Dù đã mua rất nhiều thực phẩm chức năng, chú trọng dinh dưỡng nhưng con gái không thể cao lớn. Vì thế, bố mẹ sốt ruột đưa con đi khám mới biết con bị thiếu hormone tăng trưởng, được chỉ định điều trị bằng cách tiêm bổ sung hormone. Sau 2 năm, bé gái cao thêm được 22 cm.
Trẻ tầm soát chậm tăng chiều cao tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nhiều trường hợp trẻ phải điều trị bằng hormone tăng trưởng được ghi nhận
Theo đó, bé gái 10 tuổi, cao 126 cm, tương đương chiều cao trung bình của một bé gái 8 tuổi. Chiếu vào bảng tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng trẻ em của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì bé được xem là suy dinh dưỡng về chiều cao.
Sau 2 năm điều trị bằng cách tiêm bổ sung hormone tăng trưởng tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Tp.HCM), chiều cao của bé tăng thêm 22 cm. Hiện, chiều cao của bé lên được 148 cm và cân nặng 41 kg, nằm trong mức trung bình so với các bạn cùng lứa tuổi.
Trường hợp thứ hai là bé trai 15 tuổi, điều trị bằng hormone tăng trưởng từ năm bé 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113cm, nặng 26kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4cm/năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị bằng hormone tăng trưởng liên tục trong 6 năm. Khi 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị. Thời điểm ngưng điều trị, chiều cao của bé là 155cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8cm/ năm). Hiện tại, sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165cm.
TS.BS Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, thực tế, trước khi đến viện, nhiều trẻ đã được phụ huynh đưa đi khám, điều trị và can thiệp dinh dưỡng nhưng tình trạng thấp còi không cải thiện. Khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ được cải thiện chiều cao đáng kể.
Theo phác đồ, sau 3-6 tháng tiêm hormone, trẻ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả, điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8 đến 12 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, trẻ được đánh giá lại lần nữa để quyết định có tiếp tục bổ sung hormone hay ngưng.
Thiếu hormone tăng trưởng khiến trẻ chậm tăng chiều cao
Thiếu hormone tăng trưởng - Nguyên nhân chính khiến trẻ chậm tăng chiều cao
Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: Di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng…
Trong đó, thiếu hormone tăng trưởng là một rối loạn nội tiết phổ biến, một trong những nguyên nhân quan trọng gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ.
Hormone tăng trưởng là một hormone được sản xuất bởi tuyến yên (pituitary gland) trong não và có tác dụng giúp trẻ phát triển, chủ yếu trong giai đoạn tuổi dậy thì. Nó đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời còn tác động đến chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, protein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.
Nếu không được điều trị, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn khiến tâm lý của chúng bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.
“Nếu xác định bệnh nhi bị thiếu hormone tăng trưởng và cần thiết điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung hormone này mỗi ngày. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng được điều trị sớm (ngay từ lúc trẻ bắt đầu chậm tăng trưởng chiều cao) sẽ thấy rõ hiệu quả, trẻ có thể đạt chiều cao bình thường hoặc gần như bình thường theo di truyền từng trẻ. Giai đoạn vàng để điều trị chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ là trước tuổi dậy thì vì sau giai đoạn này, sụn xương trẻ sẽ đóng lại, việc điều trị không còn hiệu quả nữa”, bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết.
Bác sĩ Ngọc Anh lưu ý, từ năm trẻ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Theo đó, từ 4-11 tuổi, trẻ tăng trung bình 4-6cm/năm. Đến tuổi dậy thì, mỗi năm, bé gái tăng khoảng 6-10 cm, bé trai tăng 6,5 - 11 cm. Trường hợp trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.
Nhằm tầm soát tăng trưởng chiều cao cho trẻ để sớm phát hiện bất thường (nếu có), bác sĩ Ngọc Anh cho biết, tới đây bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ tổ chức khám miễn phí cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao (với trẻ chưa dậy thì) để có hướng điều trị phù hợp, giúp trẻ phát triển chiều cao đúng với lứa tuổi.
XEM THÊM:
- Trẻ dị tật hở môi được phẫu thuật miễn phí tại 6 bệnh viện
- Báo động tình trạng người trẻ bị suy thận