Câu hỏi:
Thưa chuyên gia, dạo gần đây tôi bị một vết sưng đỏ giống mụn gần mí mắt, có ghèn, khiến mắt tôi thấy cộm cộm và khó chịu. Mọi người bảo tôi bị lẹo mắt. Cho tôi hỏi, đây có phải lẹo mắt không và cách chữa như thế nào? Cảm ơn chuyên gia!
Nguyễn Thị Lan, 38 tuổi, Bắc Giang
Cách chữa lẹo mắt là gì?
Trả lời:
Chào chị Lan, lẹo mắt là tình trạng nhiễm khuẩn cục bộ gây sưng và phù lan tỏa quanh bờ mi mắt, dẫn đến các triệu chứng:
- Nổi cục sưng đỏ giống mụn dọc mí mắt, ở giữa xuất hiện các đốm nhỏ màu vàng.
- Cảm giác bị cộm phía trong mắt.
- Bị nhạy cảm trước ánh sáng.
- Mắt nhiều ghèn và hay chảy nước mắt.
- Nổi nốt sần cứng, không đau ở mi mắt.
Dựa theo các triệu chứng của chị, rất có thể chị bị lẹo mắt. Tuy nhiên, để kết luận chính xác, chị nên đến bác sĩ để được thăm khám trực tiếp để có hướng điều trị chính xác.
Thông thường, mụn lẹo sẽ tự khỏi sau vài tuần mà không cần phải dùng đến các cách chữa lẹo mắt đặc hiệu. Lúc này chị cần cho mắt nghỉ ngơi, sử dụng nước muối sinh lý ấm để vệ sinh mắt, chườm ấm lên vùng quanh mắt khoảng 10-15 phút vài lần mỗi ngày.
Nếu sau vài ngày mà lẹo mắt không có dấu hiệu thuyên giảm thì chị nên đến gặp bác sĩ để được điều trị theo các cách sau:
- Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh đường uống hoặc nhỏ, có thể kết hợp thuốc giảm đau để giảm đau nhức do lẹo mắt.
- Điều trị ngoại khoa: Với những trường hợp lẹo quá lớn hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa sau khoảng 1 - 2 tuần, bác sĩ sẽ chỉ định rạch dẫn lưu mủ.
Ngoài các cách chữa lẹo mắt trên, chị nên chú ý một số điều sau để lẹo mắt mau khỏi:
- Không chạm tay vào mắt.
- Tuyệt đối không nặn lẹo mắt.
- Giữ vùng mắt bị lẹo thông thoáng.
- Hạn chế trang điểm, nếu có thì chị cần tẩy trang sạch sẽ.
- Hạn chế một số thực phẩm dễ làm kích ứng mắt như: tỏi, hành, ớt, kinh giới, thủy-hải sản hay các loại đồ ăn có tính nhiệt như đầu lợn, thịt chó, thịt dê,...
Mong rằng bài viết trên đã giúp chị Lan giải đáp được thắc mắc về cách chữa lẹo mắt. Chúc chị sớm khỏi bệnh!
XEM THÊM: