Vừa qua, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã thực hiện ca cấp cứu phẫu thuật hy hữu, truyền máu không tương thích để cứu sống bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ sau ca mổ: “Truyền máu trái yếu tố cho bệnh nhân này là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”.
Người có nhóm máu hiếm Rh- cần phải lưu ý trong việc truyền máu
Truyền máu O dương cho bệnh nhân máu O âm
Ngày 13/6, bệnh nhân 21 tuổi bị tai nạn giao thông nguy kịch, cần truyền máu hiếm O Rh(-) nhưng bệnh viện lại không có sẵn. Đây là trường hợp rất nguy hiểm, cần máu phẫu thuật ngay bởi người bệnh trong tình trạng hôn mê, dập phổi hai bên, gãy nhiều xương sườn, gãy xương đòn, vỡ lách, huyết áp cùng chỉ số oxy trong máu SpO2 tụt.
Ê kíp cấp cứu đánh giá bệnh nhân sốc mất máu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được truyền máu gấp.
O Rh(-) là nhóm máu cực hiếm, ở Việt Nam chỉ có khoảng 0.008% người có nhóm máu này. Bệnh viện đã tích cực đưa ra các phương án để tìm máu, như thông báo rộng rãi tìm người có cùng nhóm máu để xin hoặc mua, hay liên hệ các nhóm hiến máu hiếm tình nguyện tại Hà Nội để hỗ trợ. Tuy nhiên mọi phương án đều không hiệu quả. Trong giờ khắc quyết định sinh tử của bệnh nhân, các bác sĩ đã quyết định dùng máu O Rh(+) truyền cho bệnh nhân.
Đây gọi là "truyền máu trái yếu tố". Về nguyên tắc, máu nhóm âm truyền được cho người nhóm máu dương, nhưng người mang máu âm chỉ được nhận máu cùng nhóm. Trường hợp truyền máu dương cho người máu âm thì cơ thể sẽ sản xuất kháng thể chống kháng nguyên D. Người này nếu lần sau tiếp tục nhận máu dương thì các kháng thể chống D có sẵn trong cơ thể sẽ làm ngưng kết hồng cầu, đe dọa tính mạng.
Trong bối cảnh cấp cứu này, bệnh viện không khai thác được thông tin gì từ bệnh nhân và người nhà nên không thể biết anh đã truyền máu trái yếu tố bao giờ chưa. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc hội chẩn quyết định truyền máu trái yếu tố và mổ khẩn cấp. Ê kíp phẫu thuật đã dùng 4 đơn vị máu O Rh(+) dự trữ tại ngân hàng máu bệnh viện để truyền cho người bệnh.
Hậu phẫu, bệnh nhân được theo dõi sát tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện, đến chiều nay chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường.
"Trong giây phút sinh tử ấy, chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn duy nhất và cũng là mệnh lệnh từ trái tim, là phải cứu lấy bệnh nhân bằng mọi giá", bác sĩ Ngọc cho hay.
Thường xuyên hiến máu để chia sẻ yêu thương, trao sự sống
Hiến máu cứu người – nghĩa cử cao đẹp
Vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi có tiếp nhận một bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng, biến chứng chảy máu chân răng, xuất huyết dạ dày nguy hiểm đến tính mạng cần phải truyền tiểu cầu gấp, nhưng nhóm máu của ông C. là O Rh(-) rất hiếm.
Các bác sĩ liên hệ với những nhóm hiến máu tình nguyện và được 2 tiểu thương cũng là người mang máu O Rh(-) vượt gần 40km đến hiến máu kịp thời. Nhờ được truyền các chế phẩm máu thuộc nhóm máu hiếm O Rh(-), cùng sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần, sau đó hồi phục và được xuất viện.
TS. BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết, ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(-) (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có một người), nên được coi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... tỷ lệ người mang nhóm máu Rh âm cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15-40% dân số.
Các chuyên gia huyết học cho biết những người có nhóm máu hiếm Rh(-) có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác. Khi họ cần truyền máu thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó, nếu cơ sở tiếp nhận máu hoặc bệnh viện không dự trữ đầy đủ.
Những người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau, nếu truyền nhầm nhóm máu Rh(+) sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.
Hiện cả nước có nhiều Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh(-) cùng hoạt động, từ miền Bắc, khu vực TP HCM, Đông Nam Bộ, miền Trung và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Do tính chất và đặc điểm "hiếm có" ở nhóm máu của mình, những người này thường không tham gia hiến máu định kỳ mà bất kỳ khi nào nhận được điện thoại của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là họ thu xếp công việc, thậm chí di chuyển xa đến hiến máu cho người bệnh.
Thông thường các bệnh viện sẽ gửi dự trù nhu cầu máu nhóm hiếm tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hoặc các Trung tâm Truyền máu lớn. Nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách.
Chỉ tính riêng năm 2022, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại Viện huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu.
XEM THÊM:
- Thay van tim qua da, bệnh nhân được xuất viện chỉ sau 2 ngày
- Dốc ngược trẻ đuối nước – Sơ cứu cách này là hại con