Trong bốn lần xảy ra ngộ độc botulium, Việt Nam đã có đến hai lần phải nhờ sự trợ giúp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Thuốc giải độc tố botulinum trong đợt viện trợ ngày 24/5 của WHO
Bộ Y tế sẽ thành lập 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm
Theo ông Lê Việt Dũng - phó cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Dự kiến có 3-6 trung tâm trên cả nước.
Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng 15-20 loại. Thuốc giải độc botulinum là một trong những loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.
Ông Dũng thông tin thêm, Cục Quản lý Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực. Khi cần, Việt Nam có thể đề nghị được cung ứng trực tiếp và nhanh chóng từ nguồn cung này.
Hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó, Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.
Tránh tình trạng có người được dùng thuốc, có người không
Các ca ngộ độc patê Minh Chay vào tháng 9-2020 là vụ ngộ độc botulinum đầu tiên được ghi nhận. Tiếp đến là vụ ngộ độc do ăn bún riêu chay ở Bình Dương, và do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam. BV Chợ Rẫy phải điều phối năm lọ thuốc giải độc BAT ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn món cá chép muối ủ chua.
Ngày 16-5, hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã được điều chuyển cấp tốc từ Quảng Nam vào TP.HCM để cứu sống ba anh em ruột bị ngộ độc botulinum (do ăn giò lụa bán dạo ngày 13-5).
Ngày 14-5, TP.HCM lại thêm chùm ca ngộ độc botulinum là hai anh em ruột (18 và 26 tuổi) ngộ độc nghi do ăn giò lụa bán dạo, người còn lại là nam 45 tuổi ngộ độc nghi do ăn mắm để lâu ngày.
Thời điểm này Việt Nam đã hết thuốc giải độc BAT, vì thế các bác sĩ phải điều trị hỗ trợ ba bệnh nhân này chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Dù được hồi sức tích cực chuyên sâu nhưng không đáp ứng điều trị nên bệnh nhân nam 45 tuổi đã tử vong vào tối 24-5, trước khi kịp dùng thuốc giải độc BAT.
Đã có ít nhất bốn người bệnh tử vong từ các vụ ngộ độc, trong đó có một số bệnh nhân không kịp thời gian vàng để sử dụng thuốc giải độc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, Đại biểu Quốc hội cho rằng bệnh nhân ngộ độc bị lỡ thời gian vàng để cứu chữa do không có thuốc là bài học.
Cũng theo bà Lan, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng cho cả nước là bao nhiêu trường hợp, dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể ở Hà Nội và TP HCM rồi khi có vụ việc sẽ điều chuyển thật gấp.
Phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu một năm không có ai bị thì mừng quá, hủy cũng không tiếc tiền. Chứ đơn vị sự nghiệp, bệnh viện tiền đâu mà dự trữ khi mấy nghìn USD một liều. Ở góc độ quốc gia khi đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối với thời gian biết trước và số lượng theo từng năm, người ta sẽ cân đối được kế hoạch để có số lượng lớn mà giá thành rẻ hơn.
Thời điểm hiện tại, ngoài thuốc giải botulinum, TP.HCM đang thiếu một số loại thuốc là thuốc nhỏ mắt Atropin, thuốc uống Acitretin, thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat, thuốc tiêm Mitoxantrone, thuốc tiêm Idarubicin, thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate.
Hầu hết các loại thuốc nói trên được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không có sẵn ở Việt Nam. Nguồn cung ứng các thuốc này rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên.
Do đó, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
XEM THÊM:
- Ăn nhộng ve sầu mà tưởng đông trùng hạ thảo, người đàn ông suýt tử vong
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc di chứng hậu Covid-19 lên tới 75%