Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, vaccine tay chân miệng đang được phối hợp nghiên cứu đã đi đến những giai đoạn cuối cùng.
Bác sĩ BV Nhi đồng TP. Cần Thơ thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng
Nhóm chuyên gia Viện Pasteur đã phối hợp nghiên cứu vaccine tay chân miệng tại Việt Nam giai đoạn 3 trong vòng 3 năm tại tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Hai địa phương được chọn thử nghiệm là nơi có dịch bệnh lưu hành cao.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy, hiệu quả bảo vệ chung của vaccine giúp trẻ chống lại chủng virus EV71 là 96,8%, chưa ghi nhận ca mắc tay chân miệng nào trong nhóm trẻ được tiêm vaccine trong thời gian nghiên cứu.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm. Và có khoảng 30% phản ứng bất lợi hay gặp sau tiêm như: sưng, đau, đỏ vết tiêm… tương tự như các vaccine khác. Các phản ứng toàn thân chiếm 42,6% chủ yếu nhẹ và trung bình, các phản ứng này sẽ tự hết trong 1 đến 3 ngày.
Dựa trên đánh giá hiệu quả và theo quy trình thử nghiệm lâm sàng, đơn vị sản xuất đã gửi hồ sơ đến Bộ Y tế đăng ký phê duyệt. “Nếu được phê duyệt, đây là vaccine phòng tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam, có tác dụng giúp trẻ chống lại chủng virus EV71 (Enterovirus 71) - chủng virus nguy hiểm nhất gây bệnh tay chân miệng thể nặng, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo nghiên cứu, lịch tiêm của trẻ là được tiêm 2 mũi, cách nhau hai tháng. Các chuyên gia đánh giá nếu vaccine hiệu quả và đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm gánh nặng mà dịch bệnh này mang lại mỗi năm.
Dựa trên hiệu quả có được và quá trình thử nghiệm lâm sàng, nhà sản xuất đã gửi hồ sơ đăng ký phê duyệt. Nếu được phê duyệt, đây là vaccine đầu tiên tại Việt Nam phòng EV71.
XEM THÊM:
- 258.000 liều vaccine 5 trong 1 về Việt Nam để tiêm miễn phí cho trẻ
- Chính phủ cấp tiền mua vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2023