Giả mạo phó giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương bán thuốc chữa đái tháo đường

Cập nhập: Thứ ba, 09/05/2023

 

   Thời gian gần đây, các bệnh viện liên tục phản ánh về tình trạng nhiều website, mạng xã hội (Facebook, YouTube…) đã mạo danh một số bác sĩ để tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng. Cùng với đó là nhiều người dân cũng tin vào những quảng cáo trên mạng, đặt những loại thuốc không rõ chất lượng này để sử dụng.

 

Fanpage mạo danh lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tư vấn, bán hàng. 

Fanpage mạo danh lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tư vấn, bán hàng

 

   Theo đó, mới đây Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

   Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, Fanpage, Tik Tok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

   Đặc biệt, Facebook lấy hình ảnh và tên của TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo.

   Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

   Thậm chí, các đối tượng này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi trang. Từ đó, kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép.

   Đặc biệt, chúng giả danh nhân viên bệnh viện chèo kéo khách hàng, lợi dụng lòng tin của người bệnh để bán thuốc (như thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ…). Có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi bất chính.

   "Họ đẩy giá các loại thuốc không rõ nguồn gốc này cao lên tới từ 3-5 triệu/liệu trình điều trị. Đã có nhiều người bệnh cả tin bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này", bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay.

   Hàng loạt bệnh viện khác như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội… đều gặp tình trạng tương tự.

   Bệnh viện Nội tiết Trung ương yêu cầu tất cả các trang trên phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết đã mạo danh bác sĩ của bệnh viện.

   Sự “lộng hành” của các đối tượng lừa đảo, mạo danh nói trên làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện. Đồng thời, gây hoang mang trong cộng đồng và đối tác, người bệnh, người nhà người bệnh.

   Các bệnh viện khuyến cáo, người dân trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân và người nhà nên trực tiếp nghe tư vấn và chỉ định điều trị từ bác sĩ và nhân viên y tế. Cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh lừa đảo gây thiệt hại không đáng có.

 

Sản phẩm không rõ nguồn gốc được các đối tượng mạo danh bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện lừa bán cho bệnh nhân. 

Sản phẩm không rõ nguồn gốc được các đối tượng mạo danh bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện lừa bán cho bệnh nhân.

 

Nguy hiểm từ việc tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc để sử dụng

   Theo phản ánh, một người đàn ông tên là T.V.Đ (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có vợ bị tăng huyết áp. Ông Đ. xem quảng cáo trên YouTube, thấy giới thiệu thuốc chữa bệnh cao huyết áp, chỉ 1 liều là khỏi vĩnh viễn. Người bán hàng còn tự xưng là bác sĩ làm việc tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nên ông Đ. tin tưởng và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng và kiểm tra ông Đ. lại thấy trên bao bì ghi trị bệnh tiểu đường. Để làm rõ sự việc, ông Đ. liên hệ với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lúc đó mới phát hiện mình bị lừa, mua phải thuốc giả.

   Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trung bình một tháng cũng phải tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, thành phần.

   Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc người dân sử dụng các thuốc nam trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ không loại trừ việc bị trộn thêm các chất khác như thuốc tây y, thậm chí là các chất cấm sử dụng. Phổ biến nhất là thuốc Nam trộn corticoid với liều cao để giảm đau, kháng viêm, giúp bệnh nhân viêm khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh, nhưng để lại hậu quả lâu dài và hết sức nặng nề. Cá biệt, Trung tâm Chống độc đã điều trị cho một bệnh nhân bị suy đa tạng do ngộ độc paracetamol sau một thời gian sử dụng thuốc nam để chữa tăng lipid máu.

   Người dân khi có bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, thuốc trôi nổi trên thị trường, được bán online không rõ nguồn gốc để tránh “tiền mất, tật mang”", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844