Phẫu thuật có khiến ung thư di căn nhanh hơn?

Cập nhập: Thứ năm, 11/05/2023

 

   Có thể bạn đã từng nghe nói rằng phẫu thuật chính là phương pháp điều trị khiến ung thư di căn nhanh hơn. Vì tin vào nhận định đó, không ít người đã quyết định không phẫu thuật, bỏ qua cơ hội “vàng”, thời điểm “vàng” để chữa khỏi căn bệnh của mình trong những giai đoạn sớm. Nhưng thực hư vấn đề này là như thế nào, mời bạn cùng tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.

 

Phẫu thuật có khiến ung thư di căn nhanh hơn?

Phẫu thuật có khiến ung thư di căn nhanh hơn?

 

Phẫu thuật có thực sự khiến ung thư di căn nhanh hơn?

   “Phẫu thuật khiến ung thư di căn nhanh hơn”, đây là một quan điểm chưa chính xác và cần phải làm sáng tỏ. Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu điều kiện để tế bào ung thư có thể thoát khỏi vị trí nguyên phát của nó và di căn tới một bộ phận xa trong cơ thể.

   Để tế bào ung thư có thể di căn thành công đến một cơ quan ở xa, cần phải xảy ra một loạt các sự kiện phức tạp. Trước hết, tế bào ung thư đó phải tách rời khỏi vị trí khối u nguyên phát để đi được vào hệ bạch huyết hoặc vòng tuần hoàn chung của cơ thể. Tiếp theo đó, tế bào ung thư cần phải sống sót qua các cơ chế phòng thủ của hệ miễn dịch. Đồng thời, chúng phải bị mắc kẹt tại một địa điểm hay cơ quan nào đó trong cơ thể, cuối cùng là tiếp tục nhân lên và phát triển tại vị trí mới.

   Khi hiểu được cơ chế gây ung thư di căn như vậy, có thể thấy rằng trong phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư, quá trình cắt bỏ và thao tác với khối u cũng như hệ thống mạch máu của nó có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến một phần tế bào ung thư tách rời khỏi khối u, bám dính vào các dụng cụ phẫu thuật. Khi dụng cụ phẫu thuật tiếp xúc trực tiếp với một vị trí khác trong cơ thể hoặc tiếp xúc với vòng tuần hoàn, đó có thể là điều kiện thuận lợi để tế bào ung thư được “giải phóng” tới những vị trí di căn mới.

   Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được đăng tải trên tạp chí American Association for Cancer Research (AACR) vào năm 2017, quá trình xử trí khối u có thể dẫn đến sự gia tăng ít nhất gấp 10 lần tế bào ung thư lưu thông trong cơ thể.

   Mặc dù vậy, thật may mắn là cơ thể có cơ chế đặc biệt để chống lại hiện tượng ung thư di căn này. Khi phẫu thuật được tiến hành bởi các bác sĩ phẫu thuật, những tổn thương mô tế bào do quá trình bóc tách vô trùng sẽ gây phản ứng viêm cấp tính. Phản ứng viêm này hoạt hóa hàng loạt các yếu tố miễn dịch trong cơ thể, bao gồm: Đại thực bào, tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), dòng bạch cầu trung tính. Chính các yếu tố miễn dịch này sẽ truy tìm, bắt giữ và tiêu diệt các tế bào ung thư đang di chuyển trong cơ thể, qua đó ngăn ngừa tình trạng ung thư di căn.

 

Các tế bào miễn dịch giúp ngăn chặn nguy cơ ung thư di căn do phẫu thuật

Các tế bào miễn dịch giúp ngăn chặn nguy cơ ung thư di căn do phẫu thuật

 

   Như vậy, trong một số trường hợp hy hữu như sai sót trong quá trình phẫu thuật, kết hợp đồng thời với hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu thì phẫu thuật có thể tạo điều kiện để ung thư di căn. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho những trường hợp ung thư giai đoạn sớm, người bệnh không nên chỉ vì vài trường hợp cá biệt mà đánh mất đi cơ hội chiến thắng căn bệnh này.

 

Hiểm họa khi quá tin vào lời đồn “Phẫu thuật khiến ung thư di căn nhanh hơn”

   Điều trị ung thư có rất nhiều phương pháp khác nhau bao gồm: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, thuốc hướng đích… Mục tiêu chung của tất cả các phương pháp đó là hướng tới việc loại bỏ triệt để tế bào ung thư ra khỏi cơ thể.

   Trong đó, phẫu thuật là phương pháp lâu đời nhất, được áp dụng trong hầu hết các loại ung thư như: Ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư gan, ung thư vú… Đây cũng được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất trong những trường hợp ung thư giai đoạn sớm bởi khi đó, tế bào ung thư vẫn còn đang cư trú ở một vị trí nhất định, việc phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư ra khỏi cơ thể.

   Trong những giai đoạn muộn hơn, khối u bắt đầu xâm lấn nhiều hơn, thậm chí bắt đầu xuất hiện ung thư di căn, phẫu thuật sẽ được phối hợp cùng hóa trị hoặc xạ trị để loại bỏ tế bào ung thư nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, lúc này việc điều trị không đạt được hiệu quả tối đa như giai đoạn sớm bởi sẽ còn sót lại lượng tế bào ung thư nhất định và sau một thời gian, bệnh vẫn tái phát trở lại.

   Chính vì vậy, khi người bệnh quá tin vào lời đồn “Phẫu thuật khiến ung thư di căn nhanh hơn” mà từ chối phương pháp điều trị này trong những giai đoạn sớm của bệnh, tức là họ đã bỏ qua thời điểm “vàng” để chiến thắng căn bệnh này. Bệnh khi đó sẽ nhanh chóng tiến triển sang các giai đoạn muộn hơn, di căn tới nhiều nơi trong cơ thể, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, khả năng sống sót của người bệnh rất thấp.

   Ngoài ra, còn một lý do khác khiến nhiều người vẫn lo sợ việc đụng tới dao kéo đó là sau khi được phẫu thuật, các bác sĩ có thể sẽ thông báo là tình trạng của họ nặng hơn dự đoán. Điều này khiến họ lầm tưởng rằng chính việc phẫu thuật đã thúc đẩy ung thư di căn, tuy nhiên suy nghĩ đó là không chính xác.

 

Các phương pháp chẩn đoán đôi khi không phát hiện được toàn bộ sự tồn tại của tế bào ung thư

Các phương pháp chẩn đoán đôi khi không phát hiện được toàn bộ sự tồn tại của tế bào ung thư

 

   Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán ung thư như chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp X-quang… đôi khi sẽ không thể phát hiện được hết các tổn thương, dấu hiệu tồn tại của ung thư trong cơ thể, đặc biệt là những tổn thương nhỏ và rải rác. Tới khi mổ, bác sĩ phẫu thuật mới phát hiện ra khối u đã lan tràn nhiều hơn dự kiến. Như vậy, trong trường hợp này, ung thư di căn không phải do phẫu thuật mà đã xuất hiện từ trước đó nhưng chưa được phát hiện ra.

 

Những tiến bộ mới giúp hạn chế nguy cơ ung thư di căn do phẫu thuật

   Như đã phân tích ở trên, phẫu thuật vẫn có thể tồn tại một tỷ lệ nhỏ nguy cơ xuất hiện ung thư di căn. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ của nền y học mà nguy cơ này đang ngày càng ít hơn bởi một số nguyên nhân sau:

  • Trình độ chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật: Trước tiên, phải nói đến yếu tố con người. Chương trình đào tạo của các bác sĩ hiện nay, đặc biệt là bác sĩ phẫu thuật luôn được cập nhật và đổi mới theo hướng hiện đại hơn. Nhờ vậy mà trình độ chuyên môn của người thầy thuốc luôn được đảm bảo, qua đó hạn chế được tối đa sai sót trong quá trình phẫu thuật.
  • Kỹ thuật, thiết bị phẫu thuật hiện đại: Trước đây, những chiếc kim lớn được sử dụng để lấy một mảnh của khối u (sinh thiết) và quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Những chiếc kim lớn như vậy sẽ có nguy cơ gây ung thư di căn cao hơn.

Tuy nhiên hiện nay, những chiếc kim nhỏ hơn và dao phẫu thuật nhỏ nhưng sắc bén hơn đang được sử dụng rộng rãi. Nhờ vậy mà nguy cơ gây ung thư di căn sau phẫu thuật hoặc sinh thiết thấp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các phương pháp can thiệp hiện nay cũng được bổ sung thêm một số công đoạn nhằm giúp loại bỏ tối đa nguy cơ ung thư di căn. Ví dụ như phương pháp đốt sóng cao tần trong điều trị ung thư gan, sau khi quá trình đốt khối u kết thúc, kim đốt được rút ra khỏi cơ thể, đường dẫn của kim sẽ được đốt thêm một lần nữa để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư có thể xuất hiện dọc đường dẫn do đã bám dính vào kim đốt trước đó, nhờ vậy mà tránh được hoàn toàn nguy cơ ung thư di căn sang những khu vực khác.

   Như vậy, “phẫu thuật khiến ung thư di căn nhanh hơn” là một nhận định không chính xác. Người bệnh không nên vì những lời đồn thổi như vậy mà bỏ qua phương pháp điều trị tối ưu nhất trong giai đoạn sớm của bệnh này. Cám ơn các bạn đã đón đọc!

 

XEM THÊM:

 

Bài viết cùng chủ đề

Ung thư amidan nguy hiểm như thế nào? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Amidan là một khối mô mềm nằm ở phía sau họng, thường được nhiều người biết đến thông qua bệnh lý viêm amidan. Ngoài căn bệnh phổ thông này, một tình trạng cũng rất đáng được quan tâm chính là ung thư amidan.

5 nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi thường gặp nhất

Tràn dịch màng phổi là hội chứng lâm sàng thường gặp, nguyên nhân là do bệnh lao, ung thư, suy tim, xơ gan, hội chứng thận hư...

Ung thư vú, cổ tử cung được đưa vào khám sức khỏe định kỳ

Theo thông tư vừa được ban hành của Bộ Y tế, từ ngày 20/6, người lao động là nữ giới sẽ được khám thêm chuyên khoa phụ sản và sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ.

Đau khi xuất tinh là bệnh gì? Khi nào nam giới cần đi khám?

Đau khi xuất tinh có thể là dấu hiệu của các bệnh tại tuyến tiền liệt, vấn đề thần kinh, bệnh lây qua đường tình dục, viêm túi tinh và,...
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844