Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) vừa cấp cứu cho một bé sơ sinh mới 5 ngày tuổi, có biểu hiện ngộ độc thuốc trầm cảm. Qua khai thác tiền sử, mẹ bé đã điều trị trầm cảm 2 năm nay. Hiện tại, mẹ bé vẫn đang sử dụng thuốc theo đơn.
Bé V. được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh
Bệnh nhi là bé N.T.V, được sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ khi người mẹ mang thai ở tuần 38. Khi chào đời, bé V nặng 3,8kg nhưng khác với những đứa trẻ bình thường là bé không khóc to mà chỉ nhắm mắt.
Các bác sĩ Khoa Sản đã sơ cứu, kích thích cho trẻ khóc, cho bé thở ôxy. Sau đó, bé V. hồng hào hơn, vận động tốt nhưng mắt nhắm, kích thích đau cũng không chịu mở, nhịp thở chậm đều và có các cơn ngừng thở ngắn.
Bé được chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh, theo dõi chậm tiêu dịch phổi.
Qua khai thác tiền sử, mẹ bé đã điều trị trầm cảm 2 năm nay. Hiện tại, mẹ bé V vẫn đang sử dụng thuốc trầm cảm theo đơn. Các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh nhận định, có thể đây là trường hợp sơ sinh ngộ độc thuốc trầm cảm từ mẹ.
Trẻ đã được làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim…, được thở máy CPAP giúp nở phổi, dùng cafein. Sau 6 tiếng, bé V. đã khóc to những tiếng khóc đầu tiên. May mắn, sau 24 giờ điều trị, bé đã được cai thở máy, ăn bú bình thường và ra viện sau 4 ngày điều trị.
Theo các bác sĩ, thuốc trầm cảm thuộc nhóm thuốc chẹn tái hấp thu serotonin (SSRI). Chúng tác động lên serotonin trong não, tăng cường hoạt động của nó và giảm triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trầm cảm trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng cuối, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Những ảnh hưởng của thuốc trầm cảm lên thai nhi
Trầm cảm khi mang thai có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống hàng ngày của thai phụ. Chính vì vậy, bạn cần sớm phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp. Việc sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn với thai nhi.
Vì thế, đối với những phụ nữ bị trầm cảm ở giai đoạn nhẹ thì các chuyên gia sẽ khuyến khích áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý kết hợp với việc chăm sóc tại nhà mà chưa cần đến sự can thiệp của thuốc. Tuy nhiên, đối với những tình trạng trầm cảm vừa và nặng hoặc người bệnh có xuất hiện các hành vi gây hại thì cần được khuyến cáo sử dụng thêm một số loại thuốc.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng thuốc trầm cảm trong giai đoạn thai kỳ có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Rối loạn thần kinh: Sử dụng thuốc trầm cảm trong thai kỳ có thể gây rối loạn thần kinh cho trẻ sơ sinh, dẫn đến các vấn đề như giảm khả năng ăn, ngủ nhiều hơn mức bình thường và hấp thụ dinh dưỡng. Các triệu chứng này có thể kéo dài đến một tháng sau sinh.
- Động kinh: Sử dụng thuốc trầm cảm trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề về co giật ở trẻ sơ sinh.
Việc uống thuốc trầm cảm khi mang thai có thể gây ảnh hưởng rất lớn đối với thai nhi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nặng và cần thiết thì điều trị bằng thuốc là không thể tránh khỏi. Vì thế, trước khi quyết định sử dụng, thai phụ nên tham khảo và trao đổi cụ thể với chuyên gia. Các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về tỉ lệ rủi ro và lợi ích để kê đơn thuốc phù hợp cho từng đối tượng bệnh khác nhau. Người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc để hạn chế nguy cơ gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Song song với việc dùng thuốc, thai phụ cũng cần đảm bảo được chế độ dinh dưỡng mỗi ngày
Cách hạn chế những ảnh hưởng đến thai nhi khi uống thuốc trầm cảm
Để hạn chế bớt những ảnh hưởng xấu đến thai phụ và sự phát triển của thai nhi, bác sĩ khuyên người bệnh khi uống thuốc trầm cảm nên chú ý một số vấn đề sau đây:
- Chủ động thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nhẹ sẽ giúp người bệnh hạn chế được nguy cơ sử dụng thuốc và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Những phụ nữ đang bị trầm cảm không nên mang thai hoặc nếu có ý định muốn mang thai thì cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa.
- Những người thân trong gia đình cũng nên chú ý quan tâm và chăm sóc người bệnh. Chồng nên dành nhiều thời gian để lắng nghe và tâm sự cùng với vợ để giảm bớt các áp lực cho thai phụ. Hãy đồng hành cùng người bạn đời của mình trong, đừng để cô ấy phải làm mọi thứ một mình.
- Quá trình điều trị trầm cảm bằng thuốc cần phải thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ, thai phụ cần uống đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi liều lượng khi sử dụng, đặc biệt là không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột.
- Bệnh nhân cũng nên tiến hành tái khám đúng theo định kì để có thể nắm rõ được tình trạng sức khỏe, đồng thời sớm phát hiện các tác động xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Bên cạnh đó, người thân của thai phụ cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày của thai phụ, cần bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu cho sức khỏe, hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ, chất béo có hại.
- Người nhà nên động viên thai phụ thường xuyên tập luyện các bài thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe. Yoga và thiền định là hai bộ môn được khuyến khích áp dụng cho những trường hợp bị trầm cảm khi mang thai. Mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 20 đến 30 phút để tập luyện cũng giúp thai phụ nâng cao sức đề kháng, đồng thời cân bằng và ổn định tâm trạng tốt hơn.
- Chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ, bởi thông thường người bệnh trầm cảm dễ rơi vào trạng thái bị rối loạn giấc ngủ, nhất là mất ngủ. Vì thế, người nhà hãy cố gắng tạo không gian tốt nhất cả về tinh thần và phòng ngủ, ánh sáng để thai phụ có thể yên tâm ngủ ngon.
- Người chồng hãy cùng vợ mình đăng kí tham gia vào các lớp tiền sản để được học thêm về những kỹ năng chăm sóc bản thân và thai nhi, hạn chế tình trạng căng thẳng, áp lực quá mức, nhất là những phụ nữ lần đầu mang thai.
- Người chồng hoặc người nhà hãy chủ động tâm sự và chia sẻ nhiều hơn với vợ để họ tâm sự nỗi lòng của mình. Việc có thể nói ra được những khúc mắc trong lòng sẽ giúp thai phụ giải tỏa được những căng thẳng, nỗi buồn từ đó góp phần giúp cho các triệu chứng trầm cảm mau chóng cải thiện.
XEM THÊM: