Theo WHO, chiến lược tiếp thị sữa tại Việt Nam như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, phát triển trí não của trẻ…đều chưa đủ căn cứ khoa học.
Sữa công thức thường được tiếp thị giúp tăng chiều cao, phát triển trí tuệ
Sữa công thức đang tiếp thị gây hiểu nhầm
Khi công bố kết quả nghiên cứu đa quốc gia về Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ, tại sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, Tiến sĩ Juliawati Untoro, Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương, cho biết:
"Các nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị bóng bẩy, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ".
"Họ đưa ra những bằng chứng sai lệch khiến người mẹ không còn tự tin với sữa mẹ. Trong đó, kênh tiếp thị sữa và chiến lược tiếp thị phổ biến và tràn lan qua nhiều kênh như tivi, sản phẩm miễn phí, hội nghị, tọa đàm…”
Các sản phẩm sử dụng hình ảnh tuyên bố sai lệch về khoa học, sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ, bao gồm dưỡng chất HMO và DHA. Đặc biệt, họ sử dụng cán bộ y tế để tạo uy tín.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), sữa công thức, còn được gọi là sữa bột trẻ em hoặc sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, thường được làm từ sữa bò đã qua xử lý để phù hợp hơn với đối tượng trẻ nhỏ.
Sữa công thức cung cấp cho trẻ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, nó không mang lại lợi ích sức khỏe như sữa mẹ, đơn cử không thể bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng. Lý do là bởi chỉ trong sữa mẹ mới có các tế bào bạch cầu (lympho bào, đại thực bào), globulin miễn dịch (IgA, IgG, IgM), một số yếu tố kích thích sự phát triển của vi khuẩn Lactobacillus Bifidus (Lactose, Oligosaccharid, yếu tố Bifidus), giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Sữa mẹ là liều vaccine đầu tiên trong đời, giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch trước các loại bệnh
Làm sao để quản lý việc tiếp thị sai lệch sữa công thức?
Trong bối cảnh các loại sữa công thức được quảng cáo rầm rộ, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết hiện chỉ 66,5% trẻ em được bú mẹ đến năm 1 tuổi. Con số này qua nhiều năm không tăng trưởng. Đặc biệt, tỷ lệ bú sớm ngay trong giờ đầu hiện giảm 3%, còn 23,5% so với 2014.
Theo các chuyên gia, thực tế Việt Nam đã có những quy định về việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Cụ thể, theo nghị định số 100 của Chính phủ Việt Nam về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ quy định cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng và yêu cầu ghi nhãn, thông tin, giáo dục và quảng cáo phù hợp.
Theo tiến sĩ Juliawati Untoro, đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều quốc gia trong khu vực. Mặc dù đã có pháp luật đầy đủ, nhưng việc thực thi chính sách còn nhiều khó khăn, có thể về kinh tế hoặc do chưa có đủ cơ chế xử phạt.
Vì vậy, điều quan trọng là từ chính các bà mẹ, những người tiêu dùng cần hiểu được lợi ích từ sữa mẹ.
Theo ông Tuấn, nghiên cứu cho thấy trẻ không được bú sữa mẹ có nguy cơ tử vong trước khi tròn 1 tuổi cao gấp 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp bảo vệ người mẹ chống lại xuất huyết sau sinh, trầm cảm, ung thư buồng trứng, ung thư vú, bệnh tim và tiểu đường tuýp 2.
Vì vậy, theo các chuyên gia, chúng ta cần kiểm soát truyền thông, củng cố các cơ chế giám sát và thực thi pháp luật để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ khỏi các hoạt động tiếp thị thương mại gây hại, đồng thời củng cố thúc đẩy sáng kiến bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Ngoài ra, các cơ quan cần tạo điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc cải tiến chế độ thai sản và nghỉ chăm con để bà mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ đến 2 tuổi.
XEM THÊM:
- Bé gái béo phì nguy kịch vì gia đình cho dùng thuốc giảm cân
- Lần đầu tiên ở Việt Nam: Bác sĩ dùng ECMO cứu bé 5 tuổi bị tay chân miệng