Các loại nước tẩy rửa gần như là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng được sử dụng ở tất cả mọi nơi, từ bệnh viện, khách sạn, cho đến các hộ gia đình.
Do chứa chất tẩy rửa mạnh, nên những sản phẩm này cần được lựa chọn kỹ và sử dụng thật cẩn thận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là chứa hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trường hợp người đàn ông tại Hưng Yên, phải nhập viện điều trị vừa rồi là ví dụ điển hình.
Người đàn ông phải nhập viện điều trị sau khi dùng nước tẩy rửa chứa hóa chất độc hại (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)
Phải nhập viện chỉ sau 20 phút tiếp xúc với nước tẩy rửa chứa hóa chất độc hại
Ngày 31/5, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho một nam giới 55 tuổi. Người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối và đau buốt. Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc nghi ngờ, người bệnh bị hoại tử do hóa chất độc hại.
Theo chia sẻ từ gia đình, người bệnh có biểu hiện đau, nhức buốt các ngón tay, cảm giác như bị côn trùng cực độc cắn. Tình trạng này xuất hiện sau khi người bệnh dùng nước tẩy rửa khoảng 15 - 20 phút.
Qua thăm khám, người bệnh được kết luận là bị nhiễm độc từ hóa chất có trong nước tẩy rửa. Sau khi được thải độc bằng dung dịch canxi gluconat 10%, người bệnh tiếp tục được nhập viện theo dõi.
Các bác sĩ cho biết, loại nước tẩy rửa mà người bệnh sử dụng có tên là V300, được mua online trên mạng với giá 180.000 đồng/chai. Theo quảng cáo, đây là loại nước xịt tẩy sạch cặn canxi, mảng bám ố vàng và vết bẩn khác.
Bao bì sản phẩm hoàn toàn không ghi rõ thành phần, cơ sở sản xuất. Hướng dẫn sử dụng rất sơ sài, chỉ vỏn vẹn 2 dòng chữ: “xịt tẩy rửa không chạm” và “sử dụng bằng găng tay”. Đồng thời, cách xử trí cho người dùng trong trường hợp bị nhiễm độc cũng không đề cập tới.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, sản phẩm này có tính tẩy rửa cực mạnh, nghi ngờ chứa acid flohydric. Đây là một loại hóa chất rất độc hại, cần sử dụng các đồ bảo hộ khi sử dụng.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, bệnh nhân đã dùng tay tiếp xúc trực tiếp với nước tẩy rửa này. Việc không dùng bao tay và không tìm hiểu kỹ thành phần là nguyên nhân gây ra tình trạng như trên.
Chai nước tẩy rửa mà người bệnh sử dụng (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)
Acid flohydric nguy hiểm như thế nào?
Acid flohydric - HF là một trong những loại hoá chất vô cùng độc hại. Nó có khả năng ăn mòn kính, các vật dụng làm từ thủy tinh, hòa tan oxit kim loại,... Nếu không cẩn thận, để hóa chất rơi vào da, thì có thể gây bỏng nặng, sâu và đau rát. Thậm chí, nó gây hoại tử nghiêm trọng, gây tổn hại đến các mô và xương. Acid flohydric bốc hơi sẽ tạo thành khí độc, tiếp xúc với mắt có thể gây mù do hủy hoại nhanh chóng giác mạc.
Acid flohydric có thể gây bỏng nặng, đau rát, thâm chí hoại tử da, mô, xương
Vì là hóa chất độc hại như vậy, nên bạn cần thật thận trọng khi sử dụng acid flohydric. Không chỉ sử dụng găng tay, bạn sẽ phải đeo cả khẩu trang và đeo kính bảo vệ mắt. Trong trường hợp không may bị dính trực tiếp acid, bạn cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất, để được chữa trị kịp thời, tránh gây ra những tổn thương nặng.
Khuyến cáo của chuyên gia y tế về sử dụng các chất độc hại
Không chỉ có HF, nhiều hóa chất độc hại khác cũng có thể đang ở ngay cạnh chúng ta như:
Phthalates
Phthalates thường có trong nước rửa chén, sản phẩm khử trùng, chất tạo mùi thơm nhà bếp. Tuy nhiên, nó thường không xuất hiện trên nhãn mác, mà được ghi là chất tạo mùi, hương thơm,... Đây là chất có thể gây rối loạn nội tiết tố. Nếu tiếp xúc lâu dài, nam giới dễ bị giảm số lượng tinh trùng, bé gái bị dậy thì sớm, bé trai sẽ có ít hành vi nam tính hơn,...
Triclosan
Triclosan có trong hầu hết các loại nước rửa chén đĩa, nước tẩy nhà bếp và xà phòng rửa tay. Hóa chất này giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc. Tuy nhiên, triclosan ảnh hưởng đến chức năng của hormon tuyến giáp, gây suy giảm miễn dịch, co các khớp nối trong cơ tim và xương.
Ammonia
Ammonia có trong các sản phẩm đánh bóng đồ đạc phòng tắm, bồn rửa chén bát và nước rửa kính. Hóa chất này dễ bay hơi, tạo thành khí rất độc hại. Nó gây kích thích mạnh, gây ra bệnh hen suyễn, viêm phế quản và các vấn đề hô hấp khác.
Sodium Hydroxide
Sodium Hydroxide được dùng trong các sản phẩm tẩy rửa lò nướng và dụng cụ thông ống cống, thoát nước. Hóa chất này có tính ăn mòn, gây bỏng nặng nếu tiếp xúc trực tiếp vào da hoặc mắt. Nó có thể gây mù lòa, tức ngực, khó thở, rát cổ, phồng rộp, bỏng sâu, đau bụng, nôn mửa,...
2-Butoxyethanol
2-Butoxyethanol là chất tẩy rửa đa năng. Nó có ở trong các sản phẩm lau bếp, tẩy rửa lò nướng, chén, đĩa, chất tẩy nhờn, dung dịch lau kính,... Đây là chất gây đau họng khi hít phải, kích ứng mắt, da, ảnh hưởng gan, phổi, thận nghiêm trọng,...
Quaternary Ammonium Compounds
Quaternary Ammonium Compounds (QUATS) có trong sản phẩm làm mềm vải, các chất tẩy rửa, nước lau nhà, chất tẩy dầu mỡ, chất khử trùng,... QUATS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm da tiếp xúc. Không chỉ vậy, hóa chất độc hại này còn là thủ phạm gây bệnh hô hấp, như hen suyễn.
Như vậy, có rất nhiều hóa chất độc hại tồn tại ngay bên cạnh chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không hề hay biết, hoặc không để ý đến các hóa chất này. Việc tiếp xúc lâu dài với chúng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Chính vì vậy, mọi người cần lựa chọn các sản phẩm một cách cẩn thận, xem xét kỹ thành phần. Đồng thời, người dân tuyệt đối không được sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác.
XEM THÊM:
- Sơn La: Người đàn ông mất hai chân sau khi uống lá rừng
- Thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do ung thư buồng trứng