Bộ Y tế cho biết, đây là điểm mới trong dự thảo Luật Đấu thầu thuốc sửa đổi. Theo đó, các bệnh viện khi mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế có thể tự ý lựa chọn nhà thầu.
Dự thảo bệnh viện có thể tự quyết định mua thuốc không thuộc bảo hiểm y tế
Điểm mới đó nhằm giúp bác sĩ cũng như bệnh nhân được tiếp cận và lựa chọn nhiều hơn với những loại thuốc điều trị mới, nhất là với các nhóm bệnh nhân tự nguyện chi trả.
Dự thảo luật đấu thầu thuốc này đang được lấy ý kiến tại kỳ họp các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 22/5/2023.
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thuốc mới so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2022, chỉ 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trên tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ năm 2012 tới cuối năm 2021).
Ngoài ra, tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế Việt Nam chỉ là 11%, trong khi đối với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ đó trung bình hơn 27%.
Nếu dự thảo này được thông qua và triển khai, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người dân, giúp tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới cho người bệnh và phương pháp điều trị tiên tiến cho bác sĩ.
TS.BS Nguyễn Trọng Thế, Phó chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Việc đa dạng hóa lựa chọn thuốc cho chúng tôi sử dụng cũng vô cùng quan trọng vì cùng một bệnh thì có nhiều mức độ khác nhau, với những bệnh nhân nặng, nguy kịch, sẽ được ưu tiên sử dụng thuốc có hiệu quả ngay tức thì”.
“Giá trần thuốc”- Nút thắt gây thiếu thuốc cũng đã được gỡ bỏ
Đầu tháng 3 năm nay, Bộ Y tế cũng đã bãi bỏ quy định khi đấu thầu thuốc "giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất trước đó" (giá trần) - tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tình trạng đang thiếu thuốc trầm trọng.
Thông tư được đưa ra trong bối cảnh các bệnh viện "kêu cứu" thiếu thốn thuốc, vật tư y tế do gặp khó trong mua sắm, đấu thầu.
Với thông tư mới, Bộ Y tế sửa đổi quy định về giá gói thầu. Theo đó, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị chỉ cần tham khảo giá thuốc trúng thầu của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang thông tin của Bộ Y tế.
Ngoài ra, đối với trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá, người đứng đầu đơn vị căn cứ vào ít nhất một báo giá, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai.
Như vậy, với quy định mới, từ ngày 26/4/2023, các bệnh viện chỉ cần tham khảo một, hoặc tối đa ba báo giá của các nhà cung cấp khác chứ không bắt buộc tuân theo nguyên tắc giá trúng thầu cao nhất từng công bố trước đó.
Còn PGS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng các quy định mới đã giải quyết được những vấn đề cấp bách của bệnh viện trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Từ đầu năm 2023, nhiều bệnh viện gặp khủng hoảng vì vướng mắc quy định mua sắm vật tư, cơ sở y tế đầu ngành ngoại khoa như bệnh viện Việt Đức phải hạn chế phẫu thuật, các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đến nơi khác để xét nghiệm, chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh.
"Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa Luật Giá, Luật Đấu thầu. Nếu không đồng bộ được tất cả văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói khi hướng dẫn sở y tế, bệnh viện, doanh nghiệp trên cả nước, triển khai các nghị định, nghị quyết tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ.
Các chuyên gia cho rằng, các luật được đồng bộ, có thể tháo gỡ từng bước nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc mới, biệt dược gốc của bác sĩ, người bệnh. Khi đó, ngành y tế sẽ giữ chân được người bệnh điều trị trong nước, ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ từ dòng người bệnh sang nước khác chữa trị.
XEM THÊM:
- Thủng dạ dày vì uống bài thuốc “gia truyền” chữa xương khớp
- Suýt chết vì lạm dụng thuốc An cung phòng đột quỵ - Bác sĩ cảnh báo