Mục lục [Ẩn]
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết mới tiếp nhận bệnh nhân nữ 60 tuổi sốt cao, đau đầu. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết, máu cô đặc, có tràn dịch màng phổi.
Thăm khám cho một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Năm ngày trước khi đến viện, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nôn và đau thượng vị, sau đó sốt cao, đau đầu.
Người phụ nữ đến khám và nội soi dạ dày tại Trung tâm Tiêu hóa Gan - mật - tụy, xét nghiệm Dengue dương tính nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Thời điểm nhập viện, tiểu cầu của bệnh nhân hạ chỉ còn 10 G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương…
Các bác sĩ nhận định may mắn người bệnh nhập viện sớm nhờ dấu hiệu cảnh báo nên đã được theo dõi, điều trị kịp thời, hiện đã qua cơn nguy kịch.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay, sốt xuất huyết đến sớm hơn. Ngay từ đầu tháng 5, 6, đơn vị này đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện. Trung tâm đang điều trị cho 6 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 357 ca sốt xuất huyết tại 28 quận, huyện, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Triệu chứng sốt xuất huyết dễ gây nhầm lẫn
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, trong những ngày đầu, sốt xuất huyết thường có triệu chứng giống với nhiều loại bệnh do virus khác gây ra như cúm A, Covid-19… nên khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót chẩn đoán, dẫn tới không được điều trị kịp thời, làm cho bệnh diễn biến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khi có biến chứng, bệnh nhân phải được truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu.
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết, mức độ giảm tiểu cầu, PGS.TS Cường cho biết người bệnh cần làm xét nghiệm máu.
Ngoài tiểu cầu giảm, bệnh nhân có các biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh ở nữ giới hay hiện tượng cô đặc máu.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. Cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh bị mắc bệnh. Bao gồm:
- Vệ sinh môi trường, xóa bỏ các ổ nước đọng trong nhà và xung quanh nơi ở, diệt loăng quăng (bọ gậy), phun thuốc diệt muỗi, tránh muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài và dùng các biện pháp xua muỗi khác.
- Khi trong khu vực sinh sống, làm việc xuất hiện có ca bệnh sốt xuất huyết thì công tác phòng chống dịch cần phải được triển khai mạnh mẽ với sự phối hợp của chính quyền, ngành y tế, các đoàn thể và toàn bộ người dân trong khu vực.
Người bị sốt xuất huyết cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận
Cách điều trị và chăm sóc cho người bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, hiện nay vẫn chưa có một phương pháp điều trị sốt xuất huyết cụ thể, việc điều trị chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng, giúp người bệnh bớt cảm thấy khó chịu.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh vì trong lúc này người bệnh bị mệt và choáng, có thể bị té ngã khi tự đi một mình. Người nhà cần cho người bệnh uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường các loại nước trái cây, nước bù điện giải, nước cháo loãng. Bạn nên chia nhiều bữa ăn nhỏ cho người bệnh dễ ăn, thức ăn nên là thức ăn lỏng hoặc mềm, cho người bệnh tắm bằng nước ấm, lau người nhẹ nhàng không nên kỳ mạnh lên da.
Tuy nhiên, khi có các biểu hiện sau, bệnh nhân cần được đưa nhập viện ngay:
- Không ăn uống được, nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều hơn.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Cảm thấy khó chịu nhiều hơn mặc dù đã giảm hoặc hết sốt.
- Mệt mỏi, li bì, bứt rứt, thay đổi hành vi.
- Chảy máu mũi, ói ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, có máu lẫn ở trong phân, tiêu phân đen.
- Trên 6 giờ không tiểu tiện.
Khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu trên thì người nhà cần đưa họ đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng xấu xảy ra.
XEM THÊM:
- Hà Nội: Hàng loạt trẻ viêm phổi do Mycoplasma có nguy cơ tử vong
- Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi cứu bệnh nhân ung thư thận có chồi bướu