Ở Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ trước đây rất hiếm gặp. Thế nhưng từ tháng 7 đến nay, số ca mắc bệnh đã liên tục tăng lên. Bởi tốc độ lây lan nhanh nên một khi có mầm bệnh ở cộng đồng, lượng người mắc vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Vì vậy, Bộ Y tế cảnh báo đậu mùa khỉ đã xâm nhập nước ta.
Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập cộng đồng
Đậu mùa khỉ là bệnh như thế nào?
Đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ - Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây ra. Nó có thể lây nhiễm từ động vật sang động vật, động vật sang người và từ người sang người.
Một người khỏe mạnh sẽ bị nhiễm mầm bệnh khi tiếp xúc với nốt ban, dịch cơ thể, nước bọt… của người bệnh. Thậm chí, những đồ dùng như chăn, gối, quần áo, bát đĩa… có virus cũng có thể lây lan đậu mùa khỉ.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, mệt mỏi, sưng hạch, phát ban hoặc tổn thương da…
Đa phần, các triệu chứng bệnh tự hết sau vài tuần. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân xuất hiện biến chứng như nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng mắt gây mù, tổn thương thần kinh… thậm chí tử vong (tỷ lệ 3-6%).
Những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ sơ sinh, trẻ em, người già có bệnh nền suy giảm miễn dịch thường gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập cộng đồng
Từ tháng 7 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đến thời điểm hiện tại, nước ta so tổng 56 trường hợp mắc bệnh, bao gồm 2 ca nhập cảnh vào đầu năm 2022.
Nước ta đã có 56 trường hợp mắc đậu mùa khỉ
Các ca bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố: TPHCM (46 ca), Lâm Đồng (2 ca), Long An (2 ca), Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Cần Thơ, mỗi địa phương 1 ca. Trong đó ở TPHCM có 1 trường hợp tử vong.
Các ca bệnh có độ tuổi trung bình khoảng 32 (18-49). Phần lớn đều là nam (92,9%) với xu hướng tình dục đồng tính và lưỡng tính nam (MSM - chiếm 78,6%), dị tính (8,9%). Khoảng 63% đang nhiễm HIV, 46% mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta. Mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên Bộ Y tế dự báo sắp tới, có thể có thêm ca mắc mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác.
Tuy nhiên, chúng ta không cần hoang mang vì mức độ bệnh đậu mùa khỉ nhẹ hơn nhiều so với Covid-19. Khả năng lây lan của bệnh cũng thấp hơn, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 0,03%, thấp hơn nhiều so với mức 3,4% của dịch SARS-CoV.
Trong những ca bệnh đậu mùa khỉ, đường lây chủ yếu trong quần thể hẹp như ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Chúng ta vẫn có thể kiểm soát được.
Hướng xử lý của Cục Y tế dự phòng
Tuy đậu mùa khỉ không quá nguy hiểm nhưng nếu dịch lan rộng, ngành y sẽ lại phải đối mặt với nhiều áp lực, nhất là giai đoạn nhiều dịch bệnh như hiện nay. Vì thế, để chủ động giám sát dịch bệnh này, Cục Y tế dự phòng vừa có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh triển khai một số nội dung sau:
- Thứ nhất: Đẩy mạnh giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng, các cửa khẩu (nếu có), lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Cần đẩy mạnh giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ
Các đơn vị cần quản lý nghiêm ngặt người mắc bệnh, người tiếp xúc, không để lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Đồng thời, tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình.
- Thứ hai: Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Viện vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán.
- Thứ ba: Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
- Thứ tư: Chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống đậu mùa khỉ theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp điều trị, phòng, chống dịch.
- Thứ năm: Tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
- Thứ sáu: Báo cáo kịp thời trường hợp bệnh đậu mùa khỉ tại địa chỉ website: https://macabenh.vncdc.gov.vn/?mod=monkey (điện thoại hỗ trợ: 0387525938).
Đậu mùa khỉ không quá nguy hiểm nhưng cũng có thể bùng thành dịch nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc và khai báo y tế nếu nghi ngờ mắc bệnh.
XEM THÊM:
- WHO cảnh báo: Sốt xuất huyết trở thành mối đe dọa lớn
- Người đàn ông suýt mất chân chỉ vì nghiện thuốc lá