Tại sao có người sau nhiều năm bị chó cắn mới tử vong? Thời gian ủ bệnh dại là bao lâu?

Cập nhập: Thứ năm, 23/03/2023

Mục lục [Ẩn]

 

Câu hỏi

   Chào chuyên gia, tôi nghe nói khi bị chó dại cắn sẽ tử vong rất nhanh, chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, cách đây một thời gian, tôi nghe người ta nói có trường hợp bị chó dại cắn nhưng phải đến hơn 1 năm sau mới tử vong. Xung quanh tôi có nhiều nhà nuôi chó thả rông không rọ mõm nên tôi rất lo lắng. Chuyên gia cho hỏi, thông tin trên có chính xác hay không? Thời gian ủ bệnh dại là bao lâu ạ?

(N.V Hưng, 45 tuổi, TP. Lào Cai)

 

bệnh dại

Tại sao có người sau nhiều năm bị chó cắn mới tử vong? Thời gian ủ bệnh dại là bao lâu?

 

Thông tin người bị chó mắc bệnh dại cắn sau hơn 1 năm mới tử vong có đúng không?

   Chào anh, thông tin về việc có người sau hơn 1 năm mới tử vong do chó dại cắn là hoàn toàn có thật. Ví dụ điển hình cho tình huống này là trường hợp của một bệnh nhân người dân tộc H’Mông, tại trú thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

   Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, co giật, ra nhiều đờm dãi, ớn lạnh, sợ gió, sợ ánh sáng. Ngày 17/1,  Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lấy mẫu nước bọt và dịch não tủy của người bệnh xét nghiệm PCR, và kết quả là dương tính với virus dại. Tuy nhiên, sau đó, người bệnh đã tử vong.

    Theo thông tin từ Sở Y tế Lào Cai, khoảng 18 tháng trước đó, người bệnh đã bị chó nuôi cắn chảy máu ngón trỏ tay trái. Sau khoảng 3 ngày, con vật đã chết. Trước đây, người bệnh cũng chưa tiêm vacxin hay huyết thanh phòng bệnh dại.

    Một trường hợp khác có thể kể đến là người bệnh tại thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Người bệnh nhập viện trong tình trạng không ăn, không ngủ, giật tay chân, hoảng hốt, dãi chảy ra khóe miệng, đồng tử 2 bên đều phản xạ ánh sáng dương tính, tăng tiết đờm dãi, buồn nôn, nôn khan liên tục, rùng mình từng cơn.

   Sau khi tình trạng nặng lên, người bệnh được chuyển từ bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn lên bệnh viện Bạch Mai, nhưng đã tử vong ngay trong đêm. Khai thác tiền sử từ người nhà kể lại, bệnh nhân từng bị chó cắn cách đây khoảng 4 năm, nhưng không được tiêm phòng vacxin dại.

 

Thời gian ủ bệnh dại là bao lâu?

  Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính gây tổn thương hệ thống thần kinh Trung ương. Virus dại truyền từ động vật nhiễm bệnh sang người bởi chất tiết, phần lớn là nước bọt. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại được ghi nhận đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh.

   Thời gian ủ bệnh dại được tính từ khi người bệnh bị cắn đến lúc các triệu chứng xuất hiện. Thông thường, thời gian ủ bệnh trung bình là từ 1 - 3 tháng ở người. Khoảng thời gian ngắn hơn 9 ngày hoặc dài hơn 1 năm cũng được ghi nhận, nhưng rất hiếm gặp.

   Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, người bị cắn ủ bệnh có 4 ngày hoặc dài tới 6 năm. Thời gian ủ bệnh dại tùy thuộc vào vị trí của của vết thương và tải lượng virus xâm nhập vào cơ thể.

   Theo một số báo cáo, tại những vết cắn sâu và chảy nhiều máu, hoặc ở vị trí như mặt, cổ, đầu mút dây thần kinh, virus dại thường sẽ phát tán rất nhanh và thời gian ủ bệnh ngắn.

  Số lượng virus tăng lên nhanh chóng và di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến đến não với tốc độ khoảng 12 - 24 mm mỗi ngày. Với những trường hợp này, nếu không được tiêm huyết thanh và vacxin trong thời gian sớm nhất, người bệnh có thể tử vong chỉ sau khi phát bệnh khoảng 3 ngày.

   Trong khi đó, một số người chỉ bị động vật cào hoặc liếm lên vết thương hở, vết xước nhẹ, mà vị trí ở xa các đầu mút thần kinh, thì thời gian ủ bệnh dại lâu hơn. Sau một thời gian dài, thậm chí là vài năm, virus dại có thể tấn công khiến người bệnh tử vong bất ngờ, nếu không tiêm phòng trước đó.

 

virus dại sau khi xâm nhập vào cơ thể

Con đường di chuyển của virus dại sau khi xâm nhập vào cơ thể

 

Những việc cần làm để phòng ngừa bệnh dại khi bị chó cắn

   Trên thực tế, không phải tất cả người bị động vật cắn đều sẽ bị bệnh dại. Nguy cơ nhiễm bệnh còn phụ thuộc vào việc con vật có mang virus hay không, số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, và việc xử lý vết thương sau khi bị cắn.

    Do đó, nếu bạn bị súc vật cắn, hay chỉ là cào, liếm vào vết xước, vết thương hở, thì không được chủ quan, mà phải xử lý vết thương ngay, theo các bước sau đây:

  • Cẩn thận cắt bỏ phần quần áo có dính nước bọt của súc vật, không để chúng dính vào vết thương.
  • Rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, sử dụng nước ấm là tốt nhất.
  • Sát trùng vết thương với cồn 70%, cồn iod hoặc dung dịch Povidone-Iodine, tuyệt đối không được nặn máu. Bạn nên sát trùng một cách nhẹ nhàng, không được chà xát, tránh làm vết thương nghiêm trọng hơn.
  • Sau đó, bạn dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu và tránh để bội nhiễm. Tuy nhiên, bạn không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.
  • Cuối cùng, bạn hãy đưa người bị cắn đến bệnh viện, trung tâm y tế để được kiểm tra vết thương, khâu cầm máu, và tiêm phòng dại, phòng uốn ván sớm nhất có thể. Với vết thương nặng, người bệnh sẽ được tiêm huyết thanh kháng dại.

 

Người bị thương do động vật cắn

Người bị thương do động vật cắn cần được xử lý và đưa đến bệnh viện sớm 

 

Các biện pháp phòng ngừa bệnh dại

  • Hạn chế nuôi các loại chó mèo hung dữ, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn, không được thả rông, khi đi mang ra ngoài phải rọ mõm và có xích.
  • Không cho trẻ em đùa nghịch với chó, mèo lạ, hung dữ đặc biệt là khi chúng đang ăn.
  • Đối với những người có nguy cơ cao như nhân viên thú y, kiểm lâm,... thì cần tiêm vacxin phòng bệnh dại đúng lịch, đủ số mũi. Sau khi tiêm không được uống rượu bia, không dùng thuốc corticoid hay thuốc ức chế miễn dịch.
  • Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi bị dại; không mua bán, vận chuyển tàng trữ chó mèo không rõ nguồn gốc, không được cấp giấy đăng ký.
  • Thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện chó mèo bị dại, nghi dại để có biện pháp xử lý; cách ly theo dõi hoặc tiêu hủy; đồng thời tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh.  

    Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin giải đáp cho quý độc giả về vấn đề: “Tại sao có người sau nhiều tháng bị chó cắn mới tử vong? Thời gian ủ bệnh dại là bao lâu? ”. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Chủ đề: bệnh dại

Bài viết cùng chủ đề

Tử vong do bệnh dại tăng, Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch

Trong hai tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà