Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn và ít để lại di chứng tới sức khỏe. Dù vậy, đa số trường hợp phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn vì những dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn sớm thường khá mờ nhạt. Chính vì vậy, chị em phụ nữ nên thường xuyên thực hiện 5 biện pháp sau đây để phát hiện và tầm soát sớm ung thư cổ tử cung.
5 biện pháp giúp phát hiện và tầm soát sớm ung thư cổ tử cung
Những ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên?
Ung thư cổ tử cung là khối u ác tính nguyên phát ở cổ tử cung, có thể xuất phát từ các tế bào biểu mô vảy (chiếm 90-95% trường hợp) hoặc các tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào này phát triển bất thường, nhân lên thiếu kiểm soát, xâm lấn các khu vực xung quanh và nguy hiểm hơn cả là di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.
Theo khuyến cáo, tất cả phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đều cần phải thường xuyên đi khám sàng lọc để tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh:
- Nhiễm virus HPV:
HPV - Human Papilloma Virus, loại virus gây u nhú ở người (thường được gọi là mụn cóc) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, nguyên nhân gây ra hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung.
HPV là một nhóm với hơn 150 loại virus, song chỉ có 14 chủng được xem là nguy cơ cao dẫn tới ung thư cổ tử cung. Trong số đó, HPV 16 và HPV 18 là hai chủng có nguy cơ cao nhất (cao gấp 35 lần các chủng còn lại), gây 70% trên tổng số trường hợp ung thư cổ tử cung.
Tất cả phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có thể nhiễm HPV, nguy cơ bắt đầu từ lần quan hệ đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời. Ước tính có khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong đời.
- Phụ nữ quan hệ tình dục sớm và có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, hoặc có tiền sử viêm loét cổ tử cung cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp khoảng 2 lần so với người không hút thuốc.
- Phụ nữ bị suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV/AIDS gây tổn thương hệ thống miễn dịch, khiến phụ nữ có nguy cơ cao lây nhiễm HPV.
- Thừa cân: phụ nữ thừa cân, đặc biệt là sau 50 tuổi, cao huyết áp, tiểu đường… hoặc đang điều trị liệu pháp hormone Estrogen thay thế đơn thuần có nhiều khả năng phát triển ung thư cổ tử cung.
- Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài: trong một nghiên cứu, nguy cơ ung thư cổ tử cung đã tăng gấp đôi ở những phụ nữ uống thuốc ngừa thai dài hơn 5 năm, nhưng nguy cơ trở lại bình thường 10 năm sau khi họ ngừng thuốc.
Sử dụng thuốc tránh thai kéo dài làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
- Gia đình có tiền sử mắc ung thư cổ tử cung: nếu có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ phát triển căn bệnh này cao hơn từ 2-3 lần so với khi không có ai trong gia đình mắc bệnh.
Sàng lọc, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung bằng 5 biện pháp
Việc sàng lọc, chẩn đoán phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng phát triển thành các khối u ác tính mang tới tỷ lệ điều trị bệnh thành công lên tới 90% ở mọi loại ung thư. Càng phát hiện ở giai đoạn muộn thì hiệu quả điều trị sẽ giảm dần. Chính vì vậy, nếu tầm soát ung thư sớm, chẩn đoán phân biệt được ung thư cổ tử cung sớm thì tỷ lệ chữa được bệnh càng cao. Dưới đây là 5 biện pháp giúp bạn sàng lọc, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung.
Khám phụ khoa
Thăm khám cổ tử cung bằng mỏ vịt: sẽ thấy các tổn thương dạng chồi, sùi, loét, polyp hoặc thâm nhiễm rất dễ chảy máu khi chạm vào. Ở giai đoạn muộn, cổ tử cung sẽ biến dạng, có loét sâu hoặc mất hẳn hình dạng vốn có.
Thăm khám âm đạo - trực tràng với đánh giá kích thước khối u và tình trạng xâm lấn âm đạo, khu vực lân cận giúp chẩn đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ phát hiện và phân biệt được bệnh khi đã ở những giai đoạn tiến triển.
Soi cổ tử cung
Phương pháp sử dụng máy soi phóng đại hình ảnh cổ tử cung để quan sát dễ dàng hơn các tổn thương nếu có. Soi cổ tử cung thường được kết hợp với các biện pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch acid acetic 5% và Lugol để phát hiện những thay đổi bất thường do ung thư.
Xét nghiệm tế bào học âm đạo
Xét nghiệm tế bào học âm đạo còn có tên khác là xét nghiệm PAP. Ung thư cổ tử cung từng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc và tử vong do căn bệnh này đã giảm đáng kể từ khi tăng cường xét nghiệm Pap để sàng lọc bệnh.
Các bác sĩ sẽ lấy tế bào trên bề mặt cổ tử cung và âm đạo bằng một que gỗ hoặc bàn chải nhỏ hoặc tăm bông. Các tế bào sẽ được soi dưới kính hiển vi để phát hiện những biến đổi của tế bào. Đây được xem là phương pháp chính trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm HPV
Trong sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm PAP thường được kết hợp với xét nghiệm HPV để mang lại hiệu quả cao nhất. Xét nghiệm HPV nhằm mục đích phát hiện sự tồn tại của virus HPV và xác định type của virus HPV đó.
Xét nghiệm HPV định type giúp xác định chính xác 14 type HPV nguy cơ cao (16, 18, 31, 33, 45, 35, 39, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68) và 02 type nguy cơ thấp (06 và 11) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Sinh thiết cổ tử cung
Khi soi cổ tử cung thấy những tổn thương nghi ngờ hoặc kết quả xét nghiệm tế bào học có bất thường, nên tiến hành sinh thiết nhằm xác định tế bào nghi ngờ có phải tế bào ung thư hay không. Sinh thiết được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung.
Sinh thiết cổ tử cung là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tiên lượng sống thêm 5 năm của người bệnh ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện ra bệnh, cụ thể:
- Giai đoạn 0: >90%
- Giai đoạn I: 80 - 90%
- Giai đoạn II: 58 - 63%
- Giai đoạn III: 25 - 35%
- Giai đoạn IV: <16%
Cách tốt nhất đó là phải phòng ngừa từ sớm bệnh bằng các biện pháp:
- Tiêm phòng bằng vắc-xin HPV cho trẻ gái từ 9 - 26 tuổi
- Tạo thói quen khám sản - phụ khoa định kỳ, sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên bằng xét nghiệm PAP và HPV
- Tránh các yếu tố nguy cơ có thể (bỏ thuốc lá, giảm cân…)
- Có cuộc sống tình dục lành mạnh
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện, tầm soát bằng 5 biện pháp mà bài viết đã trình bày. Đồng thời, phòng bệnh từ xa là tốt nhất. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 1800 1044 (miễn cước) để được giải đáp. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM: