Rửa rau quả bằng nước tẩy rửa, máy sục – Có hiệu quả như quảng cáo?

Cập nhập: Thứ tư, 19/04/2023

 

   Ngày nay, vấn đề tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại trong rau quả là nỗi lo của hầu hết các gia đình. Nhiều người tìm đến những phương pháp như máy sục, nước rửa rau quả được quảng cáo là có thể loại bỏ nhanh các hóa chất độc hại trong rau quả. Liệu chúng có hiệu quả thực sự không? Mời bạn đọc cùng đi tìm hiểu sự thật ở bài viết dưới đây.

 

Người dân TP.HCM mua rau, củ, quả tại siêu thị

Người dân TP.HCM mua rau, củ, quả tại siêu thị

 

Rửa rau quả bằng nước rửa có sạch được hóa chất?

   Trên nhãn sản phẩm nước rửa rau quả của một công ty có in những dòng quảng cáo dễ gây chú ý: “Cuốn sạch mọi chất bẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản… an toàn cho mọi bữa ăn”, “Loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa: E. Coli, Salmonella,… bảo vệ sức khỏe cả gia đình”, “Tạo màng chống thoát nước, giúp rau quả tươi ngon trong thời gian dài”. Chưa hết, công ty này còn sử dụng slogan (khẩu hiệu) để thu hút người tiêu dùng: “Sạch, an toàn, tươi ngon”.

   Trên trang web của một công ty sản xuất và phân phối nước rửa rau quả khác cũng cho đăng tải những lời ca ngợi sản phẩm: “Nước rửa rau quả… giúp rửa sạch rau, loại bỏ thuốc trừ sâu và các tạp chất nhờ các hoạt tính và công thức đặc biệt dành cho rau quả. Nước rửa rau quả không có những chất độc hại đối với sức khỏe con người”.

   Thực tế cho thấy không ít người tiêu dùng tin vào những lời quảng cáo của nước rửa rau quả nên đã an tâm sử dụng. Chị T.C. (25 tuổi, quận 6, TP.HCM) cho biết trong mỗi bữa ăn hằng ngày, để đảm bảo rau, củ, quả được sạch sẽ trước khi ăn hoặc chế biến, đặc biệt là rau sống, chị thường ngâm rau củ với nước rửa rau quả đặt mua trên mạng. Cũng có khi chị còn ngâm rau củ với thuốc tím, giấm ăn, nước vo gạo, nước muối... theo mách bảo của người quen.

   "Các hóa chất hiện nay được quảng cáo làm sạch rau được bày bán trên mạng rất nhiều nên mình cũng chọn vài thương hiệu để sử dụng, nhưng vẫn lo ngại không biết có nguy hại cho sức khỏe khi dùng nhiều hay không vì đây dù sao cũng là hóa chất. Còn nếu chỉ rửa bằng nước sạch thì mình lại không an tâm lắm", chị C. nói

   Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, khẳng định sử dụng nước rửa rau quả vừa tốn tiền, giảm chất lượng rau quả lại không diệt hết mầm bệnh. Theo bác sĩ Mai, không có chất nào “cuốn sạch mọi chất bẩn, dư lượng thuốc trừ sâu”.

   TS Phạm Hùng Vân - chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM - cho biết muốn rửa rau sạch thì tốt nhất là rửa với nhiều nước và rửa dưới vòi nước, ngâm xong vẫn phải rửa sạch dưới vòi nước.

   "Không có một loại hóa chất nào có thể diệt hết được ký sinh trùng, vi khuẩn. Nếu có sử dụng các hóa chất như thuốc tím để ngâm cũng phải rửa sạch với nước, rửa từng lá rau dưới vòi nước, nếu không ăn vào rất nguy hiểm", TS Vân nói.

   Theo TS Vân, quan trọng nhất vẫn là nguồn đầu vào của rau, nếu nguồn rau không được đảm bảo, cho dù có ngâm với hóa chất nào thì vẫn không sạch được. Việc ngâm với nước muối không có tính sát trùng, tương tự nước vo gạo cũng không có tác dụng diệt hết vi trùng, trứng giun,... trong rau, củ, quả.

 

Dùng máy sục để rửa rau quả - Đừng tin tuyệt đối

   Hiện trên thị trường có nhiều loại máy rửa rau quả bằng ozone. Theo quảng cáo, máy này có thể oxy hóa nhanh các hợp chất hóa học, loại bỏ tới 99% thuốc trừ sâu bám trên bề mặt rau quả, tiêu diệt nấm mốc trong nhà bếp, khử trùng, diệt khuẩn 100%...Với thông tin trên, không ít bà nội trợ đặt mua, dù giá của loại máy này không hề rẻ, giao động từ 1.5 triệu đến trên 5 triệu đồng, tùy loại và thương hiệu.

 

máy khử ozone

Các loại máy khử khuẩn, máy khử ozone được bán nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.

 

   Trước thói quen tiêu dùng này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng khử ozone có thể giúp loại bỏ các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm.

    “Máy khử ozone có thể làm sạch các vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm chứ không có tác dụng loại bỏ hóa chất độc hại thấm sâu vào rau củ như thuốc trừ sâu, trị nấm, thuốc bảo vệ thực vật…”- PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

   Cũng theo ông Dương Minh Trí - phó viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM, về mặt khoa học, ozone là một loại khí rất độc, có thể gây bệnh ung thư. Theo nguyên tắc đó, không thể sử dụng ozone trong gia đình, nhà bếp. Để rửa sạch các loại thuốc bảo vệ thực vật, các chất độc hại có trong rau quả, những chiếc máy sử dụng công nghệ sục khí ozone này phải đạt đủ nồng độ ozone trong nước. Nhưng khi dùng đủ nồng độ hoặc có thể chưa đủ độ thì khí cũng sẽ thoát ra ngoài bếp và tác động trực tiếp đến sức khỏe người nội trợ.

   Việc tiêu diệt nấm mốc trong nhà cũng tương tự như vậy, nồng độ ozone cũng phải đạt đến một mức nào đó. Khi nồng độ đã đủ để máy phát huy tác dụng thì trong nhà phải không có người để tránh hít phải khí độc. Mặt khác theo khoa học, không được dùng ozone vào nước đã có clo, bởi nó có thể tạo ra một hợp chất mới độc lại bền. Trong khi nước máy hiện nay có chứa khá nhiều clo.

   PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, đối với rau, củ, quả con đường duy nhất để làm sạch và giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (nếu có) trên thực phẩm là rửa bằng nước sạch. Tuy nhiên trước khi rửa, cần loại bỏ các chỗ dập nát, vì rau bị dập nát nếu còn hoá chất bảo vệ thực vật sẽ ngấm vào các tế bào bị dập nát nhanh hơn rất nhiều so với tế bào nguyên vẹn. Sau đó, cần ngâm rau trong nước lạnh khoảng 5- 10 phút rồi thay nhiều lần nước.

    “Nguyên tắc là phải rửa nhiều nước, đừng cho rằng thấy rau hình thức không có đất, bùn là rất sạch mà rửa sơ sơ. Khi rửa cần phải rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý những khe cuống lá… để tách chất bẩn”

   PGS cũng lưu ý, ngoài rau, củ quả thì thịt, cá cũng phải rửa. Với thịt cá mua ở siêu thị về, chúng ta vẫn cần ngâm, rửa 2- 3 nước để làm sạch bề mặt và chất bẩn ở bên trong mới đem chế biến. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là mua thực phẩm sạch như: rau, quả không phun thuốc sai quy định, đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun đến khi thu hoạch để các hóa chất trừ sâu có thể phân hủy hết.

 

XEM THÊM:

 

Bài viết cùng chủ đề

Nhiễm độc bàn tay do dùng nước tẩy rửa chứa hóa chất độc hại

Người đàn ông bị đau buốt như côn trùng cực độc cắn, phải vào viện điều trị, sau 20 phút dùng nước tẩy rửa chứa hóa chất độc hại.
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844