Số bệnh nhi mắc tay chân miệng tại các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đang tăng cả về số lượng cũng như các ca nặng. Trước tình hình đó, các bác sĩ phải dùng tiết kiệm Gamma Globulin dành cho các bệnh nhi nặng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.
Bác sĩ BV Nhi đồng 1 thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng
Dự báo dịch tay chân miệng tiếp tục leo thang
Theo ghi nhận từ CDC Hồ Chí Minh, trong tháng 6 thành phố ghi nhận 2.690 ca mắc, gồm 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nội trú, có 118 ca nặng (tỉ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%) và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng liên tục từ ngày 8-5, đồng thời số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo. Đặc biệt trong tháng 6, số ca mắc cao hơn rất nhiều so với thời điểm từ tháng 1 đến tháng 5.
Bên cạnh đó, tổng số ổ dịch bệnh tay chân miệng trong 6 tháng là 125 (70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (64 ổ dịch).
Nguyên nhân được xác định gây ra các ca bệnh nặng là Enterovirus (EV71) - chủng vi rút có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng, thậm chí dẫn đến tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.
Ngành y tế TP dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Thiếu thuốc, bác sĩ phải…tiết kiệm
PGS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - cho biết, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng này, đáng lo ngại nhất vẫn là vấn đề thiếu thuốc điều trị như Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân tay chân miệng nặng. Trong khi đó, Phenobarbital truyền tĩnh mạch dự kiến được cung ứng trong tháng 7 thì Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu.
“Nếu các bệnh viện sử dụng thuốc Gamma Globulin theo đúng phác đồ, số thuốc dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau 1-2 tuần”, ông Hùng nói.
Vì thế, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới đã họp và thống nhất phương pháp điều trị tạm thời, điều chỉnh sử dụng loại thuốc trên hết sức cân nhắc.
Ông lấy ví dụ, nếu trẻ mắc tay chân miệng nặng cần dùng 2 liều Gamma Globulin theo phác đồ thì nay dùng 1 liều theo dõi và đánh giá tiếp. Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 gọi đây là giải pháp tình thế khó khăn với các bác sĩ nhằm đủ thuốc cho những ca nặng hơn.
"Chúng tôi đang làm hết sức để cứu sống từng cháu bé, hội chẩn và cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định như vậy. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn phải trình Bộ Y tế xem xét”, ông nói.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng thuốc thay thế như Pentaglobin nhưng thuốc này có chi phí cao và ảnh hưởng trong thanh toán bảo hiểm y tế.
Lý giải kỹ hơn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian chờ các nguồn cung thuốc đầy đủ hơn, các bác sĩ sẽ hội chẩn để có quyết định tốt nhất cho bệnh nhi nhưng vẫn để dành thuốc cho ca nặng hơn sau đó.
Hết tuần này, phía Nam có thể sẽ có thêm 4.000 lọ Gamma Globulin để duy trì tiếp.
Giải thích về nguyên nhân thiếu thuốc trên toàn cầu, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, thuốc Gamma Globulin có 13 số đăng ký ở Việt Nam nhưng sau dịch lại khan hiếm trên toàn cầu. Thuốc được điều chế từ huyết tương, nguyên liệu thiếu hụt nên chỉ được sản xuất theo đặt hàng trước.
Còn theo ông Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, trong trường hợp thiếu thuốc trên, bệnh viện có thể xin đề xuất thay thế bằng Pentaglobin.
Biểu hiện trên da điển hình của bệnh tay chân miệng ở trẻ
Những lưu ý đối với phụ huynh
PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1 khuyến cáo phụ huynh cần chú ý là bệnh tay chân miệng đang vào mùa và tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 - tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.
Khi bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
XEM THÊM:
- Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần cùng kỳ, có nhiều ca biến chứng nặng
- Việt Nam sắp có vaccine tay chân miệng đạt hiệu quả gần 97%