Ung thư luôn là vấn đề nóng hổi, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Các tổ chức y tế trên toàn cầu đều cảnh báo, số ca mắc mới ung thư sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, khi môi trường ngày càng ô nhiễm.
Tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam cũng đang tăng cao. Dự báo đến năm 2030, số người mắc mới có thể tăng thêm 40%, tương đương với khoảng 230.000 ca.
GS.TS Mai Hồng Bàng: “Tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam tăng lên 40% vào năm 2030 tăng cao” - (Ảnh: Báo điện tử Dân Trí)
Tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam gia tăng
Ngày 18 - 19/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức Hội nghị khoa học “Xạ trị ung thư năm 2023”, và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Xạ trị - Xạ phẫu.
Hội nghị có sự tham gia của 2 chuyên gia hàng đầu IAEA về kỹ thuật xạ trị giảm phân liều, 4 chuyên gia quốc tế, và hơn 300 bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điều dưỡng xạ trị đến từ các bệnh trên cả nước.
Sự kiện được thực hiện với mục đích cập nhật, phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm quý giá trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật xạ trị hiện đại.
Tại hội nghị, GS. TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam và toàn thế giới đều có chiều hướng gia tăng trong tương lai.
Theo đó, số ca mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam đến năm 2030 có thể tăng lên tới 40%. Con số này tương đương với khoảng 230.000 ca mới mắc và 166.000 ca tử vong.
Hội nghị khoa học Xạ trị ung thư năm 2023 (Ảnh: Bệnh viện 108)
Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam gia tăng
Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Nguyên nhân gây ung thư tại Việt Nam và trên toàn thế giới có nhiều điểm tương đồng.
Hiện nay, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư đại trực tràng vẫn là 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Về nguyên nhân ung thư, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, có khoảng 10% là do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền bên trong cơ thể.
80% là do các tác nhân không lành mạnh bên ngoài như liên quan đến hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao; và các yếu tố do vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ,...
Đặc biệt, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh lý như: ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, ung thư cổ tử cung,...
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nhiều bệnh ung thư
Những tiến bộ trong điều trị ung thư tại Việt Nam
Trong khuôn khổ của Hội nghị, các chuyên gia cũng đề cập đến những tiến bộ trong việc điều trị ung thư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xạ trị. Theo GS. TS Mai Hồng Bàng, xạ trị là một trong các công cụ hiệu quả nhất trong việc điều trị ung thư.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều hệ thống máy xạ trị tiên tiến như: gamma camera SPECT, SPECT/CT, Labo phóng xạ, máy chuẩn liều (dose calibrator), đầu dò gamma (Gamma probe), 2 hệ thống PET/CT và hệ thống gia tốc Cyclotron 30MeV,... Các hệ thống này, được đặt tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng như nhiều bệnh viện khác.
Bên cạnh đó, TS. BS Bùi Quang Biểu, Chủ nhiệm Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Phó Viện trưởng Viện Ung thư cho biết, các y bác sĩ tại Việt Nam cũng đã nắm rõ và có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: IMRT, VMAT, Rapid Arc, IGRT, SRS và SBRT.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiến hành trị liệu ung thư với các phương pháp mới như: Nhiệt trị liệu, ghép tế bào gốc, liệu pháp nhắm đích, kháng thể đơn dòng, hay điều trị bằng robot,... Các phương pháp này đã giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục ngàn người bệnh ung thư.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp tốt nhất để đối phó với căn bệnh này vẫn là thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tầm soát ung thư.
Xạ trị là công cụ có hiệu quả cao trong việc điều trị ung thư
Các biện pháp giúp bạn phòng ngừa ung thư
Theo các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, để phòng ngừa ung thư, làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu, bia.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
- Kiểm soát cân nặng và tập thể dục đều đặn.
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, bức xạ ion hóa như tia UV từ mặt trời, tia xạ từ máy chụp X-quang,...
- Kiểm soát căng thẳng, stress,...
- Ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ sâu, ngon
- Kiềm hóa và thải độc cơ thể.
- Làm trong sạch môi trường sống bằng cách trồng nhiều cây xanh, dùng máy lọc khí,...
- Tiêm phòng vacxin viêm gan B, ung thư cổ tử cung,...
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng.
Hiện tại, các y bác sĩ tại Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và công cụ để giúp đối phó với căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp được phát hiện đã vào giai đoạn muộn, rất khó chữa trị. Do đó, tốt nhất, bạn vẫn nên chủ động phòng ngừa và khám tầm soát trong điều kiện tỷ mắc ung thư ở Việt Nam vẫn đang gia tăng như hiện nay!
XEM THÊM:
- Thuốc phổ biến, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia
- Thực hư tin đồn về bệnh ung thư “hóa trị xạ trị rồi cũng tử vong”