Theo thông tư vừa được ban hành của Bộ Y tế, từ ngày 20/6, người lao động là nữ giới sẽ được khám thêm chuyên khoa phụ sản và sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ.
Ung thư vú, cổ tử cung được đưa vào khám sức khỏe định kỳ
Ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14 năm 2013 của Bộ trưởng Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.
Điểm mới nhất so với thông tư cũ đó là lao động nữ sẽ được sàng lọc 2 loại ung thư rất hay gặp ở phụ nữ Việt Nam, gồm cổ tử cung và vú.
Theo đó, lao động nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm các tổn thương cổ tử cung bằng ít nhất một trong các kỹ thuật gồm: Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic; nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Lugol; xét nghiệm tế bào cổ tử cung; xét nghiệm HPV.
Ngoài ra, lao động nữ cũng được sàng lọc ung thư vú bằng ít nhất một trong các kỹ thuật: Khám lâm sàng vú; siêu âm tuyến vú 2 bên; chụp X-quang tuyến vú.
Lao động nữ được siêu âm tử cung, phần phụ khi có chỉ định của bác sĩ khám.
Hiện nay, Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành quy định: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 lần cho người lao động” và “Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản”.
Danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ gồm: khám vùng bụng dưới và vùng bẹn; khám bộ phận sinh dục ngoài; khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường; khám âm đạo phối hợp nắn bụng; khám trực tràng phối hợp nắn bụng.
Theo Globocan (The Global Cancer Observatory - Tổ chức Ung thư Toàn cầu), năm 2018 Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú với số ca mắc mới là 15.229 ca và số ca tử vong là 6.103 ca. Nếu như tỉ lệ sống trên 5 năm ở giai đoạn rất sớm đạt 98% thì ở giai đoạn cuối tỉ lệ này chỉ còn khoảng 10%.
Tuy nhiên, số phụ nữ chủ động khám sàng lọc ung thư vú vẫn còn rất thấp. Nhiều chị em còn tâm lý chủ quan và e ngại khi khám tầm soát ung thư vú.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi từ 30 trở lên. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.000 ca mắc mới, hơn 2.000 ca tử vong vì loại ung thư này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh cao, như hiệu quả điều trị ung thư vú có thể lên đến 90%, chi phí thấp. Song, thực tế nhiều bệnh nhân phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí tốn kém và kéo dài.
Tầm soát và phát hiện sớm ung thư là rất quan trọng
TS.BS Nguyễn Hữu Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đa số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh muộn. Điều này khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều so với khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn tiền lâm sàng - giai đoạn 0 và giai đoạn 1, khả năng điều trị khỏi rất cao. Nhiều bệnh lý ung thư nếu phát hiện sớm, tỉ lệ sống có thể đạt 99%.
Theo TS Trần Lê Sơn, Viện Di truyền Y học - Gene Solutions, "sớm" là giai đoạn tế bào ung thư chưa di căn sang cơ quan khác. Theo thống kê, nếu phát hiện ung thư giai đoạn sớm, bệnh nhân có tỷ lệ sống sau 5 năm là 90%. Với những tiến bộ trong điều trị hiện nay, các phương pháp tầm soát ung thư hiện đại có thể hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe nhanh chóng và hiệu quả hơn so với trước đây.
Các phương pháp hiện đại ngày nay có thể phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm qua 3 bước dưới đây:
Bước 1: Khám lâm sàng
Khám lâm sàng nhằm mục đích phát hiện bất thường, tìm kiếm khối u, đánh giá nguy cơ ung thư. Nếu như bạn chưa biết mình có nguy cơ mắc bệnh ung thư nào, cần tầm soát ra sao, thì đây là bước quan trọng để trả lời câu hỏi trên.
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tuổi tác, nghề nghiệp, triệu chứng bất thường, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình… Sau đó, quan sát và tìm kiếm các hạch bất thường, nốt ruồi, khối u… trên cơ thể người bệnh. Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ tư vấn nên tầm soát loại ung thư nào, thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phù hợp nhất. Người bệnh nên tầm soát ung thư tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu để được bác sĩ tư vấn, chỉ định, cũng như đọc kết quả chính xác.
Bước 2: Các xét nghiệm
Với mỗi loại bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác nhau, gồm:
Xét nghiệm máu: Có nhiều loại xét nghiệm máu được sử dụng trong tầm soát ung thư như xét nghiệm đếm máu phát hiện bệnh bạch cầu; xét nghiệm viêm gan B, C đánh giá nguy cơ ung thư gan… Ngoài ra, xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 125 có thể gợi ý ung thư buồng trứng; CA 153 ung thư vú; CA 19-9 ung thư đường tiêu hóa... Các xét nghiệm này chưa thể khẳng định chính xác, mà cần kết hợp phương pháp chẩn đoán khác.
Xét nghiệm nước tiểu: Có thể gợi ý các bệnh ung thư đường tiết niệu.
Xét nghiệm tìm máu trong phân: Sàng lọc ung thư đại trực tràng hoặc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
Xét nghiệm sinh hóa như PAP, HPV: Xét nghiệm dành cho nữ giới giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh, nội soi thăm dò chức năng
Chẩn đoán hình ảnh, nội soi thăm dò chức năng có thể cho thấy hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan trong cơ thể, hình ảnh khối u, kích thước khối u, vị trí di căn.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT)… Nội soi thăm dò chức năng gồm nội soi tai mũi họng, dạ dày, đại tràng. Trong quá trình nội soi nếu phát hiện polyp hoặc khối u, cũng có thể thực hiện cắt bỏ hoặc sinh thiết đồng thời.
Sau 3 bước cơ bản tầm soát ung thư, nếu phát hiện khối u, bác sĩ có thể chỉ định thêm phương pháp chuyên sâu khác để khẳng định bệnh, xác định giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn… để tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Như vậy, tầm soát và phát hiện sớm ung thư là rất quan trọng. Với sự phát triển của khoa học, người bệnh sẽ được tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị mới, cá nhân hóa, hiệu quả cao, từ đó chất lượng cuộc sống được cải thiện.
XEM THÊM:
- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chính thức nghỉ hưu trước tuổi
- Bé gái 8 tuổi tại Phú Thọ nhập viện do đột quỵ - Cha mẹ hãy thật thận trọng!