Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, các phương pháp làm giảm nhẹ triệu chứng, chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học đóng vai trò chính trong việc bệnh có nhanh khỏi hay không, bệnh cải thiện hay tiến triển nặng lên, phòng ngừa biến chứng của bệnh.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn biết được sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng hiệu quả, cùng theo dõi ngay nhé!
Sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?
Khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết?
Với sốt xuất huyết, nó có đặc điểm là không phải thấy khỏe rồi là hết bệnh. Rất nhiều trường hợp thấy hết sốt, đỡ mệt thì nghĩ rằng bệnh đã khỏi và không tiếp tục điều trị, kết cục là những biến chứng nguy hiểm xuất hiện và khiến họ tử vong.
Sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong?
Sốt xuất huyết Dengue (Dengue Hemorrhagic Fever) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh tiến triển qua các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh, không có triệu chứng, kéo dài từ 3-14 ngày.
- Giai đoạn sốt (có thể kéo dài từ 3-7 ngày) với các biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau thượng vị, đau cơ, đau khớp, đau hai hốc mắt, xuất hiện nốt phát ban dưới da. Bệnh nhân có thể bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
- Giai đoạn nguy hiểm: Xảy ra trong 3 - 4 ngày sau giai đoạn sốt. Triệu chứng sốt sẽ hết hoặc nhẹ dần nhưng tiểu cầu lại giảm dần khiến tình trạng xuất huyết dưới da nặng hơn, các nốt phát ban tăng lên. Người bệnh có thể bị xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng như xuất huyết não, chảy máu dạ dày, suy tạng như viêm cơ tim, viêm não, viêm gan,... và dễ tử vong.
- Giai đoạn phục hồi: Diễn ra trong khoảng 1 - 2 ngày, thể trạng người bệnh sẽ khá dần lên, hết sốt, tiểu nhiều, cảm giác thèm ăn, các nốt phát ban mờ dần.
Ở giai đoạn nguy hiểm, các nốt xuất huyết dưới da tăng lên
Như vậy, nếu cuối giai đoạn sốt, người bệnh cảm thấy người khỏe hơn, không còn sốt cao như trước thì không có nghĩa là bệnh đã khỏi mà là nó đang chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Ở giai đoạn này, tiểu cầu giảm dần một cách âm thầm mà phải xét nghiệm máu mới có thể biết được. Vì vậy, người bệnh dễ chủ quan dẫn đến việc dừng theo dõi và điều trị bệnh, từ đó họ dễ xuất hiện các biến chứng như đã trình bày ở trên và khiến bệnh nhân tử vong.
Khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết?
Bạn chỉ có thể yên tâm khi có dấu hiệu khỏi bệnh sốt xuất huyết sau đây:
- Không có nốt phát ban (xuất huyết dưới da) mới xuất hiện: Kể từ khi bệnh nhân sốt, các nốt xuất huyết dưới da sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đồng thời da ngứa ngáy, khó chịu, đây là biểu hiện của tiểu cầu trong máu giảm và bệnh đang tiến triển. Khi bệnh dần phục hồi thì các nốt mới sẽ không xuất hiện thêm, các nốt cũ mờ dần và da bớt ngứa.
- Đi tiểu nhiều hơn: Trong giai đoạn bệnh tiến triển, người bệnh thường đi tiểu rất ít do mất nước. Nếu sau 5-7 ngày, người bệnh đi tiểu nhiều hơn thì có nghĩa là hiện tượng mất nước không còn, và bệnh đã chuyển sang giai đoạn hồi phục.
- Người bệnh bớt mệt mỏi: Ở giai đoạn nguy hiểm, tuy tình trạng sốt giảm nhưng người bệnh vẫn còn mệt mỏi. Nếu thấy cơ thể khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn, kết hợp với 2 dấu hiệu ở trên thì nghĩa là bệnh đã chuyển sang giai đoạn phục hồi.
Bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn phục hồi sẽ ăn uống ngon miệng hơn
Sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?
Như đã nói ở đầu bài viết, sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu. Để nhanh vượt qua các giai đoạn sốt và nguy hiểm để tiến đến phục hồi và khỏi hẳn thì sau đây là những lưu ý quan trọng:
Kiểm soát tốt các triệu chứng
Đa số trường hợp sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Một số thuốc điều trị triệu chứng được kê như:
- Hạ sốt, giảm đau bằng thuốc Paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần, uống cách nhau từ 4-6 tiếng. Không dùng các thuốc như aspirin hay ibuprofen để hạ sốt vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết, chảy máu và khiến bệnh trầm trọng hơn, tăng nguy cơ tử vong.
- Một số trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để cải thiện tình trạng buồn nôn và phát ban, ngứa.
Cần nhập viện điều trị khi bệnh nhân có triệu chứng lừ đừ, li bì, vật vã hơn 3 ngày mà không cải thiện, đau bụng, đau vùng gan, nôn nhiều (hơn 3 lần/giờ hoặc 4 lần/6 giờ), xuất huyết niêm mạc.
Bổ sung nước đầy đủ
Nếu muốn biết sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi thì câu trả lời là người bệnh không được quên bổ sung nước cho cơ thể. Một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốc do thiếu/ mất dịch do sốt cao và nôn.
Nếu không duy trì lượng nước ổn định trong giai đoạn này, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm, virus dễ tấn công và phát triển mạnh hơn, từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Vì vậy, bệnh nhân cần uống nhiều nước, ưu tiên nước khoáng, nước điện giải, nước ép trái cây và súp. Đồng thời, người bệnh không được tiêu thụ các thực phẩm lợi tiểu như trà, cà phê, rượu, nước ngọt, hạn chế một số loại rau lợi tiểu như rau cải vì chúng có thể gây mất nước, không tốt cho người bệnh.
Một số trường hợp không thể bù dịch qua đường uống thì bác sĩ sẽ chỉ định bù truyền dịch Ringer lactat, NaCl 0.9% nhỏ giọt vào tĩnh mạch.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bổ sung nước đầy đủ
Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý
Khi được hỏi về việc sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi, ngoài các phương pháp dùng thuốc, bù dịch thì bác sĩ sẽ khuyên là cần cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ, khoa học. Vậy, người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì? Sau đây là một số lưu ý trong chế độ ăn cho người bệnh mà bạn cần nắm được:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng bao gồm protein, chất xơ, tinh bột, đường, vitamin, khoáng chất, lipid để có sức, đồng thời duy trì sức đề kháng để nhanh khỏi bệnh.
- Nên ăn các thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu hóa như: Cháo, súp, bột, sữa.
- Tránh thức ăn sống, nhiều dầu mỡ, cay hoặc chất béo.
- Không ăn những loại thức ăn, nước uống có màu đỏ/ nâu như pepsi, coca cola, socola, dưa hấu, củ dền đỏ… vì nó sẽ gây tình trạng khó phân biệt trong trường hợp người bệnh nôn ra máu.
- Tăng cường ăn trái cây, đặc biệt là các loại quả giàu vitamin C như ổi, cam để tăng sức đề kháng.
Tăng cường ăn hoa quả để tăng sức đề kháng
Tránh chảy máu
Ở người bị sốt xuất huyết, nồng độ tiểu cầu giảm làm tăng nguy cơ xuất huyết, chảy máu. Để nhanh khỏi, người bệnh cần ưu tiên nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh quá sức, giảm nguy cơ chấn thương và té ngã để giảm thiểu tình trạng chảy máu ngoài ý muốn. Ngoài ra, người bệnh cần tránh ăn, uống các loại thực phẩm, sản phẩm làm tăng nguy cơ chảy máu.
Trong trường hợp người bệnh bị chảy máu nhiều, bầm tím hoặc sưng tấy, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.
Tránh những sai lầm
Nếu muốn nhanh khỏi và tránh những biến chứng của bệnh sốt xuất huyết, bạn cần tránh những sai lầm sau đây:
- Tự ý sử dụng thuốc: Việc tự ý sử dụng thuốc mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ có thể khiến người bệnh lâm vào nguy hiểm. Ví dụ như tự ý dùng thuốc corticoid liều cao kéo dài để chống viêm, giảm đau thì có nguy cơ suy giảm miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu khiến virus Dengue dễ dàng tấn công và phát triển mạnh hơn, khiến bệnh trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Không đến bệnh viện thăm khám: Nếu người bệnh chủ quan không đến bệnh viện thăm khám để được xét nghiệm sinh hóa máu, chẩn đoán, theo dõi và chăm sóc đúng cách sẽ có nguy cơ rất cao bị biến chứng nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ sau khi thăm khám và được bác sĩ kê đơn thuốc, chỉ định chăm sóc, theo dõi tại nhà thì người bệnh mới có thể về nhà tự điều trị, đồng thời tái khám theo đúng hẹn.
Như vậy, đến đây chắc hẳn bạn đã biết sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi và nắm được những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn và gia đình sức khỏe!
XEM THÊM:
- Đau mắt đỏ có lây không? Cách phòng ngừa đau mắt đỏ là gì?
- Đau họng uống thuốc gì nhanh khỏi và hiệu quả?