. Tình trạng này có thể gây chèn ép vào khí quản dẫn đến khó thở.
Khó thở
Một số bệnh nhân bị khó thở sau khi mổ tuyến giáp do:
- Có cục máu đông lớn chặn khí quản, bệnh nhân có cảm giác bị nghẹn hoặc nuốt vướng sau mổ tuyến giáp. Lúc này, bệnh nhân cần được can thiệp y khoa ngay.
- Cả hai dây thần kinh thanh quản quặt ngược bị tổn thương. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải được phẫu thuật mở khí quản ngay lập tức.
Cơn bão giáp trạng
Cơn bão giáp trạng (hay cường giáp kịch phát) là tình trạng ngộ độc giáp xuất hiện kịch phát do mất bù cường giáp. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi rơi vào tình trạng này, người bệnh có thể có những triệu chứng:
- Tim đập nhanh.
- Bồn chồn, sốt cao, ra nhiều mồ hôi.
- Tiêu chảy.
- Mê sảng.
Thay đổi giọng nói
Thay đổi giọng nói sau khi mổ tuyến giáp là biến chứng thường gặp. Nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc viêm nhiễm các dây thần kinh quặt ngược thanh quản sau phẫu thuật.
Nhiễm độc giáp
Tác dụng phụ này thường được điều trị bằng iod phóng xạ.
Ảnh hưởng đến tuyến cận giáp
Mổ tuyến giáp có thể làm tổn thương các tuyến cận giáp xung quanh. Tuyến cận giáp bị tổn thương có thể dẫn đến:
- Canxi máu thấp.
- Ngứa ran ở bàn chân, bàn tay và xung quanh miệng.
- Nếu tuyến cận giáp bị tổn thương nặng, bệnh nhân có thể bị co quắp ngón tay và bàn tay.
Suy giáp
Bệnh nhân cắt bỏ toàn bị tuyến giáp sẽ bị suy giáp và phải bổ sung hormon tuyến giáp cả đời. Trường hợp bệnh nhân cắt bỏ một phần tuyến giáp thì vẫn có nguy cơ suy giáp. Do đó, bệnh nhân cần phải đi xét nghiệm suy giáp thường xuyên suốt đời.
Bệnh nhân cần lưu ý gì sau khi mổ tuyến giáp?
Dưới đây là một số điều bệnh nhân cần lưu ý sau khi mổ tuyến giáp để vết mổ sớm hồi phục, tránh những tình huống không mong muốn:
- Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng và khoa học: Bệnh nhân nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là giàu vitamin và khoáng chất, dễ tiêu hóa. Đặc biệt trong thời gian điều trị vết mổ, bệnh nhân nên ăn các loại thức ăn dễ nuốt như cháo, súp, nước ép,... giúp giảm cảm giác đau khi nuốt.
- Sau khi mổ, người bệnh tránh tập luyện, mang vác vật nặng, tránh để đồ vật đè lên cổ, ngực, vai. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của bạn.
- Sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tự ý và lạm dụng thuốc giảm đau để tránh gây tổn thương cho gan.
- Không hút thuốc, uống rượu, bia.
- Theo dõi vết mổ thường xuyên, báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu của biến chứng.
Không hút thuốc sau mổ tuyến giáp
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về mổ tuyến giáp và những trường hợp phải mổ. Bạn nên chọn những trung tâm y tế uy tín, chất lượng để thực hiện phẫu thuật tuyến giáp nếu cần thiết nhé. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: