Câu hỏi
Chào chuyên gia, vợ tôi từ lúc mang bầu, đến khi sinh con xong đều kêu bị đau lưng dưới. Đau cả ở bên phải và bên trái. Mẹ tôi cũng thỉnh thoảng bị đau ở vị trí tương tự, kèm theo cảm giác tê bì chân. Chuyên gia cho hỏi, đau lưng dưới như vậy là bệnh gì? Tình trạng này có nguy hiểm hay không ạ?
(Anh Huy, 39 tuổi, Hải Phòng)
Chuyên gia giải đáp: Đau lưng dưới là bệnh gì, có nguy hiểm không?
Giải đáp
Chào anh, đau lưng dưới là một tình trạng phổ biến, được bắt gặp ở cả nam và nữ. Tình trạng này có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng, đặc biệt là phụ nữ có thai, người già. Nam giới lao động nặng, vận động viên cũng có thể bị đau lưng dưới do chấn thương. Tuy nhiên, nguyên nhân sẽ có một số điểm khác biệt nhất định.
Đau lưng dưới ở phụ nữ có thai và sau sinh
Với tình trạng của vợ anh, đau lưng dưới trong thai kỳ là do áp lực từ thai nhi. Thai nhi phát triển sẽ gây ảnh hưởng đến các rễ thần kinh tại cột sống lưng dưới. Đồng thời, các mạch máu có thể bị chèn ép dẫn đến thiếu oxy, dưỡng chất làm tổn thương xương khớp và gây đau.
Tình trạng đau lưng dưới sau sinh thường là do dây chằng bị kéo giãn, hoặc do gây tê tủy sống. Trường hợp này, đau có thể xảy ra tại lưng dưới bên phải, bên trái hoặc phần xương cụt.
Đau lưng dưới ở người cao tuổi
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau lưng dưới ở người cao tuổi có thể kể đến như:
Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống là căn bệnh xảy ra do đĩa đệm và đốt sống bị hư hại. Hai trường hợp thường gặp nhất là thoái hóa đốt sống cổ, và thoái hóa cột sống thắt lưng. Trong đó, thoái hoá cột sống thắt lưng sẽ gây ra những cơn đau âm ỉ ở lưng dưới. Đau tăng lên khi vận động, nhất là lúc cúi người, bê đồ nặng,... Đốt sống bị thoái hóa nặng sẽ khiến vùng đau lan xuống mông, đùi, bắp chân, kèm theo tê bì.
Thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ gây đau lưng dưới
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đĩa đệm nằm ở giữa các đốt sống, có tác dụng phân tán lực, giảm chấn động và chịu lực. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xảy ra khi bao xơ bị rách, nhân nhầy lồi ra ngoài. Điều này khiến các rễ thần kinh tại đây bị chèn ép, gây đau lưng dưới. Tình trạng đau có thể lan xuống mông, đùi, bắp chân, bàn chân, kèm theo tê bì, châm chích.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân hàng đầu gây đau dây thần kinh tọa. Thoát vị nặng có thể gây chèn ép tủy sống, gây liệt 2 chân, mất cảm giác, rối loạn tiểu tiện.
Hẹp ống sống
Đây là hiện tượng ống sống bị thu hẹp do thoái hóa, thoát vị, phì đại dây chằng vàng, vẹo cột sống. Hẹp ống sống cũng sẽ chèn ép rễ thần kinh, gây đau lưng dưới, tê vùng mông, đùi, yếu chân. Cơn đau tăng lên khi vận động, giảm bớt khi người bệnh cúi về phía trước.
Loãng xương
Loãng xương là căn bệnh xương khớp thường gặp nhất ở những người có tuổi. Điều này xảy ra khi quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn so với tạo xương. Kéo theo đó là làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương cũng có thể gây xẹp đốt sống.
Loãng xương sẽ gây đau tại các vùng chịu lực nhiều của cơ thể như: Thắt lưng, xương chậu, đầu gối,... Người bệnh thường có cảm giác đau âm ỉ kéo dài, tăng lên khi di chuyển, hoặc ngồi, đứng lâu. Người bệnh gặp khó khăn khi cúi gập, hay xoay người.
Loãng xương cũng là nguyên nhân gây đau lưng dưới
Ngoài những nguyên nhân kể trên, đau lưng dưới còn có thể xảy ra do thừa cân, béo phì, ngồi không đúng tư thế,... Một số trường hợp là do bị chấn thương, tai nạn khi bê vác hay nhấc đồ nặng không đúng cách,...
Khắc phục tình trạng đau lưng dưới bằng cách nào?
Như đã đề cập ở trên, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra đau lưng dưới. Do đó, để khắc phục được tình trạng này, người bệnh nên đi khám để biết được nguyên nhân chính xác là gì.
Nhìn chung, các phương pháp được sử dụng để khắc phục tình trạng đau lưng dưới bao gồm:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhất là canxi, magie, phốt pho, vitamin D, K để ngăn ngừa loãng xương.
- Dùng các loại thuốc chống hủy xương, tăng tạo xương, giảm đau ngoại vi, giảm đau thần kinh,...
- Điều chỉnh lại tư thế làm việc, hoạt động giúp giảm áp lực lên phần cột sống lưng dưới.
- Vật lý trị liệu, xoa bóp, massage để giảm đau, tăng lưu thông máu.
- Tập thể dục thường xuyên để giúp duy trì sự dẻo dai của cột sống thắt lưng.
- Châm cứu, bấm huyệt.
- Kiểm soát cân nặng, sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Massage giúp giảm đau lưng dưới
Hy vọng, bài viết trên đã giúp anh Huy trả lời được câu hỏi: “Đau lưng dưới là bệnh gì, có nguy hiểm hay không?”. Nếu còn băn khoăn về các vấn đề sức khỏe, anh Huy vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Chúc anh và gia đình nhiều sức khỏe!
XEM THÊM: