Sốt cao, co giật toàn thân, bé 3 tháng tuổi phát hiện mắc bệnh lao lây từ bố

Cập nhập: Thứ sáu, 31/03/2023

 

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bé gái 3 tháng tuổi, ở Hoà Bình, nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao, co giật toàn thân được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể bao gồm: lao phổi và lao màng não.

 

Bé gái 3 tháng tuổi nhiễm lao lây

Bé gái 3 tháng tuổi nhiễm lao lây từ người thân trong gia đình

 

   Theo BS Thảo, qua khai thác tiền sử gia đình thì được biết cách đây một năm bố của trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, do chưa hiểu biết về nguy cơ lây bệnh lao cho những người tiếp xúc nên đã lây cho trẻ.

   Rất may mắn, sau 3 tuần điều trị tích cực tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, hết sốt, hết suy hô hấp, ăn uống tốt, dự kiến trẻ sẽ được ra viện trong một vài ngày tới.

 

Bệnh lao ở trẻ em – Phát hiện muộn, hậu quả nặng nề

   PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đa số trẻ em trong độ tuổi chưa đến trường mắc lao từ nguồn lây gia đình. Trong gia đình có người mắc lao, trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng ngừa. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương thường tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhi mắc lao vào điều trị, trong đó nhiều trẻ bị thể nặng, đã điều trị tại một số cơ sở y tế và được chẩn đoán sang bệnh khác, khi không đỡ và nghi ngờ mắc lao mới chuyển đến đây. “Trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều trẻ chưa được khám và điều trị kịp thời, khi bệnh nặng đi viện thì đã mắc lao ở giai đoạn muộn”, PGS Hoà cho hay.

   Điển hình là bệnh nhi C.V.B (SN 2007, Sơn La) vào nhập viện trong tình trạng viêm khớp háng biến dạng hoàn toàn, hẹp khe khớp, phù tủy xương và tạo các ổ áp xe phần mềm quanh khớp. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã phẫu thuật khớp háng để xử lý ổ vi khuẩn lao xương khớp. Theo gia đình bệnh nhân, khoảng 1 năm trước đó, cháu đã có biểu hiện bệnh, làm gián đoạn việc học. Tuy nhiên, vì phát hiện muộn, khi tới viện thì bệnh của cháu đã nặng.

   Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 70-80 ca bệnh lao, tập trung là những ca lao nặng, khó chẩn đoán. Trong đó gồm các thể lao phổi – màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%), lao xương, lao hạch. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao, nếu mẹ bị lao tỉ lệ tử vong tăng gấp 8 lần. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, 71% trẻ bỏ lỡ cơ hội dự phòng bị mắc lao sau này, trong đó 81% trẻ mắc lao vào nhập viện dưới 3 tuổi, 25% mắc lao lan tỏa và 5% tử vong; nguồn lao là mẹ hoặc cha trong các trường hợp này là 47,4%.

 

Những dấu hiệu bệnh lao ở trẻ em

 

Triệu chứng bệnh lao ở trẻ

Triệu chứng bệnh lao ở trẻ

 

   Theo các chuyên gia, mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em trong một cộng đồng tỷ lệ thuận với mức độ lưu hành bệnh lao ở người lớn. Trong khi đó, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới số bệnh nhân lao mới trên người lớn vào năm 2021 tăng 3,6% so với năm 2020. Điều này làm cho mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em cũng tăng lên theo.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hàng năm.

Các dấu hiệu nhận diện lao ở trẻ em:

 - Tiền sử tiếp xúc gần gũi với người bệnh lao phổi, trong vòng 1-2 năm gần đây.

 - Tiền sử có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng triệu chứng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.

 - Triệu chứng lâm sàng nghi lao:

Triệu chứng toàn thân: Sốt, ra mồ hôi đêm; mệt mỏi, giảm chơi đùa; chán ăn, không tăng cân, sụt cân, suy dinh dưỡng.

Triệu chứng cơ năng: tùy thuộc vào cơ quan mắc lao, như ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp…các triệu chứng thường kéo dài hơn 2 tuần, không cải thiện.

 

Cha mẹ cần làm gì để phòng chống bệnh lao cho trẻ

   Ở một số trẻ (chủ yếu là những trẻ dưới bốn tuổi), bệnh lao có thể lây lan qua đường máu, ảnh hưởng đến hầu như bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Căn bệnh này đòi hỏi điều trị phức tạp hơn nhiều và bắt đầu điều trị càng sớm thì càng tốt. Những trẻ này có nhiều nguy cơ mắc bệnh lao màng não, một dạng bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh trung ương.

   Tin vui là, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn có thể dùng một số biện pháp đơn giản để ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em và cả gia đình, đó là nắm vững những điều cơ bản sau:

  • Tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi làm giảm nguy cơ mắc lao, bảo vệ trẻ em trước bệnh lao nặng. Tiêm Vaccine là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa bệnh, hơn nữa, Vaccine BCG là loại Vaccine được tiêm miễn phí tại toàn bộ cơ sở y tế các cấp, từ trung ương tới phường xã, thôn bản…, giúp các phụ huynh không phải đi xa. Chỉ cần một mũi tiêm ở trạm y tế đã "xây" một lá chắn dự phòng cho con khỏi nhiễm lao, và giúp cả gia đình phòng bệnh, tránh được các gánh nặng kinh tế khi con bị nhiễm.
  • Thực hiện phương pháp theo dõi tiếp xúc để ngăn ngừa trẻ em tiếp xúc và nhiễm lao phát triển thành bệnh lao, truy vết nguồn lây nhiễm gốc để xác định trẻ bị nhiễm bệnh và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
  • Đồng thời, nâng cao nhận thức của của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh.
  • Người lớn trong gia đình khi có biểu hiện ho mà chưa thể đi khám ngay thì cũng không nên ho, khạc đờm bừa bãi, tránh ho trước mặt trẻ để dự phòng lây vi khuẩn lao (nếu có) cho trẻ. Gia đình cần giữ môi trường ở thoáng khí, đủ ảnh nắng mặt trời và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ.

 

XEM THÊM:

Chủ đề: bệnh lao
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844