Ngày 1/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã gia hạn đợt 2 cho 715 số đăng ký thuốc trong nước và nước ngoài. Như vậy sau 2 đợt gia hạn theo Nghị quyết 80, đến nay đã có gần 9.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn
Nhiều loại thuốc đã được gia hạn (ảnh minh họa)
Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Vũ Tuấn Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, trong ngày 1/3 Cục Quản lý Dược đã có quyết định công bố Danh mục 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn thứ 2 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.
Trong số 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này, có 713 thuốc sản xuất trong nước; 2 sản phẩm thuốc nước ngoài.
Đây là đợt gia hạn thứ 2 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội, nâng tổng số thuốc được gia hạn đến thời điểm hiện tại là: 9.593 thuốc, kịp thời đáp ứng nguồn cung về thuốc cho cơ sở Khám chữa bệnh.
Gia hạn giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế
Ngoài việc gia hạn số thuốc, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cấp từ đầu năm 2018 đến năm 2021 cũng được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2024, theo nghị định mới của Chính phủ.
Ngày 3/3, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Ngoài giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro cấp từ đầu năm 2014 đến hết 2019 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2024.
Các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành phải đáp ứng điều kiện theo pháp luật và chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng. Bộ Y tế sẽ thu hồi giấy phép với trường hợp vi phạm.
Quy định mới này nhằm giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị, giúp thông quan các lô vật tư, thiết bị y tế, do số giấy phép nhập khẩu và số đăng ký lưu hành đã hết hạn vào cuối năm 2022, trong khi tiến độ cấp mới của Bộ Y tế chậm, không đáp ứng yêu cầu.
Các bệnh viện thiếu vật tư, thuốc men nghiêm trọng
Bệnh nhân, người nhà vật vã trong ngày BV Việt Đức ngừng mổ phiên
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế hiện nay đã gây nhiều lo lắng cho cả bác sĩ và người dân.
Từ ngày 1-3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức hạn chế mổ phiên (mổ theo lịch-những ca mổ không phải cấp cứu). Nguyên nhân là do quá trình rà soát các khoa, phòng đã “cạn kiệt” hóa chất, vật tư y tế. Hàng trăm bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu, hạn chế mổ phiên. Đó là thông tin mà GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết sau cuộc họp với các khoa, phòng. Cùng đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Hiện có rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch hẹn đã lên đến cuối tháng 3, nhưng tất cả đều phải hoãn lại. Khi nghe thông báo hoãn mổ, nhiều bệnh nhân rất tâm tư, lo lắng, nhưng bác sĩ cũng không thể làm khác được.
Hiện tại, không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác trên cả nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng các điều kiện phục vụ người bệnh. Vật tư y tế các bệnh viện lớn trên toàn quốc để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cũng sắp cạn. PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Về thiết bị y tế thì đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay, trong khi số lượng bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện tăng đột biến ngay từ đầu năm. Vậy mà thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh (KCB) của Bệnh viện lại đang thiếu trầm trọng”.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh... Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là nguyên nhân chính khiến Bệnh viện này đối mặt với nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động.
Chung tay vào cuộc – Khẩn cấp gỡ khó
Nhằm góp phần bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác (KCB) cho người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25-2-2023, đầu tháng 3-2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương chủ động, phối hợp kịp thời với sở y tế báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác KCB theo quy định, bảo đảm tiến độ.
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc và tình hình, năng lực thực tế đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế để đề xuất với UBND tỉnh quyết định mở rộng danh mục thuốc đấu thầu địa phương cho phù hợp, giảm bớt khó khăn cho các cơ sở KCB do phải tự đấu thầu thuốc. Chủ động theo dõi tiến độ đấu thầu của gói thầu tập trung tại sở y tế, gói thầu do cơ sở KCB tự tổ chức đấu thầu để phối hợp và có ý kiến kịp thời với sở y tế, các cơ sở KCB, tránh tình trạng chậm tổ chức đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ người bệnh. Bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ các thuốc trong danh mục thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, thực hiện việc tạm ứng và thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những vấn đề vướng mắc, tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ KCB cho nhân dân sẽ sớm được khắc phục.
XEM THÊM: