Theo BS. CK I Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho hay: “Sai lầm của nhiều chị em điều trị vô sinh, hiếm muộn là đều muốn đặt được nhiều phôi để tăng tỉ lệ thụ thai. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả thai phụ và thai nhi”.
Bác sĩ tư vấn một trường hợp hiếm muộn đến khám tại Bệnh viện Bưu Điện
“Năn nỉ” bác sĩ đặt đa phôi - Sai lầm thường gặp trong điều trị vô sinh, hiếm muộn
Tại buổi tư vấn vô sinh, hiếm muộn năm 2023 mới được tổ chức tại Bệnh viện Bưu Điện với chủ đề “Chẩn đoán di truyền và hỗ trợ sinh sản: Kiến tạo những phép màu”. BS.CK I Nguyễn Thị Nhã cho biết, trong điều trị vô sinh, 40% là nguyên nhân từ nam giới, 40% từ nữ giới và 20% không rõ nguyên nhân.
Cũng theo bác sĩ Nhã, ngày nay các kĩ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn ngày càng tiến bộ. Tại bệnh viện, tỉ lệ IVF thành công ngày càng tăng lên.
"Năm 2017, tỉ lệ thành công là 50%, năm 2022, tỉ lệ thành công là 68% trên số chu kỳ chuyển thai. Biến chứng đa thai giờ kiểm soát tốt, đến nay, tỷ lệ đa thai đã giảm xuống, từ 30% ở năm 2017 xuống còn 7,6% năm 2022, đạt ngưỡng tiêu chuẩn của thế giới", BS Nhã nói.
Cũng tại buổi tư vấn, bác sĩ Nhã có chia sẻ về tâm lý chung của chị em khi điều trị vô sinh, hiếm muộn đều muốn đặt đa phôi.
"Nhân sự kiện này, với hàng trăm bệnh nhân hiếm muộn có mặt ở đây, tôi muốn nhắn nhủ chị em, đừng "đòi" bác sĩ chuyển đa phôi. Hiện tại, kỹ thuật nuôi phôi tốt, chuyển một phôi 5 ngày tuổi, tỷ lệ có thai trung bình là 68% đến 85% tùy vào độ tuổi.
Trong khi đó, nếu chuyển đa phôi, 2 phôi, 3 phôi, tình trạng đa thai đi kèm nhiều biến chứng như đẻ non, nhiễm độc thai nghén, tiểu đường thai kỳ, nguy cơ cho người mẹ, em bé nhiều", BS Nhã nhắn nhủ.
Theo bác sĩ, đây là lý do bác sĩ luôn tư vấn, chỉ định đặt 1 phôi để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Đẩy mạnh kĩ thuật phát hiện bệnh lý di truyền
Có nhiều biện pháp để điều trị vô sinh, hiếm muộn
Bác sĩ Nhã cho biết, hiện nay bên cạnh các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại thì các kĩ thuật phát hiện bệnh lý di truyền cũng được đẩy mạnh.
Hơn 30 nhóm bệnh lý di truyền ở người bệnh như: Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), máu khó đông (Hemophilia), loạn dưỡng cơ Duchenne, teo cơ tủy, loạn dưỡng cơ bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, mù bẩm sinh, điếc bẩm sinh… có thể được phát hiện.
Nhờ sự kết hợp giữa kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và chẩn đoán di truyền, đến thời điểm này, bệnh viện đã sàng lọc giúp cho gần 240 cặp vợ chồng mang gen bệnh lý di truyền có con chào đời khỏe mạnh, không mang gen bệnh.
BS Nhã cũng khuyến cáo các bạn trẻ trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng trước khi có con nên khám sàng lọc một số bệnh lý di truyền để đảm bảo không sinh ra con mang các gen bệnh nguy hiểm.
XEM THÊM: