Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, vừa có một công ty sản xuất vaccine phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Dự kiến đến năm 2024, vaccine này sẽ được cấp phép.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Việt Nam sắp có vaccine phòng bệnh tay chân miệng.
Vaccine tay chân miệng đã được thử nghiệm tại Việt Nam và Đài Loan
Theo thứ trưởng Bộ Y tế, vaccine phòng bệnh tay chân miệng được nghiên cứu bởi Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia của Đài Loan và đã gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược.
Vaccine đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 và 2 được nghiên cứu từ năm 2010-2017 với 425 trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi.
Giai đoạn 3 được thử nghiệm trên 3.000 trẻ ở Việt Nam và Đài Loan. Ở Việt Nam, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) thẩm định, phê duyệt hồ sơ cho phép triển khai thử nghiệm năm 2019-2021 với trẻ từ hai tháng tuổi đến dưới 6 tuổi, sống tại 6 huyện thuộc tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Kết quả thử nghiệm ghi nhận vaccine đạt hiệu quả 96,8% trong việc giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh tay chân miệng do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào. Kết quả này đã được đăng tải trên The Lancet (tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới).
"Hy vọng từ nay đến cuối năm, vaccine này được phê duyệt để có thể đưa ra thị trường tiêm dịch vụ, góp phần đẩy lùi dịch tay chân miệng" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Như vậy, nếu được phê duyệt, đây là vaccine tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam. Vaccine theo công nghệ bất hoạt toàn hạt phòng virus EV71 (Enterovirus 71). Chủng virus này được coi là nguy hiểm nhất do gây bệnh tay chân miệng thể nặng, nguy cơ tử vong cao. Các tác nhân khác thường gây bệnh nhẹ hơn. Tại Việt Nam, EV71 "tái xuất" từ tháng 4, sau gần hai năm không phát hiện, đang dần chiếm ưu thế gây ca nặng.
Bệnh nhi tay chân miệng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng gia tăng đột biến
Theo ghi nhận, nửa đầu năm, các tỉnh phía Nam ghi nhận hơn 9.000 ca tay chân miệng. Các bệnh viện nhi tuyến cuối ghi nhận số bệnh nhân nặng, nguy kịch tăng. Nhiều trẻ phải thở máy, lọc máu, có trường hợp không qua khỏi.
Trước tình hình gia tăng ca mắc tay chân miệng, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng Enterovirus 71 (EV71) khiến số ca mắc chuyển nặng, dẫn đến tử vong tăng cao, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng đang gia tăng đột biến.
Theo Bộ Y tế, hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.
Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch, theo thông tin của Cục Quản lý dược, ngày 23/6 đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.
Với số lượng thuốc Immunoglobulin như vậy và với tình hình dịch như hiện nay, có thể phục vụ công tác điều trị khoảng trên 2 tháng cho những trường hợp cần sử dụng thuốc này tiêm tĩnh mạch.
Tuy nhiên, do tình hình bệnh tay chân miệng vẫn đang có dấu hiệu tăng cao, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu đảm bảo cung ứng thuốc theo nhu cầu của các bệnh viện trong thời gian sắp tới.
Bệnh tay chân miệng – Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo Viện Pasteur TP.HCM, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh. Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch cho cả trẻ em và người chăm sóc trẻ.
Cụ thể:
- Về vệ sinh cá nhân, chúng nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).
- Dùng tay hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi hắt hơi, ho, sau đó vứt giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận.
- Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
- Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
- Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
Bên cạnh đó, hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tại các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ cần chủ động giám sát sức khỏe để kịp thời phát hiện sớm ngay khi trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Đồng thời thường xuyên tập huấn cho thầy cô, người chăm trẻ về dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bị bệnh và các biện pháp phòng chống.
Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh cần nắm vững các dấu hiệu chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
XEM THÊM:
- Nhập viện muộn khiến nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nguy kịch
- Nguy cơ dịch chồng dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết tại TP. HCM