Mùa hè đang đến gần cũng là thời điểm các trường hợp trẻ bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ bơi… ngày càng tăng. Điều đáng nói là đa số gia đình đều đang có cách xử trí sai đối với nạn nhân bị ngạt nước. Điều đó gây mất “thời gian vàng” để cứu não, làm tăng nguy cơ tử vong hoặc di chứng nặng về sau.
Những sai lầm gây mất thời gian vàng cứu não có thể khiến nạn nhân đuối nước lâm vào nguy kịch
Mùa hè, mùa của………. đuối nước và hậu quả khi xử trí sai cách
Mùa hè đến cũng là lúc các ca đuối nước liên tiếp xảy ra do tắm sông, tắm hồ hoặc gặp tai nạn khi đi du lịch biển, trong đó đa số nạn nhân là trẻ em.
Mới đầu mùa hè năm nay, bà con buôn Tơ Nia (xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ 3 đứa trẻ trong buôn gồm Ksor T. (10 tuổi), Ksor P. (10 tuổi) và Ksor H. (14 tuổi) tử vong vì đuối nước khi tắm ở trạm bơm cách nhà chỉ 1km.
Ở thôn Thắng Long, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cũng đã ghi nhận 5 trường hợp học sinh bị đuối nước và đáng tiếc là cả 5 nạn nhân đều không qua khỏi.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) gần đây tiếp nhận cấp cứu nhiều trẻ ngạt nước, đuối nước. Trong đó có trường hợp của bé D.Đ. (4 tuổi, ngụ Tiền Giang), trước đó, bé được dẫn đi bơi ở hồ dành cho trẻ nhỏ, có người nhà quan sát, theo dõi. Tuy nhiên chỉ trong khoảnh khắc, người nhà không thấy bé đâu nên chia nhau tìm thì phát hiện nạn nhân chìm ở hồ bơi dành cho trẻ lớn. Khi được đưa đi cấp cứu, bé đã trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim.
Nhiều trường hợp bị đuối nước khi mùa hè đến
Điều đáng nói là nhiều người lại có cách xử trí sai khi có người bị đuối nước, làm mất thời gian vàng cứu não, gây nguy cơ tử vong hoặc di chứng nặng nề về sau.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trong các trường hợp trẻ em bị đuối nước mà mình gặp phải, sau khi khai thác bệnh sử và cách sơ cứu của gia đình trẻ thì bác sĩ nhận thấy có rất nhiều bậc phụ huynh chưa nắm rõ cách xử trí và mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Điều đó làm mất thời gian vàng cứu não thoát khỏi tình trạng thiếu oxy, làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ
Bác sĩ chỉ ra những sai lầm làm mất thời gian vàng cứu não
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến đã chỉ ra những sai lầm thường gặp trong sơ cứu trẻ bị đuối nước sau đây:
Sai lầm thứ nhất là không cấp cứu thổi ngạt và ấn tim cho nạn nhân tại nơi xảy ra tai nạn hoặc khi trên đường đến bệnh viện. Việc không được thổi ngạt và ấn tim khiến cho não và các cơ quan khác bị thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não, dẫn tới tử vong. Nếu cứu được thì cũng để lại di chứng não nặng nề. Vì thế, tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa nạn nhân lên bờ, sau đó tiếp tục hồi sức tim phổi.
Sai lầm thứ hai đó là việc mất quá nhiều thời gian để xốc nước (dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy) trong khi điều đó không cần thiết và không nên thực hiện. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, động tác dốc ngược nạn nhân không nên thực hiện, đặc biệt là với những ai không có chuyên môn và kỹ năng. Vì lượng nước khi bị đuối nước vào phổi thường rất ít, và chúng sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân có thể thở lại. Việc xốc nước quá lâu và không đúng kỹ thuật sẽ làm chậm thời gian cấp cứu, chiếm thời gian để thổi ngạt và ấn tim, và làm tăng nguy cơ hít sặc ở trẻ.
Việc xốc nạn nhân đuối nước là không cần thiết
Sai lầm thứ 3 đó là sau sơ cứu ban đầu, khi thấy trẻ đã tỉnh lại thì chủ quan và không đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra nữa. Ngay cả khi người bị đuối nước đã tỉnh lại, họ vẫn cần được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không. Một người đã hít phải nước thì có thể có các dấu hiệu của phù phổi cấp như: Khó thở, đau ngực hoặc ho; Thay đổi đột ngột hành vi, người mệt mỏi,... những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Sai lầm thứ 4 tuy ít gặp hơn nhưng cũng cần phải cảnh báo vì chúng hết sức nguy hiểm. Đó là một số phụ huynh dùng một cái lu để nằm nghiêng và đốt rơm bên trong, rồi đặt trẻ nằm sấp lên lu rồi lăn qua lại. Việc này không có tác dụng giúp trẻ hết ngạt nước, thậm chí là gây nguy hiểm vì chiếm thời gian thổi ngạt và ấn tim, từ đó làm tăng nguy cơ tử vong.
Những bước quan trọng để cứu trẻ bị đuối nước
Với trẻ bị đuối nước, thời gian là vàng, mỗi một phút trôi qua mà không được cấp cứu kịp thời và đúng kỹ thuật thì đều có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Theo bác sĩ Tiến, việc sơ cứu tại chỗ kịp thời và đúng cách là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống còn hay di chứng của nạn nhân.
Bác sĩ Tiến cũng hướng dẫn các bước sơ cứu nạn nhân đuối nước như sau:
- Đầu tiên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước. Trong quá trình cứu nạn nhân cần thì cần nắm tóc hoặc cổ áo để kéo lên bờ, tránh để nạn nhân ôm ghì chặt dẫn đến cả 2 đều chìm xuống nước.
- Khi lên bờ, cần đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng ở chỗ khô ráo, thoáng khí, tránh nhiều người vây xung quanh. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở. Lúc này, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
- Nếu vẫn không khả quan, phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả khi trên đường vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
Ấn tim ngoài lồng ngực để sơ cứu nạn nhân đuối nước
Như vậy, việc cấp cứu người bị đuối nước đúng cách và kịp thời là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống còn hay những di chứng nghiêm trọng trên não của nạn nhân. Vì vậy, hãy tránh những sai lầm đã được bác sĩ Nguyễn Minh Tiến chỉ ra đồng thời thực hiện cấp cứu ngạt nước theo hướng dẫn nhé!
XEM THÊM:
- Bé gái 8 tuổi tại Phú Thọ nhập viện do đột quỵ - Cha mẹ hãy thật thận trọng!
- TP. Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ nhập viện vì mắc sốt xuất huyết thể nặng