Hệ nội tiết trong cơ thể nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng, chỉ đạo và tham gia vào hầu hết các quá trình trong sự phát triển của cơ thể. Do đó việc rối loạn nội tiết tố sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác nhau. Vậy, những vấn đề này là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu điều này trong bài viết dưới đây nhé!
Rối loạn nội tiết tố gây ra những vấn đề gì?
Rối loạn nội tiết tố là gì?
Nếu ví cơ thể của chúng ta là một dàn nhạc, thì hệ thống nội tiết đóng vai trò là nhạc trưởng, điều phối hoạt động của toàn bộ các hoạt động khác nhau dù là nhỏ nhất. Hệ thống này bao gồm các tuyến nội tiết trải dài khắp thể, mỗi tuyến sẽ đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau.
Chúng thực hiện điều này nhờ sản xuất ra các loại hormone hay còn được là nội tiết tố. Khi các tuyến nội tiết hoạt động bình thường, nội tiết tố sẽ được sản xuất với nồng độ thích hợp. Các hoạt động trong cơ thể diễn ra một cách hài hòa.
Ngược lại, khi các nội tiết tố này tăng hoặc giảm sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố. Cũng chính vì điều này, cơ thể sẽ xảy ra nhiều rối loạn khác nhau. Trên thực tế, hầu như không có loại nội tiết tố nào hoạt động một cách độc lập, mà thường ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, tình trạng rối loạn nội tiết tố thường có nhiều biểu hiện và triệu chứng khác nhau.
Rối loạn nội tiết tố gây ra những vấn đề gì?
Các nội tiết tố tham gia vào hàng loạt quá trình quan trọng của cơ thể như: chuyển hóa năng lượng, tác động đến sự tăng trưởng của cơ thể, chức năng tình dục, tâm trạng, cảm xúc,...
Do đó, khi bị rối loạn nội tiết tố, chúng cũng kéo theo nhiều sự thay đổi, khiến cơ thể gặp phải các vấn đề từ nhẹ, đến nghiêm trọng như:
Nổi mụn trứng cá
Mụn trứng cá do rối loạn nội tiết sẽ được gọi là mụn nội tiết, phân biệt với mụn do bụi bẩn, virus acnes,... Nó có thể xuất hiện ở cả hai giới, nhưng thường phổ biến hơn đối với nữ. Nó thường diễn ra vào những thời điểm nội tiết tố rối loạn như: trong kỳ kinh nguyệt, mãn kinh, mang thai, mắc buồng trứng đa nang, tăng nồng độ androgen. Theo ước tính, có tới 50% phụ nữ ở độ tuổi từ 20 – 29 bị mụn trứng cá, và ở độ tuổi 40 – 49 tuổi là khoảng 25%.
Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn nội tiết tố sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Nó có thể gây ra tình trạng rong kinh rong huyết, kéo dài hoặc rút ngăn chu kỳ, kinh nguyệt không đều,...
Thay đổi huyết áp
Rối loạn nội tiết tố sẽ gây tăng huyết áp thứ phát. Nó có thể đến từ một số nguyên nhân như: Hội chứng Cushing, cường aldosterone, u tuyến thượng thận, cường giáp hoặc suy giáp, cường cận giáp,...
Gây ra bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi sự rối loạn đường huyết do thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin. Đây là một nội tiết tố được sản xuất bởi tuyến tụy. Bên cạnh đó, một số nội tiết tố khác như cortisol hay testosteron cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Rối loạn nội tiết tố có thể làm tăng đường huyết
Gây mất ngủ
Giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nội tiết khác nhau như melatonin, cortisol, hay hormone tăng trưởng HGH. Trong đó, cortisol và melatonin giúp điều chỉnh giấc ngủ theo chu kỳ sinh học ngày đêm. Nồng độ cortisol thường cao vào buổi sáng, giúp tạo cảm giác tỉnh táo, và đánh thức chúng ta dậy. Melatonin lại sinh ra nhiều vào buổi tối, giúp tạo cảm giác buồn ngủ. HGH giúp tái tạo giấc ngủ sinh lý. Khi quá trình sản sinh những nội tiết tố này bị rối loạn, bạn sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ.
Gây phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý chỉ có ở nam giới. Trong đó, sự rối loạn nội tiết tố testosterone, dihydrotestosterone, estrogen đóng vai trò chủ yếu vào sự tăng sinh lành tính của tế bào tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, nồng độ insulin tăng lên cũng góp phần gây ra sự phì đại.
Làm giảm ham muốn tình dục
Testosterone được gọi là nội tiết tố nam, và estrogen, progesterone là nội tiết tố nữ. Chúng không chỉ giúp duy trì những đặc trưng riêng biệt của hai giới, mà còn giúp tạo ra cảm giác hấp dẫn với người khác giới. Sự sụt giảm các nội tiết tố này sẽ kéo theo tình trạng giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ giới.
Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố là gì?
Các nguyên nhân gây rối loạn nội tố có thể kể đến như:
Tuổi tác
Khi tuổi tác tăng lên, chức năng của các tuyến nội tiết sẽ dần bị suy giảm. Nồng độ nội tiết tố theo đó cũng tăng giảm một cách bất thường. Quá trình này thường trở nên rõ ràng nhất khi nữ giới trong giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh; còn nam giới trong độ tuổi mãn dục nam.
Do sử dụng chất kích thích
Uống rượu, hút thuốc lá gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả tuyến nội tiết. Tần suất sử dụng càng thường xuyên thì tình trạng rối loạn nội tiết tố càng nặng, nghiêm trọng nhất là ở người nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
Do các bệnh lý
Tình trạng rối loạn nội tiết tố sẽ xảy ra khi các tuyến nội tiết bị tổn thương do bệnh lý hoặc các di chứng. Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng này có thể kể đến như: Viêm nhiễm, tự miễn, ung thư, hội chứng Kallmann, quai bị, chấn thương, suy tuyến nội tiết, rối loạn giấc ngủ, buồng trứng đa nang, tinh hoàn lạc chỗ,...
Ung thư tuyến giáp sẽ gây rối loạn nội tiết tố
Sử dụng thuốc
Do có khả năng tham gia và điều hòa hoạt động nhiều quá trình khác nhau trong cơ thể, nên người ta đã tạo ra một số loại thuốc có cấu trúc khá tương đồng với các nội tiết tố. Loại thuốc điển hình nhất chính là corticosteroid, rất giống với hormone cortisol. Việc sử dụng những loại thuốc này cũng sẽ gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết. Bên cạnh đó, một số loại thuốc hóa trị, xạ trị ung thư cũng có thể gây ra tình trạng này.
Căng thẳng, stress
Căng thẳng, stress ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả rối loạn nội tiết tố. Những ảnh hưởng của căng thẳng stress có thể kể đến là làm tăng nồng độ cortisol, tăng đề kháng insulin, giảm sản xuất testosterone và estrogen, progesterone.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả về những vấn đề có thể gặp phải khi rối loạn nội tiết tố. Nếu bạn cần trợ giúp trong việc chăm sóc sức khỏe, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhé!
XEM THÊM:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) - Khi quá ngăn nắp cũng có thể trở thành bệnh!
- Tại sao bạn cần thận trọng với hạ kali máu?