Nhiều năm qua, xạ trị đã và đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư trên toàn cầu. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 126.000 ca mắc ung thư mới và 94.000 ca tử vong, con số này có xu hướng ngày càng tăng cao. Trước sự gia tăng chóng mặt của căn bệnh quái ác này, các phương pháp điều trị ung thư mới nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về những phương pháp xạ trị ung thư bằng proton và hạt nặng đầy triển vọng.
Những triển vọng trong xạ trị ung thư bằng phương pháp mới
Phương pháp xạ trị proton và hạt nặng là gì?
Xạ trị ung thư là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng các loại hạt hoặc các sóng có mức năng lượng cao như: tia X, tia gamma, các chùm tia điện tử nhẹ electron… để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư. Xạ trị ung thư thường được kết hợp cùng các phương pháp khác như hóa trị và phẫu thuật để gia tăng tỷ lệ sống cho người bệnh.
Xạ trị proton (hay còn gọi là liệu pháp proton trong xạ trị ung thư) sử dụng các chùm hạt proton có mức năng lượng cao từ 160 đến 230 MeV và có tốc độ đạt khoảng 70-80% tốc độ ánh sáng.
Xạ trị ung thư bằng hạt nặng (hay còn gọi là xạ trị ion nặng) sử dụng chùm hạt ion nặng được gia tốc cho tới khi tốc độ đạt 70% tốc độ ánh sáng, cho phép xâm nhập sâu vào các mô tế bào bị bệnh, từ đó phá hủy khối u với độ chính xác cao.
Các phương pháp xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion nặng trong những năm gần đây đã được áp dụng ở một số quốc gia và mang tới những hiệu quả tích cực. Cụ thể thì tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng các phương pháp này có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm đạt 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ, 80-90% ung thư gan, gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống sót thêm 3 năm của ung thư phổi giai đoạn 1 và 2 đạt 86%, ung thư gan là 72%; sống thêm 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%, ung thư đại trực tràng đạt 53%.
Ưu điểm của xạ trị ung thư bằng proton và hạt nặng so với xạ trị cổ điển
Để đạt được những con số đáng mơ ước như ở trên thì xạ trị ung thư bằng proton và hạt nặng phải có những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp xạ trị cổ điển bằng tia X, tia Gamma, electron. Cụ thể:
- Thứ nhất: các phương pháp xạ trị ung thư cổ điển đạt hiệu quả cao nhất ở vị trí nông (khoảng 10mm), sau đó hiệu quả giảm dần. Vì vậy mà các phương pháp này tỏ ra kém hiệu quả với các khối u nằm sâu trong cơ thể. Trong khi đó, xạ trị ung thư bằng proton, hạt ion kim loại nặng với vận tốc lên tới 70% tốc độ ánh sáng có thể tiêu diệt được các khối u ở vị trí sâu nhất trong cơ thể.
Xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion nặng tác động tới những khối u ở vị trí sâu nhất trong cơ thể
- Thứ hai: hoạt tính sinh hóa của chùm ion nặng hoặc proton có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư lớn hơn 2 hoặc 3 lần so với phương pháp xạ trị bằng tia X hoặc tia gamma thông thường.
- Thứ ba: các tia ion và proton chiếu vào khối u với độ chính xác gần như tuyệt đối và bao phủ hoàn toàn 100% khối u. Trong khi đó xạ trị bằng tia X, tia gamma chỉ bao quát được vùng tế bào theo đường đi của tia. Vì vậy mà xạ trị theo phương pháp cổ điển gây ảnh hưởng nhiều tới tế bào lành tính xung quanh, người bệnh phải chịu nhiều tác dụng phụ hơn, mệt mỏi hơn. Còn với xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion nặng thì độ chọn lọc cao hơn, do đó người bệnh phải chịu ít tác dụng phụ hơn.
- Thứ tư: thời gian xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion nặng được rút ngắn hơn rất nhiều. Nếu xạ trị bằng tia X, tia gamma có thể mất 4-5 tuần với nhiều lần xạ trị thì với phương pháp mới này, chỉ cần một lần trong khoảng 10 phút là hoàn thành.
Những khó khăn trong việc tiếp cận phương pháp xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion nặng
Rào cản lớn nhất cho việc ứng dụng phương pháp xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion nặng vào phác đồ điều trị ung thư tại Việt Nam nằm ở việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho hai phương pháp này khá tốn kém. Theo ước tính, việc đầu tư hai hệ thống này có thể phải tiêu tốn khoảng 3000 tỷ đồng. Chi phí điều trị cho từng trường hợp được dự báo là cao hơn khoảng 5-6 lần so với cách thức xạ trị cổ điển.
Bên cạnh đó, việc trao đổi kinh nghiệm thường xuyên giữa các bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại Việt Nam với các chuyên gia nước ngoài cũng là điều rất cần thiết để bác sĩ Việt Nam thu nhận thêm nhiều kinh nghiệm trong điều trị thực tiễn.
Chính vì vậy mà những phương pháp xạ trị ung thư chính đang được sử dụng tại Việt Nam hiện nay vẫn là các phương pháp sử dụng tia X, tia gamma, electron cổ điển. Và những phương pháp này luôn có nhiều tác dụng phụ, đòi hỏi quá trình chăm sóc hậu xạ trị cho người bệnh phải thật cẩn thận.
Chăm sóc người bệnh sau xạ trị ung thư
Do ảnh hưởng nhiều tới các tế bào xung quanh nên các phương pháp xạ trị ung thư cổ điển luôn tồn tại nhiều tác dụng phụ như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, viêm da, viêm phổi, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu)…
Ung thư máu thứ phát sau quá trình xạ trị ung thư
Chính vì vậy, chăm sóc cho người bệnh sau xạ trị ung thư là điều quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khỏe và hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số lưu ý:
- Phần da sau khi bị chiếu xạ cần được chăm sóc sạch sẽ, tránh cọ sát gây loét.
- Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần cân đối các thành phần, đủ dinh dưỡng thiết yếu (đạm, đường, mỡ, vitamin, chất khoáng). Thức ăn nên được chế biến mềm, dễ ăn.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng, phục hồi để chuẩn bị cho những đợt xạ trị ung thư tiếp theo.
- Cho người bệnh tắm nắng mỗi ngày từ 15-20 phút.
- Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị khi người bệnh có một trong những biểu hiện: đau liên tục không giảm, đặc biệt là đau ở 1 vị trí cố định; xuất hiện khối u bất thường; buồn nôn, nôn sau xạ trị; tiêu chảy, ăn uống kém; sốt cao liên tục; da phát ban hoặc chảy máu bất thường.
Xạ trị ung thư bằng proton hoặc ion kim loại nặng là những phương pháp đầy hứa hẹn. Hy vọng trong tương lai, đây sẽ là những biện pháp chính được áp dụng trong phác đồ điều trị ung thư tại Việt Na, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Hãy theo dõi chúng tôi để cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích khác liên quan tới ung thư hoặc các chủ đề sức khỏe khác. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM: