Ung thư vú bộ ba âm tính là một dạng ung thư có khả năng lây lan nhanh chóng lên các phần khác của cơ thể, khiến tỷ lệ sống của bệnh nhân chỉ còn khoảng 12% sau 5 năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một loại vaccine mới có thể giúp phụ nữ thuyên giảm bệnh và kéo dài sự sống trên 5 năm.
Vaccine dành cho bệnh nhân ung thư vú bộ ba âm tính
Vaccine này là kết quả hơn 20 năm nghiên cứu của tiến sĩ Tuohy, một nhà khoa học hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Ung thư của Phòng khám Cleveland.
Vaccine gồm ba liều, cách nhau hai tuần, nhắm vào α-lactalbumin, một loại protein tiết sữa. Protein này biến mất sau khi quá trình cho con bú kết thúc, các mô bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, nó xuất hiện trong phần lớn ca ung thư vú bộ ba âm tính.
Đối với những người đã có khối u phát triển, vaccine được thiết kế để thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công khối u, ngăn không cho nó lây lan thêm. Theo tiến sĩ Tuohy, nếu hệ miễn dịch được vaccine đào tạo, nó sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ngay khi sinh ra, khiến chúng không có cơ hội nhân lên thành khối u.
Trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, 15 phụ nữ bị ung thư vú bộ ba âm tính tham gia cũng không tái phát ung thư sau 5 năm, hiện sống khỏe mạnh. Kết quả này khiến các chuyên gia và bác sĩ lâm sàng tự tin vào một chiến thắng thầm lặng đối với căn bệnh ung thư vú.
Giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm sẽ do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ. Các nhà khoa học tiếp tục tuyển dụng tình nguyện viên nữ chưa từng mắc ung thư vú bộ ba âm tính, nhưng có nguy cơ cao phát triển bệnh do các yếu tố di truyền. Họ sẽ được phẫu thuật cắt bỏ vú tự nguyện để phòng bệnh và tiêm vaccine trước ca phẫu thuật.
"Sau ca phẫu thuật, chúng tôi sẽ có lượng lớn mô vú bị cắt bỏ để nghiên cứu liệu tế bào miễn dịch từ vaccine có đang giám sát tế bào ung thư hay không", tiến sĩ Tuohy nói.
Tầm soát và phát hiện sớm ung thư là rất quan trọng
Phụ nữ từ 40-44 tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú hàng năm
TS.BS Nguyễn Hữu Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Dược TP, HCM cho biết, đa số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh muộn. Điều này khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều so với khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn tiền lâm sàng - giai đoạn 0 và giai đoạn 1, khả năng điều trị khỏi rất cao. Nhiều bệnh lý ung thư nếu phát hiện sớm, tỉ lệ sống có thể đạt 99%.
Theo TS.BS Phúc, "sớm" là giai đoạn tế bào ung thư chưa di căn sang cơ quan khác. Theo thống kê, nếu phát hiện ung thư giai đoạn sớm, bệnh nhân có tỷ lệ sống sau 5 năm là 90%. Với những tiến bộ trong điều trị hiện nay, các phương pháp tầm soát ung thư hiện đại có thể hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe nhanh chóng và hiệu quả hơn so với trước đây.
Các phương pháp hiện đại ngày nay có thể phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm qua 3 bước dưới đây:
Bước 1: Khám lâm sàng
Khám lâm sàng nhằm mục đích phát hiện bất thường, tìm kiếm khối u, đánh giá nguy cơ ung thư. Nếu như bạn chưa biết mình có nguy cơ mắc bệnh ung thư nào, cần tầm soát ra sao, thì đây là bước quan trọng để trả lời câu hỏi trên.
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tuổi tác, nghề nghiệp, triệu chứng bất thường, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình… Sau đó, quan sát và tìm kiếm các hạch bất thường, nốt ruồi, khối u… trên cơ thể người bệnh. Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ tư vấn nên tầm soát loại ung thư nào, thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phù hợp nhất. Người bệnh nên tầm soát ung thư tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu để được bác sĩ tư vấn, chỉ định cũng như đọc kết quả chính xác.
Bước 2: Các xét nghiệm
Với mỗi loại bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác nhau, gồm:
- Xét nghiệm máu: Có nhiều loại xét nghiệm máu được sử dụng trong tầm soát ung thư như xét nghiệm đếm máu phát hiện bệnh bạch cầu; xét nghiệm viêm gan B, C đánh giá nguy cơ ung thư gan… Ngoài ra, xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 125 có thể gợi ý ung thư buồng trứng; CA 153 với ung thư vú; CA 19-9 với ung thư đường tiêu hóa... Các xét nghiệm này chưa thể khẳng định chính xác, mà cần kết hợp phương pháp chẩn đoán khác.
- Xét nghiệm nước tiểu: Có thể gợi ý các bệnh ung thư đường tiết niệu.
- Xét nghiệm tìm máu trong phân: Sàng lọc ung thư đại trực tràng hoặc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
- Xét nghiệm sinh hóa như PAP, HPV: Xét nghiệm dành cho nữ giới giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh, nội soi thăm dò chức năng
Chẩn đoán hình ảnh, nội soi thăm dò chức năng có thể cho thấy hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan của cơ thể, hình ảnh khối u, kích thước khối u, vị trí di căn.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT)… Nội soi thăm dò chức năng gồm nội soi tai mũi họng, dạ dày, đại tràng. Trong quá trình nội soi nếu phát hiện polyp hoặc khối u cũng có thể thực hiện cắt bỏ hoặc sinh thiết đồng thời.
Sau 3 bước cơ bản tầm soát ung thư, nếu phát hiện khối u, bác sĩ có thể chỉ định thêm phương pháp chuyên sâu khác để khẳng định bệnh, xác định giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn… để tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Như vậy, tầm soát và phát hiện sớm ung thư là rất quan trọng. Với sự phát triển của khoa học, người bệnh sẽ được tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị mới, cá nhân hóa, hiệu quả cao, từ đó chất lượng cuộc sống được cải thiện.
XEM THÊM:
- Thêm thuốc mới hứa hẹn làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer
- Ung thư bàng quang được phát hiện trước 12 năm nhờ xét nghiệm nước tiểu