Ung thư lưỡi: Nhận biết những dấu hiệu sau để tránh nhầm lẫn với nhiệt miệng

Cập nhập: Thứ tư, 29/03/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng và lưỡi. Ở những giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên thường bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn với nhiệt miệng dẫn tới điều trị không đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng. Chính vì vậy, nhận biết những dấu hiệu điển hình để phân biệt ung thư lưỡi và nhiệt miệng là điều cần thiết.

 

ung thư lưỡi

Những dấu hiệu nhận biết của ung thư lưỡi

 

Ung thư lưỡi: Định nghĩa và nguyên nhân

   Ung thư lưỡi là loại ung thư phát triển từ những tế bào vảy trên bề mặt của lưỡi, từ đó gây tổn thương và những vết loét không lành, dần dần hình thành khối u trên bề mặt lưỡi.

   Nguyên nhân gây ung thư lưỡi tới nay vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ được phát hiện là có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tăng lên như:

  • Nam giới trên 50 tuổi: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là ở những người có hút thuốc lá hoặc nghiện rượu thì nguy cơ mắc ung thư lưỡi cao gấp 15 lần so với người khác.
  • Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV - Human papilloma virus)
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư lưỡi
  • Những người đã từng bị ung thư trước đó, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô vảy ở vị trí khác như ung thư da.
  • Chế độ ăn: Các thực phẩm ăn vào đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm hoặc gia tăng nguy cơ mắc ung thư lưỡi. Cụ thể, những người có thói quen ăn ít hoa quả, rau xanh nhưng lại ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ là những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Thói quen ăn trầu, đặc biệt phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam bởi vôi tôi được sử dụng trong trầu có thể gây những tổn thương trên lưỡi.

 

Vôi tôi trong trầu cau

Vôi tôi trong trầu cau có thể dẫn tới ung thư lưỡi

 

  • Làm việc hoặc sinh sống trong các môi trường phơi nhiễm với amiang, acid sulfuric, formaldehyde.
  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư lưỡi.

 

Dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi

Giai đoạn đầu

   Triệu chứng của ung thư lưỡi trong giai đoạn này khá nghèo nàn, các triệu chứng không quá nghiêm trọng, người bệnh khó có thể phát hiện ra những điểm bất thường.

   Người bệnh có thể có các cảm giác như dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng đi qua nhanh. Lưỡi có thể nổi phồng lên một chút với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc lưỡi màu trắng hoặc có các tổn thương là vết loét nhỏ. Có khoảng 50% bệnh nhân có hạch ở dưới cằm, dưới hàm, cổ ở ngay giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát

   Bước sang giai đoạn này, các triệu chứng của ung thư lưỡi dần rõ ràng hơn.

  • Đau ở lưỡi: Mức độ đau tăng cao và xuất hiện liên tục, gây cản trở cho hoạt động nhai, nuốt và nói. Đặc biệt cảm giác đau trở nên dữ dội hơn khi người bệnh ăn thức ăn cay nóng. Đây chính là nguyên nhân gây sụt cân mất kiểm soát ở người bệnh ung thư lưỡi.
  • Tăng tiết nước bọt, máu chảy từ lưỡi nên đôi khi thấy có máu lẫn trong nước bọt.
  • Hơi thở có mùi hôi thối do các tế bào lưỡi đang chết dần và diễn ra quá trình phân hủy.
  • Một số trường hợp gây khít hàm, cố định hàm khiến người bệnh cảm thấy khó nói và nuốt.
  • Xuất hiện các vết loét trên bề mặt lưỡi, các vết loét này phát triển và lan rộng, tạo mủ và làm lưỡi hạn chế vận động.

Giai đoạn tiến triển

   Ở giai đoạn này, các vết loét chiếm ưu thế, loét sâu và lan rộng xuống bề mặt hoặc mặt dưới của lưỡi, gây đau đớn dữ dội, gây bội nhiễm, chảy máu trầm trọng. Người bệnh mệt mỏi, sút cân rất nhiều do hệ quả của việc khó ăn uống trong thời gian dài.

 

Phân biệt ung thư lưỡi và nhiệt miệng

   Có thể thấy ung thư lưỡi trong những giai đoạn đầu có nhiều triệu chứng khá tương đồng, khiến người bệnh nhầm lẫn với một số bệnh lý ở miệng, điển hình nhất là nhiệt miệng. Dưới đây là cách phân biệt ung thư lưỡi và nhiệt miệng mà bạn cần nắm rõ.

 

Tiêu chí

Nhiệt miệng

Ung thư lưỡi

Loại tổn thương

Các vết loét

Vết loét, u sùi nhưng vết loét chiếm ưu thế

Tính chất vị trí tổn thương

Bề mặt vết loét mềm mại

Xung quanh vết loét chai cứng

Mức độ đau

Vết loét gây sưng, đau nhức khó chịu nhưng mức độ đau vẫn có thể chịu được

Cơn đau tăng dần theo thời gian mắc bệnh từ thoáng qua tới dữ dội

Màu sắc

Màu trắng hoặc vàng ở giữa, viền vết loét màu đỏ

Màu đỏ, trắng hoặc vàng xen lẫn. Khi có hiện tượng hoại tử thì xuất hiện màu đen

Mùi

Không có mùi khó chịu

Có mùi hôi khó chịu

Chảy máu

Thường không chảy máu

Có chảy máu

Thời gian kéo dài bệnh

Thường khỏi sau 1-2 tuần

Bệnh không khỏi nếu không được can thiệp

         

   Nhìn chung triệu chứng giữa nhiệt miệng và ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu là khá giống nhau và gây nhầm lẫn. Sự khác biệt chỉ rõ hơn khi ung thư lưỡi đã tiến triển qua những giai đoạn nặng. Do đó, nếu bạn thấy vết loét ở lưỡi của bạn không giảm dần hoặc biến mất sau 1 - 2 tuần, hãy nghi ngờ đó là ung thư lưỡi và đi kiểm tra ngay.          

 

Ung thư lưỡi có điều trị được không?

   Ung thư lưỡi có thể điều trị được, tiên lượng của bệnh sẽ tốt hơn với những người phát hiện ra bệnh sớm. Tỷ lệ sống sau 5 năm được ước tính là 78% khi ung thư lưỡi chưa có di căn và 39% khi đã di căn.

   Để điều trị ung thư lưỡi, các biện pháp được áp dụng là những phương pháp cổ điển, bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ đáp ứng của người bệnh.  

   Căn cứ vào yếu tố nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc ung thư lưỡi, một số hành vi, lối sống có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

 

Bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc ung thư lưỡi

 

  • Tiêm phòng HPV
  • Bỏ nhai trầu
  • Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng các thành phần dinh dưỡng
  • Vệ sinh răng miệng tốt
  • Bảo vệ bản thân trước các yếu tố ô nhiễm trong môi trường sinh sống hoặc làm việc

   Trên đây là một số dấu hiệu đáng lưu ý giúp bạn nhận biết và phân biệt bệnh ung thư lưỡi và nhiệt miệng. Ung thư lưỡi hoàn toàn có thể điều trị tốt nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Hãy theo dõi chúng tôi để nắm thêm những thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề ung thư và các tình trạng sức khỏe khác. Cám ơn các bạn đã đón xem!

 

XEM THÊM:

Chủ đề: ung thư lưỡi

Bài viết cùng chủ đề

Bệnh ung thư lưỡi có lây không? Cách điều trị ra sao?

Ung thư lưỡi không lây lan và có thể điều trị triệt căn bằng cách phẫu thuật, xạ trị… nếu phát hiện sớm
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà