Các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… sẽ giúp loại bỏ khối u hoặc kìm hãm, diệt tế bào ung thư, nhưng chúng đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người bệnh. Để giảm thiểu những rủi ro này, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra phương pháp mới, đó là dùng DNA nhân tạo để phá hủy tế bào ung thư.
Phương pháp mới: dùng DNA nhân tạo diệt tế bào ung thư
Các biện pháp điều trị ung thư hiện nay
Bệnh ung thư luôn là gánh nặng của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Điều đáng ngại, số lượng người bệnh hiện nay ngày càng tăng lên. Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Hiện tại, có khoảng 354.000 người sống chung với căn bệnh này.
Thông thường, để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ sẽ dựa vào:
- Loại ung thư.
- Giai đoạn ung thư.
- Các xét nghiệm chuyên sâu trên khối u (xét nghiệm dấu ấn sinh học hoặc thụ thể nội tiết).
- Các xét nghiệm bổ trợ (xét nghiệm máu, xét nghiệm gen, chụp X- quang hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác).
- Thể trạng của người bệnh.
- Các bệnh lý nền mắc kèm.
- Nhu cầu và nguyện vọng của người bệnh.
Những phương pháp điều trị ung thư thường được chỉ định bao gồm:
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ loại bỏ khối u và nạo vét hạch nếu phát hiện bệnh sớm. Trường hợp ung thư ở giai đoạn muộn, phẫu thuật cũng được chỉ định để giảm bớt triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Ưu điểm: Dễ thực hiện ở các cơ sở y tế, không bị hạn chế khi u lớn.
- Nhược điểm: Thời gian thực hiện phẫu thuật lâu, có thể cần phải gây mê toàn thân. Người bệnh bị đau nhiều sau mổ, khả năng có sẹo lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Phẫu thuật điều trị ung thư có nhiều nhược điểm
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, không ảnh hướng đến toàn thân. Bác sĩ sẽ dùng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó tác động, làm DNA tế bào ung thư bị đứt gãy, cản trở quá trình phát triển và dần chết đi.
Các phản ứng phụ của phương pháp xạ trị thường gặp gồm có mệt mỏi, rối loạn sắc tố da, rụng tóc, giảm hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.
Hóa trị
Đây là phương pháp dùng các loại hóa chất để ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được áp dụng đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.
Bệnh nhân thực hiện hóa trị có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc, mệt mỏi, nhiễm trùng, loét miệng hoặc cổ họng, thiếu máu…
Ngoài những phương pháp trên, người bệnh ung thư còn được áp dụng:
- Điều trị nội tiết: Được áp dụng với người bệnh ung thư vú, ung thư tuyến giáp. Tác dụng phụ thường gặp là bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, tăng nguy cơ tạo cục máu đông…
- Điều trị đích: Sử dụng các thuốc chuyên biệt chỉ có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư mà không ảnh hưởng tới các tế bào lành. Phương pháp này thường được áp dụng cho người bị ung thư phổi, ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt… Nhược điểm của phương pháp này là nguy cơ tạo huyết khối ở phổi và mạch máu chi dưới.
Phương pháp điều trị đích được áp dụng cho ung thư phổi
- Điều trị miễn dịch: Kích thích hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân để chống lại tế bào ung thư mà không dùng các phương pháp can thiệp khác. Người bệnh có nguy cơ gặp tác dụng phụ về da như phát ban, sưng đau, đỏ, ngứa…
- Ghép tế bào gốc hay ghép tủy xương với bệnh ung thư máu: Là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường của một người bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh. Tế bào gốc được truyền vào bằng đường tĩnh mạch, sau đó di chuyển trong mạch máu và đến tủy xương. Chúng phát triển, tạo các tế bào máu cần thiết cho cơ thể. Thế nhưng, phương pháp này có nguy cơ gây tổn thương cơ quan nội tạng, tái phát ung thư.
Có thể thấy, các biện pháp điều trị ung thư nêu trên đều có những hạn chế nhất định. Bởi vậy, các nhà khoa học trên toàn thế giới vẫn luôn tìm tòi giải pháp mới, ít tác dụng phụ hơn cho người bệnh.
Dùng DNA nhân tạo diệt tế bào ung thư- Giải pháp đột phá từ Nhật Bản
Giữa tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển thành công phương pháp đột phá chống ung thư bằng cách sử dụng DNA nhân tạo.
Công trình do giáo sư Kunihiko Morihiro và Akimitsu Okamoto từ Trường Cao học Kỹ thuật tại Đại học Tokyo thực hiện, công bố trên Journal of the American Chemical Society (thuộc Hiệp hội Hóa học Mỹ).
Các nhà khoa học sử dụng DNA hình chiếc kẹp tóc (hairpin-shaped DNA) để tiêu diệt thành công tế bào ung thư vú, cổ tử cung ở người và ung thư hắc tố ở chuột.
DNA hình kẹp tóc (ảnh minh họa)
Thông thường, thuốc có nguồn gốc axit nucleic (DNA và RNA) không dùng để điều trị ung thư. Bởi nó tác dụng trên cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, giáo sư Morihiro, Okamoto và các đồng nghiệp đã tận dụng một đặc tính của tế bào ung thư là gia tăng sản xuất quá mức các thành phần tế bào, trong đó có phân tử microRNA (miR-21). Họ tạo ra các cặp DNA ly giải tế bào ung thư (oHPs) có thể gắn với miR-21 để hình thành chuỗi phân tử dài hơn. Chuỗi này kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, loại bỏ tế bào ung thư và ngăn ung thư phát triển lại.
Thông thường, các oHPs tự nhiên không tạo chuỗi dài do có cấu trúc hình kẹp tóc. Thế nhưng, oHPs nhân tạo này có chuỗi trình tự bổ sung đặc hiệu với miR-21, cho phép tạo chuỗi dài hơn.
Nhóm chuyên gia nhận định các thử nghiệm vẫn đang ở giai đoạn tiền lâm sàng, cần nhiều thời gian phân tích trước khi áp dụng trên người. Thế nhưng, đây vẫn là tin tốt đối với bác sĩ, giới nghiên cứu thuốc và bệnh nhân ung thư.
Trên đây là thông tin về đột phá mới của Nhật Bản dùng DNA nhân tạo diệt tế bào ung thư. Hy vọng trong tương lai, biện pháp này sẽ thành công, mang lại cơ hội mới cho người bệnh.
XEM THÊM: