Suy giảm nội tiết tố nữ là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của chị em. Nó không chỉ gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tác động đến tâm lý, khả năng sinh sản và đời sống tình dục.
Vậy, dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ là gì? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và cần làm gì để khắc phục? Chúng ta cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Suy giảm nội tiết tố nữ có những dấu hiệu nhận biết nào?
Suy giảm nội tiết tố nữ là gì?
Suy giảm nội tiết tố nữ chính là tình trạng nồng độ hormone estrogen trong cơ thể bị giảm đi. Hormone estrogen được sản xuất bởi buồng trứng, có nhiệm vụ phát triển các đặc điểm giới tính nữ như: tăng trưởng kích thước vòng 1, tăng sinh các ống dẫn sữa, thân hình mềm mại, eo thon, da mịn màng,...
Đồng thời, Estrogen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng tình dục, sinh sản và sức khỏe tim mạch, xương khớp. Chính vì vậy, suy giảm nội tiết tố nữ luôn khiến cho nhiều chị em phụ nữ cảm thấy lo lắng, bất an.
Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ là gì?
Các dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ có thể nhận biết một cách dễ dàng thông qua những thay đổi sau đây:
- Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu điển hình nhất của tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ. Theo đó, chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài hơn bình thường (rong kinh), hoặc ít đi (thiểu kinh, vô kinh).
- Giảm ham muốn tình dục do âm đạo bị khô, tiết ít dịch, nữ giới sẽ bị đau rát, ít cảm xúc khi quan hệ.
- Lông mọc nhiều hơn, giọng nói trầm, vòng 1 không còn giữ được sự săn chắc.
- Cân nặng tăng lên, phần bụng dưới, hông, đùi tích tụ nhiều mỡ, cơ thể mất cân đối.
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, giận dỗi, nhạy cảm hơn, lo âu, dễ bị stress.
- Các thay đổi trên da: Da bị nổi nhiều mụn trứng cá, tiết nhiều dầu hơn hoặc trở nên khô sạm, xuất hiện các vết thâm nám, nếp nhăn, chảy xệ.
- Mất ngủ thường xuyên, ngủ không sâu giấc, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, đổ mồ hôi đêm,...
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải, dễ bị mất tập trung, trí nhớ suy giảm, nóng trong, bốc hỏa,...
- Thường xuyên bị đau nhức đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp, đau nhức xương khớp,...
Xuất hiện nhiều mụn trứng cá là một dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ
Nguyên nhân gây suy giảm nội tiết tố nữ
Các nguyên nhân gây suy giảm nội tiết tố nữ có thể kể đến như:
- Tuổi tác: Nồng độ Estrogen bắt đầu giảm đi từ độ tuổi ngoài 30 và tăng lên ở độ tuổi 40 - 50. Giai đoạn này được gọi là thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
- Di truyền: Phụ nữ mắc hội chứng Turner, hội chứng Fragile X sẽ có lượng estrogen trong cơ thể thấp, kèm theo những bất thường về thể chất và trí tuệ.
- Các bệnh tự miễn: Hệ miễn dịch nhận diện sai và tấn công vào các tế bào tại buồng trứng, làm giảm khả năng sản xuất estrogen.
- Suy buồng trứng nguyên phát (mãn kinh sớm) khiến buồng trứng ngừng hoạt động trước 40 tuổi.
- Bất thường tại tuyến yên khiến việc sản xuất các hormone kích thích buồng trứng bị giảm, trong đó có estrogen.
- Vô kinh vùng dưới đồi do chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực quá nhiều, stress,...
- Rối loạn ăn uống: Chán ăn hoặc chứng cuồng ăn có thể khiến cơ thể không nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để duy trì lượng hormone estrogen bình thường.
- Ảnh hưởng từ các phương pháp điều trị: Hóa trị và xạ trị có thể khiến hoạt động của buồng trứng bị giảm sút hoặc ngừng hẳn. Bên cạnh đó, việc bắt buộc phải cắt bỏ buồng trứng cũng gây suy giảm nội tiết tố nữ.
Nồng độ estrogen giảm đi do tuổi tác
Khắc phục tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ bằng cách nào?
Các biện pháp giúp bạn khắc phục tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ có thể kể đến là:
Điều chỉnh về lối sống
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp bằng cách điều chỉnh lại chế độ ăn uống, tập luyện. Để làm được điều này, bạn có thể tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng.
- Sử dụng các loại thực phẩm chứa Phytoestrogen: Các loại đậu (đậu nành, đậu lăng, đậu xanh, đậu phộng); các loại hạt (hạt lanh, hạt hướng dương); trái cây (mận, lê, táo, nho, dâu tây, mâm xôi, việt quất,...).
- Tập thể dục ở mức độ vừa phải, điều độ để duy trì sức khỏe, tránh tập luyện gắng sức gây suy giảm estrogen.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để giảm căng thẳng, stress.
- Ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, tăng cường chất lượng giấc ngủ để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, chức năng sản xuất hormone estrogen của buồng trứng được duy trì bình thường.
Một số loại thực phẩm giàu estrogen
Điều trị bằng thuốc
Liệu pháp thay thế hormone là phương pháp điều trị phổ biến đối với nữ giới bị suy giảm nội tiết tố, đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh. Có hai loại liệu pháp thay thế hormone bao gồm:
- Liệu pháp estrogen: được chỉ định trong trường hợp người phụ nữ đã cắt bỏ tử cung.
- Liệu pháp hormone estrogen/progestin (EPT): Bác sĩ sẽ chỉ định chị em kết hợp đồng thời estrogen và progesterone, trong đó, progesterone giúp cân bằng hoạt động của estrogen ở tử cung.
Bởi estrogen có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các tế bào trong tử cung và gây ra ung thư. Progesterone sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển quá mức đó. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có một số rủi ro nhất định như: tăng nguy cơ ung thư vú, hình thành huyết khối, đau tim và đột quỵ. Nguy cơ mắc phải tăng lên khi dùng từ 5 năm trở lên.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ cũng như nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này. Nếu cần được giải đáp về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- Bệnh nội tiết là gì? Các bệnh nội tiết thường gặp nhất và nơi khám bệnh
- Những dấu hiệu tiền mãn kinh phụ nữ cần biết