Trong hai tháng 6-7, trẻ trên ba tháng tuổi mắc dị tật hở môi vòm miệng sẽ được mổ miễn phí tại 6 bệnh viện tại Hà Nội, Nghệ An, Đăk Nông.
PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương
Tại buổi lễ Phát động tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi – vòm họng, ngày 30/5, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, trẻ sẽ được miễn toàn bộ chi phí phẫu thuật cũng như hỗ trợ một phần chi phí đi lại ăn uống trong thời gian điều trị.
Đây là hoạt động hưởng ứng đề án Nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030 của Bộ Y tế.
Theo đó, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) khám và phẫu thuật trong một tuần, ngày 1-7/6. Các bé đã phẫu thuật vá hở môi cũng được tư vấn điều trị sau mổ như chỉnh nha hay ngữ âm trị liệu để phục hồi toàn toàn chức năng và thẩm mỹ.
Các bệnh viện Thẩm mỹ Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện khám vào ngày 5/6; Đa khoa Hà Đông hai ngày 5-6/6; Sản Nhi Nghệ An khám ngày 28-30/6; Đa khoa Đăk Nông ngày 3/7 và Nhi Trung ương ngày 5/7.
"Nếu bé không đủ điều kiện an toàn phẫu thuật như thiếu cân, thiếu tháng, sức khỏe yếu, bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc để nâng thể lực và xếp lịch phẫu thuật gần nhất", PGS Bính nói.
Cứ 500 trẻ sinh ra có 1 bé bị dị tật khe hở môi - vòm miệng
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng.
Theo các chuyên gia y tế, hở môi-vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng mặt làm biến dạng khuôn mặt của trẻ. Nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật trên là do di truyền từ cha mẹ sang con hoặc những yếu tố vật lý (tia X) hóa học (Dioxin, Thalidomid), vi sinh (nhiễm Rubella, cúm) tác động đến người mẹ trong giai đoạn thai kỳ. Ngoài ra dị tật có thể xuất phát từ việc sử dụng thuốc không đúng, hoặc tình trạng sức khỏe và thói quen sống của người mẹ lúc mang thai (bị stress, suy dinh dưỡng, béo phì, hút thuốc, uống rượu).
Sứt môi, hở vòm không gây tử vong nhưng có thể làm trẻ gặp khó khăn trong ăn uống, giao tiếp và hòa nhập với xã hội bởi những ảnh hưởng thẩm mỹ của khuôn mặt; ảnh hưởng các hoạt động chức năng như nghe kém, nói ngọng, khó bú, khó ăn. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng xấu đến cả phần đời còn lại.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi gia đình đều có nhận thức đầy đủ hoặc điều kiện kinh tế để điều trị.
Theo PGS Bính, thiếu sót trong khâu điều trị có thể khiến cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề cả về mặt chức năng lẫn thẩm mỹ, trở nên khó hòa nhập với cuộc sống. Vì thế, tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức. Đồng thời, khuyến khích các gia đình tới những cơ sở uy tín, chất lượng tại Việt Nam để được tư vấn, khám và chữa một cách toàn diện nhất.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thêm, sự chung tay của nhiều thành phần trong xã hội sẽ góp phần lan tỏa những cử chỉ nhân ái tới nhiều người hơn. Qua đó, những người kém may mắn, đặc biệt là trẻ em, có thể tiếp cận với phương pháp điều trị an toàn, chất lượng và có tính xuyên suốt cao.
Phẫu thuật là giải pháp hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị khe hở môi, hàm ếch có cuộc sống bình thường
Hàn gắn những nụ cười trên môi trẻ thơ
Mới đây, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã phẫu thuật thành công ca bệnh hở hàm ếch rất phức tạp. Bệnh nhi 13 tháng tuổi (ở Lào Cai), sinh ra với khe hở chéo mặt bên trái và khe hở môi, vòm miệng toàn bộ hai bên.
Do có khe hở chéo mặt cộng với khe hở môi và vòm miệng lớn nên bệnh nhi ăn uống rất khó khăn. Hơn nữa, khiếm khuyết này còn khiến bệnh nhi bị lộn kết mạc, nhắm mắt không kín, gây nguy cơ viêm, khô giác-kết mạc.
Ca phẫu thuật được tiến hành với mục tiêu đóng kín khe hở chéo mặt, che kín mắt trái giúp bảo tồn mắt trái, tạo hình môi hai bên giúp việc ăn uống dễ dàng hơn. Sau 4 giờ thực hiện, ê-kíp phẫu thuật đã tạo hình được môi hai bên, cánh mũi trái, đưa được mí dưới trái về đúng vị trí, nhắm mở được mắt trái. Mọi chi phí phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu cho ca bệnh này đều được miễn phí.
Hằng năm, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tổ chức nhiều đợt phẫu thuật nhân đạo, khoảng 3.000 trẻ em khuyết tật môi - miệng đã được sửa dị tật.
XEM THÊM: