Ung thư gan là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, với tỷ lệ tử vong rất cao. Theo GLOBOCAN 2020, số ca mắc mới ung thư gan trên toàn cầu khoảng 905.000 người, đứng thứ 6 trên tổng số các loại ung thư.
Tuy nhiên, số ca tử vong do ung thư gan lại xếp thứ 3 với khoảng 830.000 người. Chính vì vậy, hiểu về nguyên nhân gây ung thư gan để chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về ung thư gan nhé!
Nguyên nhân gây ung thư gan là gì?
Nguyên nhân gây ung thư gan là gì?
Ung thư gan xảy ra khi các tế bào đột biến xuất hiện tại gan. Hiện nay, khoảng 90% các trường hợp là ung thư biểu mô tế bào gan. Nguyên nhân chính gây ung thư gan là do đột biến ADN. Một số đột biến gen phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Đột biến gen TP53 nằm trên nhiễm sắc thể số 17. Protein TP53 liên kết trực tiếp với ADN và được coi là “người giám hộ” của bộ gen. Khi ADN trong tế bào bị hư hại, protein TP53 sẽ quyết định xem ADN sẽ được sửa chữa hay kích hoạt quá trình tự hủy. Do đó, TP53 bị đột biến sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện của tế bào ung thư.
- Đột biến gen CTNNB1 nằm trên nhiễm sắc thể số 3, giúp tạo ra protein beta catenin. Protein này đóng vai trò quan trọng trong đường truyền tín hiệu Wnt. Tín hiệu Wnt thúc đẩy tế bào phát triển, phân chia, và biệt hóa. Đột biến gen CTNNB1 sẽ ảnh hưởng đến quá trình đổi mới tế bào và sửa chữa tổn thương mô. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, gan,...
- Đột biến gen nằm trên nhiễm sắc thể số 9, liên quan đến protein p16 (INK4A) và p14 (ARF). Cả 2 loại protein này có nhiệm vụ giữ cho tế bào không phát triển và phân chia quá nhanh hoặc mất kiểm soát. Chúng cũng tham gia vào việc dừng phân chia khi tế bào đã già.
Đột biến gen là nguyên nhân gây ung thư gan
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan
Như đã nhắc đến, đột biến gen là nguyên nhân chính gây ung thư gan. Tuy nhiên, không phải ai mang gen đột biến cũng đều phát triển ung thư. Những đột biến này có thể “ngủ yên” và không gây ảnh hưởng gì.
Một số yếu tố có khả năng kích hoạt các đột biến gen này gây ung thư gan được biết đến là:
Tuổi tác và giới tính
Các bằng chứng cho thấy, tuổi tác và giới tính có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư gan. Theo đó, ung thư biểu mô tế bào gan thường được bắt gặp ở độ tuổi trên 50. Trong đó, nam giới có tỷ lệ mắc cao gấp đôi nữ giới.
Một số giả thuyết cho rằng, tuổi tác tăng lên sẽ kéo theo việc tích lũy các tế bào hư hỏng và đột biến gen trong cơ thể. Đồng thời, nam giới thường có nhiều thói quen không lành mạnh hơn so với nữ giới. Đây có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan ở phái mạnh.
Viêm gan virus mạn tính
Yếu tố nguy cơ thường gặp nhất của ung thư gan là viêm gan mạn tính do virus viêm gan B (HBV), hoặc virus viêm gan C (HCV). Tình trạng viêm mãn tính sẽ dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
HBV và HCV đều có thể lây từ người sang người thông qua việc sử chung kim tiêm nhiễm bệnh, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc truyền từ mẹ sang con trong khi sinh. Một số ít trường hợp nhiễm virus HBV do thường xuyên tiếp xúc với thành viên gia đình mắc bệnh.
Viêm gan virus làm tăng nguy cơ ung thư gan
Xơ gan
Xơ gan xảy ra khi tế bào gan bị tổn thương không hồi phục và được thay bởi mô xơ. Quá trình xơ hóa gan sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện tế bào đột biến, gây ung thư gan. Người bệnh xơ gan càng nặng, thì có nguy cơ mắc ung thư càng cao. Phần lớn người bệnh ung thư gan đều có đi kèm tình trạng xơ gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Đây là bệnh gan phát triển ở những người bị béo phì. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cũng có thể gây tổn thương xơ hóa gan. Do đó, nguy cơ mắc ung thư gan cũng tăng lên.
Nghiện rượu và hút thuốc lá
Cả nghiện rượu và hút thuốc lá đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Cồn trong rượu sẽ bị chuyển hóa thành acetaldehyde tại gan. Acetaldehyde là một chất cực độc, có thể gây ra ung thư.
Người đã từng hoặc đang nghiện thuốc lá đều có nguy cơ mắc ung thư cao hơn bình thường.
Tiểu đường type 2
Người bệnh tiểu đường type 2 có thể gặp một số vấn đề, ví dụ như gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, việc dùng nhiều thuốc tây điều trị bệnh cũng làm tăng áp lực lên gan. Tất cả những điều này có thể làm gia tăng nguy cơ tổn thương gan và mắc ung thư gan.
Nhiễm độc tố, hóa chất
Aflatoxin là một loại độc tố gây ung thư gan được biết đến nhiều nhất. Chất độc này sinh ra từ các loại thực phẩm bị nhiễm nấm mốc. Nguy cơ ung thư gan sẽ tăng lên nếu vừa tiếp xúc với Aflatoxin vừa mắc viêm gan virus.
Tiếp xúc với Vinyl chloride cũng có thể gây ung thư gan và ung thư đường mật. Đây là một chất hóa học được sử dụng trong sản xuất một số loại nhựa.
Aflatoxin sinh ra từ các loại thực phẩm nhiễm nấm mốc
Sử dụng steroid đồng hóa
Steroid đồng hóa là một loại hormone nam giới tổng hợp. Nó được các vận động viên sử dụng để làm tăng sức mạnh và khối lượng các cơ. Đồng thời, nó cũng có mặt trong các loại thuốc tăng cơ. Sử dụng steroid đồng hóa trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Một số bệnh hiếm gặp
Nguy cơ ung thư gan tăng lên ở một số người mắc các bệnh hiếm gặp như:
- Bệnh tyrosine huyết.
- Thiếu hụt men Alpha 1-antitrypsin.
- Bệnh Porphyria cutanea tarda (PCT).
- Bệnh rối loạn dự trữ glycogen.
- Bệnh Wilson.
- Bệnh nhiễm sắc tố mô di truyền làm tăng hấp thu sắt.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích nhất cho quý độc giả về nguyên nhân gây ung thư gan. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng là gì?
- Ung thư đại tràng giai đoạn 3 có nguy hiểm không, điều trị thế nào?