Trong thời gian gần đây tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng ( khu vực biên giới giáp Việt Nam).
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết loại virus H5N1 ở Campuchia đã được xác định là dòng virus cúm gia cầm đặc hữu ở nước này.
CDC Mỹ cho biết trong một tuyên bố về việc giải trình tự gen sơ bộ - được thực hiện ở Campuchia - rằng virus là H5 nhánh 2.3.2.1c, đã lưu hành ở Campuchia trong nhiều năm ở chim và gia cầm, thỉnh thoảng lây sang người, Reuters đưa tin
"Đây là nhánh cúm gia cầm đã lưu hành quanh khu vực trong nhiều năm. Dù từng có người nhiễm loại virus này, nó chưa được ghi nhận là lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mối đe dọa thấp hơn", Erik Karlsson, Giám đốc Trung tâm Cúm Quốc gia Campuchia và Quyền trưởng phòng virus học tại Viện Pasteur du Cambodge, nơi giải trình tự bộ gen virus, cho biết.
Ông nói thêm rằng cần phải phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn virus lây lan thêm.
Giám sát chặt người nhập cảnh ngăn cúm H5N1
Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Yêu cầu được Bộ Y tế gửi đến các địa phương ngày 1/3 liên quan đến việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Theo Bộ Y tế, trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.
Hơn nữa, thời tiết hiện nay tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đồng thời các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Trước đó, tháng 10/ 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A(H5N1) trên người (tại tỉnh Phú Thọ) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay.
Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người). Trong trường hợp nghi ngờ, cơ quan chức năng cần kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Cơ quan y tế cần tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện ca bệnh cúm H5N1. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Bên cạnh đó, nếu có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Thông tin thêm về cúm A/H5N1
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác và lây sang cho người .
Nhiễm cúm gia cầm thường có tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B. Tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%.
Sự lây truyền các chủng virus cúm A giữa các loài. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong có xu hướng cao hơn.
Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
XEM THÊM:
- Chúng ta cần ăn gì để có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể?
- 5 lợi ích kỳ diệu của việc đọc sách trước khi đi ngủ