Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sóc Trăng vừa qua đã từ chối tiếp nhận 1.000 liều vaccine phòng dại với lý do không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và bảo quản an toàn.
Lô vaccine phòng dại bị CDC Sóc Trăng hoàn trả vì không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng
CDC Sóc Trăng từ chối nhận 1.000 liều vaccine phòng dại “vận chuyển không an toàn”
Theo thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng, ngày 25/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng đã từ chối tiếp nhận 2 kiện hàng là 1.000 liều vaccine phòng dại Speeda từ Công ty TNHH Dược phẩm Biển Loan.
Trong đó, một kiện chứa 100 liều vaccine không có thiết bị theo dõi nhiệt độ trong quá trình vận chuyển. Kiện thứ hai chứa 900 liều vaccine có chỉ số từ thiết bị theo dõi nhiệt độ là +15 độ C, trong khi điều kiện bảo quản vaccine theo quy định an toàn là từ 2 đến 8 độ C. Đáng chú ý, số liều vaccine trên đều không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng.
"Các điều kiện về bảo quản, vận chuyển lô vaccine đã không được đảm bảo", ông Võ Quang Hà, Phó giám đốc CDC Sóc Trăng nói. CDC đã đề nghị nhà cung cấp nhận lại hai kiện hàng trên.
Việc CDC trả lại hàng là phù hợp với hợp đồng cung cấp vaccine, theo ông Hà: "Hợp đồng có ghi điều kiện chuyển hàng bằng xe chuyên dụng, nhiệt độ bảo quản cụ thể. Căn cứ vào điều khoản này, hai kiện hàng đó không đảm bảo điều kiện bảo quản và vận chuyển nên không thể tiếp nhận".
Bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã báo cáo về Sở Y tế nội dung vụ việc trên. Theo đó, các điều kiện về bảo quản, vận chuyển vaccine đã không được đảm bảo. Vì an toàn sức khỏe của người dân trong tiêm chủng, nên CDC tỉnh đã có công văn đề nghị phía Công ty TNHH Dược phẩm Biển Loan nhận lại 2 kiện hàng này.
Nhiệt độ bảo quản vaccine vượt ngưỡng theo quy định
Công ty sản xuất lên tiếng nhận trách nhiệm
Ông Lê Minh Hoàng, đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Biển Loan - nhà cung cấp lô vaccine phòng dại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Sóc Trăng - cho biết "từ chối nhận vaccine là hoàn toàn hợp lý".
“Đây là do sai sót của nhân viên giao hàng dẫn đến 1.000 liều vaccine dại không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi nhận lỗi vì các sai sót trong việc vận chuyển, bảo quản vaccine”, ông Hoàng nói.
Giải thích lý do sai sót, ông Hoàng cho biết công ty đang điều chỉnh nhân sự. Nhân viên chịu trách nhiệm giao hàng vừa được tuyển dụng mới, chưa rõ quy trình nên dẫn đến sai quy cách. Lô vaccine dại đã được hoàn trả về công ty, chờ làm thủ tục xin phép Sở Y tế để tiêu hủy. Đồng thời, công ty này sẽ làm việc với CDC Sóc Trăng để giao lại lô vaccine mới.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP HCM, cho biết vaccine phòng dại phải giữ ở nhiệt độ 2-8 độ C, vận chuyển không cần xe chuyên dụng nhưng cần được bảo quản trong các hộp chuyên dụng, có thiết bị theo dõi nhiệt độ để đảm bảo đúng yêu cầu.
Ông Tuấn cũng cho rằng để đánh giá chất lượng vaccine phải phụ thuộc vào từng loại vaccine, thời gian vượt nhiệt độ bảo quản. Tuy nhiên, trong trường hợp lô hàng tại Sóc Trăng, tốt hơn hết thì không nên sử dụng tiêm chủng vì không đảm bảo an toàn.
Theo thông lệ quốc tế, vaccine không đảm bảo chất lượng đều phải được tiêu hủy, không thể sử dụng tiêm chủng.
Vaccine phòng dại tiêm cho những người bị động vật (chó, mèo, chuột, côn trùng...) cào, cắn để ngừa bệnh dại. Liệu trình tiêm là ba liều cơ bản vào các ngày 0, 7, 28 kể từ khi bị động vật cào, cắn; tiêm nhắc lại sau một năm, sau đó cứ 5 năm tiêm nhắc một lần. Đây là cách phòng bệnh duy nhất. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.
Cảnh báo bệnh dại gia tăng trong mùa nắng nóng
Mùa hè nắng nóng là thời điểm dễ bùng phát một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh dại.
Trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, hơn 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng. 3 tháng đầu năm 2023, đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Để phòng tránh bệnh dại, TS. Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo: "Khi người dân bị chó cắn, việc đầu tiên là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tư vấn và tiêm phòng".
"Nếu không may bị chó nhà nuôi cắn, nên nhốt con chó lại để theo dõi, vì để chó chạy lung tung nhiều khi không kiểm soát được. Trong trường hợp bị chó ở ngoài đường cắn, cần chủ động đi tiêm phòng ngay", TS. Hùng lưu ý.
Ngoài ra, theo TS. Thân Mạnh Hùng, mùa hè nắng nóng là thời điểm những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế, người dân không nên chủ quan, những hộ gia đình có nuôi chó nên cho chó được tiêm phòng đầy đủ. Nếu cho chó đi ra ngoài, nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.
XEM THÊM: