NHK News đưa tin, thành phố Chiba đã ra lệnh thu hồi lô sữa Fami calcium soy milk vì phát hiện vi khuẩn Coliform. Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) cũng vừa phát đi thông cáo báo chí về sự việc, và cho biết đã gửi mẫu đến các cơ quan kiểm định độc lập tại Việt Nam và đang đợi kết quả trong một vài ngày tới.
Sản phẩm sữa Fami trong một siêu thị Việt Nam tại Nhật Bản
Sữa đậu nành Fami của Vinasoy bị thu hồi tại Nhật Bản
Theo thông tin, vi khuẩn Coliform được tìm thấy trong sữa đậu nành Fami Calcium Soy Milk được công ty Next Trading ở phường Mihama, thành phố Chiba nhập khẩu từ Việt Nam.
Cổng thông tin chính thức của thành phố Chiba cho biết lô sữa đậu nành này được nhập khẩu vào địa phương, tổng cộng 640 hộp, được nhập khẩu vào ngày 6/3. Đến ngày 27/3, Trạm kiểm dịch Osaka của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã kiểm tra và phát hiện sản phẩm sữa dương tính với vi khuẩn Coliform.
Ngay sau đó, thành phố đã ngay lập tức ra lệnh cho công ty thu gom và xử lý sữa đậu nành vào ngày 28/3.
Theo công ty nhập khẩu sữa đậu nành, phần lớn sữa đậu nành được nhập khẩu bởi chi nhánh Osaka và hầu hết chưa được bán ra thị trường nhưng một số gói 200ml đã được bán tại một cửa hàng chuyên bán đồ ăn Việt Nam ở thành phố Iga, tỉnh Mie.
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho biết "rất ngạc nhiên và rất tiếc khi biết vi khuẩn Coliform đã được phát hiện trong mặt hàng này vì doanh nghiệp đã tự kiểm tra dựa trên các tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và cho kết quả âm tính trước đó. Công ty cũng gửi mẫu cho đơn vị thứ ba tại Nhật Bản để kiểm định".
Vinasoy lên tiếng
Phản hồi thông tin trên vào ngày 1.4, đại diện Vinasoy cho biết, công ty đã nắm được thông tin và cam kết xúc tiến nhanh việc kiểm định về lô hàng phải thu hồi ở Nhật Bản.
"Ngay sau khi sự việc xảy ra, công ty đã kiểm tra mẫu lưu đối chứng cùng mã sản xuất tại nhà máy và không phát hiện điều gì bất thường và cũng đã thực hiện việc gửi mẫu cho các cơ quan kiểm định độc lập tại Việt Nam để kiểm tra một cách khách quan hơn. Hiện tại, công ty đang đợi kết quả trong một vài ngày tới", - đại diện Vinasoy bày tỏ.
Vinasoy cho biết thêm: "Các sản phẩm đầu ra sữa đậu nành được sản xuất trong dây chuyền tiệt trùng khép kín và kiểm định nghiêm ngặt qua rất nhiều công đoạn theo tiêu chuẩn quốc tế".
Đại diện Vinasoy mong muốn trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm nghiệm cuối cùng, các cơ quan truyền thông, các bên liên quan chờ kết quả chính thức từ kết quả kiểm nghiệm cuối cùng nhằm tránh gây hiểu lầm, ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng.
Cùng với đó, Vinasoy cam kết sẽ thông tin chính xác, kịp thời khi có các thông tin mới nhất về vụ việc.
Vi khuẩn Coliform
Vi khuẩn Coliform nguy hiểm như thế nào?
Vi khuẩn Coliform là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đường ruột hiện nay, nó có thể tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau như đất; nước (nước sinh hoạt, nước uống, nước nuôi trồng thủy sản), trong thực phẩm và chất thải của động vật.
Trước thực trạng hệ miễn dịch của con người ngày càng giảm sút và trở nên nhạy cảm hơn do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và thói quen sinh hoạt không khoa học, vi khuẩn Coliform càng dễ tấn công và làm sụp đổ hệ “phòng thủ” của con người.
Tùy vào mức độ nhiễm khuẩn và thể trạng người nhiễm, cơ thể sẽ có các dấu hiệu bệnh lý khác nhau. Có thể điều trị bằng cách bù nước và chất điện giải, đa số cơ thể nhiễm khuẩn Coliform có thể tự hồi phục lại.
Trẻ em, người cao tuổi là “nạn nhân” hàng đầu của loại vi khuẩn này do đây là những người có sức đề kháng yếu. Những triệu chứng thường gặp của người nhiễm Coliform có thể kể đến như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, sốt, ... Do đây là những triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm với những căn bệnh khác; cùng với đó, thời gian ủ bệnh khoảng 3-4 ngày, vì vậy, người bệnh chủ quan và thường bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh từ sớm.
Để ngăn ngừa ngộ độc vi khuẩn Coliform, BS. Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn khuyên mọi người cần thực hiện 5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn hơn là:
- Giữ sạch sẽ để đề phòng vi khuẩn lan truyền.
- Tách thực phẩm sống và chín.
- Nấu chín, nấu kỹ.
- Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
- Sử dụng nguồn nước và nguyên liệu an toàn
Trong mọi trường hợp, BS Phúc khuyên nên thực hiện các khuyến nghị như vậy, đặc biệt là "nấu kỹ" sao cho phần giữa của thực phẩm đạt ít nhất 70°C, phải đảm bảo rửa trái cây và rau quả cẩn thận, đặc biệt nếu chúng được ăn sống. Nếu có thể, rau và trái cây nên được gọt vỏ. Những người dễ bị tổn thương (chẳng hạn như trẻ nhỏ và người cao tuổi) nên tránh tiêu thụ các sản phẩm thịt sống hoặc nấu chưa chín, sữa tươi và các sản phẩm làm từ sữa tươi.
Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn và sau khi đi vệ sinh, rất được khuyến khích, đặc biệt đối với những người chăm sóc trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người bị suy giảm miễn dịch, vì vi khuẩn có thể truyền từ người này sang người khác, cũng như qua thực phẩm, nước và tiếp xúc trực tiếp với động vật. BS Phúc chia sẻ
XEM THÊM:
- Tốn 100 triệu đồng sửa mũi, cô gái hối hận không kịp vì nghe theo “bác sĩ tiktok”
- Giật mình chất độc hại có trên thứ mà hàng triệu người Việt đang dùng