Sáng 14-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su, kem đánh răng, thuốc ho... là chất có thể gây ung thư dù chấp nhận được ở mức tiêu thụ hạn chế.
Aspartame được sử dụng trong các sản phẩm như nước ngọt dành cho người ăn kiêng
IARC - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO, nhận định chất tạo ngọt aspartame trong các loại nước ngọt ăn kiêng và kẹo cao su có thể gây ung thư. Động thái này có thể tác động lớn tới ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Theo một nghiên cứu vào năm 2022 của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ trên gần 103.000 người trưởng thành, cho thấy người tiêu thụ lượng aspartame lớn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn khoảng 1,15 lần, đặc biệt là ung thư vú và các bệnh ung thư liên quan đến béo phì.
Trong thông báo gửi đi, IARC cũng trấn an rằng lượng tiêu thụ aspartame “có thể chấp nhận được” là 40 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể người dùng. Tương đương với việc một người trưởng thành phải uống đến 9-14 lon nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày, nếu như họ không dùng thêm bất cứ thực phẩm chứa aspartame nào khác.
Vào năm 2000, một phân tích của Viện Ramazzini ở Italy, cho thấy chuột nhắt và chuột cống có thể bị ung thư nếu ăn aspartame.
Hiện Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa đưa ra ý kiến về vấn đề này. FDA vẫn khẳng định aspartame là chất tạo ngọt an toàn.
Giáo sư Lawrence Young, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Đại học Warwick, Anh, cho rằng mối liên hệ giữa việc tiêu thụ aspartame với ung thư còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo mọi người không nên nạp vào cơ thể quá nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, nhất là khi đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn đang ngày càng phổ biến vì giá thành và mức độ tiện lợi.
Aspartame được sử dụng rộng rãi từ những năm 1980 như một chất tạo ngọt cho thực phẩm cũng như trong các loại thức uống giải khát có gas dành cho người ăn kiêng, trong kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng và cả thuốc ho.
Còn nhiều tranh cãi xoay quanh aspartame
Phán quyết này của IARC có thể làm bùng nổ một làn sóng tranh cãi bởi việc đưa chất aspartame vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư có thể khiến người tiêu dùng lo ngại.
Trước đây, từng có một số chất phụ gia khác được đưa vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư khiến người tiêu dùng tẩy chay, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thực phẩm và buộc họ phải thay đổi công thức chế biến hoặc sử dụng các chất thay thế khác.
Hiệp hội chất tạo ngọt quốc tế (ISA) bao gồm những tên tuổi lớn như PepsiCo cho biết họ có “quan ngại sâu sắc về suy đoán vội vàng của IARC”.
“IARC không phải cơ quan an toàn thực phẩm. Chúng ta cần có một nghiên cứu cụ thể và có tính chính xác hơn. Chất Aspartame hiện là một trong những thành phần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất lịch sử với hơn 90 cơ quan an toàn thực phẩm trên toàn cầu chứng nhận độ an toàn”.
Đồng quan điểm, Hội đồng đồ uống giải khát quốc tế (ICBA), hiệp hội thương mại ngành đồ uống không cồn, cũng lên án báo cáo của IARC vì cho rằng điều này có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm, qua đó tiêu thụ các sản phẩm nhiều đường hơn là những món ít đường dùng Aspartame.
Tạp chí Fortune cho biết tuyên bố của WHO là đòn mới nhất từ tổ chức này đến các sản phẩm tạo ngọt nhân tạo. Vào tháng trước, chính WHO đã khuyến cáo người dùng ngừng sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo cho việc kiểm soát cân nặng vì nó chẳng có hiệu quả giảm cân. Tuy nhiên hướng dẫn này không chỉ ra bất kỳ rủi ro sức khỏe nào có thể xảy ra nếu người tiêu dùng sử dụng Aspartame.
Do đó, vấn đề chất tạo ngọt Aspartame có thực sự gây ung thư hay không vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu và chứng minh.
XEM THÊM:
- Nghiên cứu mới: Vệ sinh răng miệng tốt làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ
- Sắp có thêm thuốc trị béo phì hiệu quả cao nhất từ trước đến nay