Câu hỏi:
Chào chuyên gia, tôi mới đi khám sức khỏe tổng quát và biết mình có tử cung đôi. Năm nay tôi 24 tuổi và dự định sang năm sẽ có con. Vì vậy, tôi đang rất lo lắng không biết tử cung đôi có thai được không? Nếu có thì nó có ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển của thai nhi không? Tôi nên làm gì để giữ thai? Mong chuyên gia giải đáp giúp tôi, tôi xin cảm ơn!
Thu Hà, Hưng Yên
Tử cung đôi có thai được không?
Trả lời:
Chào bạn! Tử cung (dạ con) là một bộ phận sinh sản của phụ nữ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình mang thai, đây là nơi thai nhi được nuôi dưỡng và phát triển. Tử cung đôi là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, xảy ra khi người phụ nữ vẫn còn là một bào thai trong bụng mẹ.
Tử cung đôi có thể ở 3 dạng khác nhau, đó là:
- Tử cung vách ngăn: Bệnh nhân có 1 tử cung nhưng lại có 1 vách ngăn ở giữa, tạo thành 2 buồng tử cung khác nhau. Họ vẫn có đủ hai buồng trứng và hai vòi trứng.
- 2 tử cung: Bệnh nhân có 2 tử cung rõ ràng và nối liền với 2 cổ tử cung nhưng chỉ có 1 âm đạo.
- Tử cung 2 sừng: Bệnh nhân có tử cung nối liền với âm đạo nhưng lại bị chia làm 2 phần, mỗi bên sẽ nối với 1 vòi trứng và 1 buồng trứng như hình ảnh sau đây:
Tử cung 2 sừng
Như đã nói ở trên, tử cung là nơi nuôi dưỡng thai nhi, những bất thường ở cơ quan này đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
Tử cung đôi có thai được không?
Những trường hợp tử cung đôi vẫn có thể mang thai và sinh nở bình thường. Tuy nhiên, ở phụ nữ có tử cung đôi, khả năng thụ thai sẽ thấp, trứng đã thụ tinh định vị điểm bám vào tử cung sẽ gặp khó khăn. Khi đã bám được vào thì quá trình phát triển cũng khó diễn ra bình thường.
Cụ thể, những vấn đề bạn có thể gặp phải trong quá trình mang thai đó là:
- Thai nhi bị suy dinh dưỡng: Thai phụ có một tử cung thì sẽ có 2 động mạch tử cung để cấp máu và nuôi dưỡng thai. Ở phụ nữ có tử cung đôi thì mỗi bên chỉ có 1 động mạch nuôi dưỡng, điều đó khiến bé có thể không được cung cấp đủ dưỡng chất, làm tăng nguy cơ nhẹ cân, thai nhi bị suy dinh dưỡng.
- Có nguy cơ sảy thai: Khi thai nhi phát triển, kích thước sẽ tăng nhanh, vách ngăn giữa hai bên tử cung có thể ảnh hưởng đến sự lớn lên đó, từ đó làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Khó sinh: Quá trình chuyển dạ ở phụ nữ có tử cung đôi thường gặp khó khăn hơn so với người có tử cung bình thường. Vì vậy, thông thường mẹ bầu có tử cung đôi sẽ được chỉ định sinh mổ. Cần lưu ý rằng không phải tất cả trường hợp tử cung đôi đều phải sinh mổ, nếu tử cung còn lại (không chứa phôi thai) không ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ thì mẹ bầu vẫn có thể sinh thường qua đường âm đạo.
- Sinh non: Tử cung đôi phát triển hạn chế hơn so với những trường hợp có một tử cung. Điều này ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng thai nhi và tăng nguy cơ sinh non.
- Trong quá trình sinh nở ở phụ nữ có tử cung đôi còn có thể xảy ra tình trạng một bên tử cung mang thai, tử cung còn trở thành khối u tiền đạo, nằm cản trở đường ra của thai.
Như vậy, có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình bạn mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì nhờ sự phát triển của y học hiện đại, đã có nhiều phương pháp hỗ trợ giúp người có tử cung đôi có một thai kỳ an toàn, đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Cách giữ thai khi bị tử cung đôi
Để có một thai kỳ và quá trình sinh nở an toàn, khỏe mạnh, trước khi mang thai, bạn cần đi khám ở chuyên khoa sản nhi. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng, xem xét xem có cần điều trị, phẫu thuật hay không. Thông thường, việc điều trị là không cần thiết. Trong trường hợp nếu bạn có tử cung đôi và 2 âm đạo thì bác sĩ sẽ phẫu thuật nhằm loại bỏ vách ngăn, từ đó giúp bạn dễ thụ thai và sinh con thuận lợi hơn.
Trong quá trình mang thai, bạn cần khám thai thường xuyên để theo dõi, phát hiện sớm những bất thường trên thai nhi như suy dinh dưỡng, nguy cơ sảy thai hoặc sinh non… Từ đó, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Khi hạ sinh, dựa vào tình trạng của người mẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định có thể sinh thường hoặc mổ đẻ.
Khi có tử cung đôi, người mẹ nên khám thai định kỳ
Điều quan trọng nhất trong suốt quá trình từ khi chuẩn bị mang bầu đến khi hạ sinh đó là bạn cần đi thăm khám, tham khảo ý kiến và tuân theo những chỉ định mà bác sĩ đưa ra. Trong thời gian mang thai, bạn nên giữ tinh thần thoải mái, đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Chuyên gia giải đáp: Chướng bụng đầy hơi là bệnh gì?
- [Chuyên gia giải đáp] Thường xuyên chảy máu cam là bệnh gì?