Chào chuyên gia, con gái tôi năm nay 10 tuổi và rất thích uống sữa. Tôi nghe nhiều người chia sẻ rằng uống sữa sẽ gây dậy thì sớm. Vậy tôi muốn hỏi thông tin đó có chính xác không và tôi nên làm gì để con mình không gặp phải tình trạng này. Tôi xin cảm ơn.
Thanh Hà, 36 tuổi, Hà Nội
Trẻ uống nhiều sữa có bị dậy thì sớm không?
Trả lời:
Chào chị Hà, câu hỏi của chị cũng là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh. Hiện nay, có nhiều người đang hạn chế việc cho con mình uống sữa vì nghi ngờ rằng, hormon tăng trưởng trong sữa bò sẽ khiến trẻ bị dậy thì sớm.
Có nhiều cơ sở để chúng ta tin vào quan điểm này, đặc biệt là khi trong sữa bò có chứa một lượng nhất định các hormon tăng trưởng. Ngày nay, nhằm tăng sản lượng sữa bò, người ta đã sử dụng hormon tăng trưởng tổng hợp để tiêm vào bò mẹ. Trong đó, hormone tăng trưởng tổng hợp được tổng hợp theo phương pháp gen trong phòng thí nghiệm, và nó hoạt động giống như hormone tăng trưởng tự nhiên. Tại Mỹ, việc tiêm hormon này vào bò đã được FDA chấp thuận từ năm 1993, tuy nhiên, một số nước như Châu Âu, Canada, và một số nước khác lại không được áp dụng.
Một điều đáng lo ngại khác đó là bò được tiêm hormone tổng hợp có nồng độ IGF-1, một loại hormone giúp tế bào tăng trưởng cao hơn so với bò không được tiêm hormone.
Khi uống sữa của những con bò này, nghĩa là con bạn đang đưa vào cơ thể một lượng hormon nhất định. Chúng ta sẽ không biết được rằng loại sữa con chúng ta đang uống có phải được sản xuất bởi những con bò được tiêm hormon tăng trưởng tổng hợp hay không. Và cũng không thể biết ngoài những thành phần trên nhãn sản phẩm, trong sữa đó còn có chứa những chất gì khác ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con không.
Vì vậy, những lo ngại xoay quanh việc trẻ uống nhiều sữa có nguy cơ gây dậy thì sớm không phải là không có căn cứ. Tuy rằng, những nghiên cứu gần đây vẫn chưa khẳng định chắc chắn việc sử uống sữa bò gây dậy thì sớm ở trẻ. Nhưng cũng đã có bằng chứng về việc uống nhiều sữa bò ở những đứa trẻ có các yếu tố nguy cơ khác khiến trẻ dễ bị dậy thì sớm hơn, đặc biệt là khi trẻ uống với lượng lớn và liên tục trong nhiều ngày.
Sữa không phải thủ phạm gây dậy thì sớm
Đứng trước thực trạng trẻ em hiện nay có xu hướng dậy thì sớm ngày càng nhiều, tôi hiểu được những lo lắng của chị. Tuy nhiên, vì sữa cũng đóng vai trò rất lớn với sự phát triển của trẻ nên chị đừng vội loại bỏ hoàn chúng ra khỏi thực đơn của con mình.
Vai trò của sữa với sự phát triển của trẻ
Các nhà khoa học đã chứng minh sữa có hơn 400 dưỡng chất quan trọng giúp cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể. Sữa cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất đạm, chất béo, chất bột đường, chúng cũng rất giàu vitamin và nhiều khoáng chất giúp cơ thể trẻ tăng trưởng, phát triển và khỏe mạnh. Đặc biệt, sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng, giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả. Các chất dinh dưỡng trên đều rất quan trọng đối với quá trình duy trì và phát triển của trẻ. Có thể kể như chất đạm trong sữa giúp hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng vận động, củng cố cơ bắp, kết hợp với canxi và photpho có trong sữa sẽ làm cho hệ xương, răng của trẻ sẽ phát triển tốt.
Vì vậy, thay vì loại bỏ hoàn toàn sữa khỏi thực đơn của con thì mẹ nên cho trẻ uống sữa với lượng vừa đủ mỗi ngày, cụ thể:
- Trẻ 1-2 tuổi: Uống 100ml sữa/ngày.
- Trẻ 2-3 tuổi: Uống 200-300ml/ngày.
- Trẻ 3 – 6 tuổi: Uống khoảng 400ml – 500 ml/ngày
- Trẻ ở tuổi thiếu niên: Tổng lượng sữa từ 500 – 700 ml/ngày
Sữa cần cho sự phát triển của trẻ
Nguyên nhân gây dậy thì sớm là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ như yếu tố chủng tộc, các bất thường trong não của trẻ (có khối u vùng dưới đồi, tuyến yên), dùng sản phẩm ngoài da của người lớn có thành phần nội tiết.
Liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chế độ ăn kém khoa học và tình trạng thừa cân, béo phì với hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ.
Việc ăn nhiều thịt, ít ăn rau quả, thường xuyên uống nước ngọt có ga, ăn đồ ăn nhanh (gà rán, khoai tây chiên, pate, xúc xích, lạp xưởng) làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. Trong các thực phẩm chế biến sẵn, chúng đã được chế biến ở nhiệt độ cao, sử dụng nhiều chất hóa học để bảo quản…, gây tình trạng biến đổi chất, trẻ ăn vào có thể bị rối loạn nội tiết, khiến cơ thể dậy thì sớm hơn.
Béo phì là một yếu tố nguy cơ lớn gây tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Theo các nghiên cứu y tế, trẻ dậy thì sớm là do một loại hormon có tên là leptin. Leptin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người và nó được tiết ra từ các tế bào chất béo, khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu.
Nếu trẻ uống sữa với lượng lớn, liên tục trong nhiều ngày và kết hợp với các yếu tố trên thì có thể nguy cơ dậy thì sớm sẽ tăng lên.
Trẻ ăn đồ ăn nhanh, trẻ bị béo phì là những yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm
Cần làm gì để phòng ngừa tình trạng trẻ bị dậy thì sớm?
Để con mình không bị dậy thì sớm, chị cần chú ý:
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của con khoa học, hợp lý: Bữa ăn hàng ngày của con nên đầy đủ dinh dưỡng (protid, lipid, glucid, vitamin và khoáng chất). Lựa chọn thực phẩm tươi, không chứa chất biến đổi gen, hạn chế thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Tạo cho con thói quen vận động, luyện tập thể lực ít nhất 30 phút/ ngày cùng với những bộ môn như đá bóng, bơi lội, nhảy dây, chạy…
- Thận trọng trong việc cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm kem, mỹ phẩm hoặc thuốc có estrogen và testosterone.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân gây tình hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Và để phòng ngừa tình trạng này chị nên thực hiện theo những lời khuyên trong bài viết này. Chúc chị và gia đình sức khỏe!
XEM THÊM: