Câu hỏi
Chào chuyên gia, tôi bị ngã xe và gãy xương cánh tay cách đây khoảng 2 tuần. Hiện tại, tôi vẫn đang phải bó bột và hạn chế vận động. Chuyên gia cho hỏi, khoảng bao lâu thì tôi có thể hoạt động được trở lại, và phải làm gì để phần xương bị gãy nhanh hồi phục ạ?
(Lê Trung Nam, 58 tuổi, Thạch Thất)
Người bị gãy xương nên làm gì để nhanh hồi phục?
Gãy xương bao lâu thì có thể hoạt động được trở lại?
Chào anh, sau khi bị gãy xương, vị trí đứt gãy sẽ cần có thời gian để tái tạo trở lại. Đây là một chuỗi các quá trình phức tạp diễn ra xen kẽ nhau, có thể được chia thành 4 giai đoạn gồm:
- Hình thành máu tụ sau gãy xương, diễn ra trong khoảng 5 ngày đầu tiên. Gãy xương kéo theo việc các mạch máu xung quanh bị vỡ, do đó, cục máu đông sẽ hình thành tại vị trí tổn thương để ngăn chảy máu, cũng như tạo thành khung đỡ tạm thời cho quá trình chữa lành tiếp theo.
- Mô sẹo và sợi sụn sẽ bắt đầu hình thành từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 11. Các yếu tố tăng trưởng kích thích sự hình thành và tăng sinh mạng lưới mao mạch tại vị trí gãy xương. Các mô hạt giàu fibrin bắt đầu phát triển, các tế bào gốc trung mô cũng dần biệt hóa thành nguyên bào sợi, nguyên bào sụn và nguyên bào xương.
Từ đó, quá trình tạo xương sẽ diễn ra trên mạng lưới sụn sợi giàu collagen. Một lớp tế bào xương mỏng cũng bám dính và phát triển lớn dần tại nơi tiếp xúc với các lớp màng xương.
- Sẹo xương hình thành từ ngày 11 đến ngày 28. Khi các mô sụn hình thành, các nguyên bào sụn, nguyên bào xương và tế bào hủy xương sẽ tiếp tục được kích thích để biệt hóa hơn nữa.
Lớp mô sẹo sụn được tái hấp thụ và bắt đầu vôi hóa. Các lớp tế bào xương tiếp tục phát triển và củng cố. Mạch máu mới cũng hình thành và tăng sinh liên tục để thực hiện quá trình tái tạo. Cuối cùng, một lớp mô xương cứng cáp dần được hình thành và vôi hóa.
- Quá trình tu sửa xương diễn ra từ ngày 18 trở đi. Các nguyên bào xương, hủy cốt bào, mô sẹo và lớp xương cứng cuối cùng phải trải qua quá trình tái cấu trúc lặp đi lặp lại. Sau cùng, trung tâm của mô sẹo được thay thế bằng mô xương đặc, còn phần xung quanh được tạo bởi lớp xương phiến. Quá trình này sẽ diễn ra trong một thời gian dài cho đến khi hình thành được cấu trúc tương tự như ban đầu.
Tốc độ hồi phục ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trung bình, thời gian để xương gãy hồi phục và có thể vận động nhẹ nhàng trở lại rơi vào khoảng 3 - 4 tháng. Sau khoảng 6 tháng trở đi, xương sẽ sẵn sàng cho các hoạt động nặng, cần nhiều sức mạnh hơn.
Với tuổi tác của anh, tốc độ lành lại sẽ chậm hơn so với những người còn trẻ. Ngoài ra, nếu anh mắc phải các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh phổi, loãng xương,... thì thời gian còn kéo dài hơn nữa. Tuy nhiên, anh có thể áp dụng thêm một số biện pháp để giúp đẩy nhanh quá trình này.
Các giai đoạn của quá trình liền xương
Cách để nhanh hồi phục hơn sau khi bị gãy xương
Để vị trí xương gãy nhanh hồi phục hơn, anh hãy thực hiện các biện pháp dưới đây:
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Cấu trúc của xương được tạo bởi 70% là các loại khoáng chất như canxi, phốt pho, magie, kẽm,... Chính vì vậy, anh sẽ cần tăng cường bổ sung những dưỡng chất này từ thực phẩm hàng ngày, ví dụ như:
- Thực phẩm giàu canxi: Phô mai, sữa tươi, sữa chua, hạt chia, hạt vừng, hạnh nhân, cải xoăn, bông cải xanh, cá mòi, cá hồi, tôm, cua,...
- Thực phẩm giàu magie: Bơ, hạnh nhân, hạt điều, hạt bí đỏ, óc chó, hạt hướng dương, hạt lanh, cá béo, chuối, rau cải xanh,...
- Thực phẩm giàu phốt pho: Thịt gà, lợn, gan động vật, cá chép, sò, cá hồi, cá thu, cua, tôm,...
- Thực phẩm giàu kẽm: Hàu, sò, thịt bò, lòng đỏ trứng, đậu Hà Lan, củ cải, ngũ cốc nguyên hạt,...
Cùng với đó, anh nên bổ sung thêm các loại vitamin C, D và K. Đây là những chất dinh dưỡng xúc tác cho phản ứng sinh hóa, và quá trình hấp thụ các khoáng chất trên để hình thành xương.
Bổ sung thực phẩm giàu protein
Quá trình hình thành xương mới và cấu trúc cơ bản của xương cũng có sự góp mặt của collagen và elastin. Việc bổ sung protein sẽ giúp cung cấp những acid amin cần thiết để hình thành các cấu trúc được tạo bởi collagen và elastin, từ đó đẩy nhanh quá trình liền xương.
Ngoài ra, một số loại acid amin như lysine có thể giúp tăng cường hấp thụ canxi cho xương và hỗ trợ tái tạo mô. Anh nên bổ sung cả nguồn protein đến từ thực vật và động vật. Bởi nếu sử dụng nhiều protein động vật quá mức, thì sẽ làm sản sinh nhiều acid uric, khiến cho máu có tính acid. Điều này không có lợi với toàn bộ cơ thể, cũng như quá trình tái tạo phần xương gãy.
Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Bất cứ tổn thương nào trong cơ thể cũng gây viêm và sản sinh ra các gốc tự do. Đặc biệt với tổn thương nặng như gãy xương, thì một lượng lớn các gốc tự do sẽ xuất hiện, gây ảnh hưởng đến việc hồi phục của cơ thể.
Chính vì vậy, anh nên tăng cường bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin E, C, lycopene và acid alpha lipoic để giúp trung hòa, loại bỏ những gốc tự do có hại. Một số thử nghiệm cho thấy, các chất chống oxy hoá có thể đẩy nhanh tốc độ chữa lành tổn thương, bao gồm cả gãy xương, thông qua việc ức chế yếu tố gây viêm và gốc tự do trong cơ thể.
Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể kể đến như: Việt quất, dâu tây, lựu, nho, táo, bông cải xanh,...
Các loại thực phẩm chống oxy hóa
Vận động nhẹ nhàng
Mặc dù vết gãy sẽ cần được cố định để tránh ảnh hưởng đến quá trình tạo xương, nhưng anh vẫn nên hoạt động một cách nhẹ nhàng những khớp xung quanh. Điều này giúp tăng cường lưu thông máu đến vị trí gãy xương, cũng như ngăn ngừa tình trạng cứng khớp do cố định quá lâu. Tuy nhiên, anh cần thật cẩn thận, vận động nhẹ nhàng, chậm rãi, dùng tay còn lại để đỡ phần tay bị gãy khi thực hiện.
Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết cho quý độc giả về cách để hồi phục nhanh hơn sau khi gãy xương. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: