Công nghệ tế bào gốc đã được ứng dụng rất nhiều trong y học, giúp điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, trong đó có cả ung thư. Thậm chí, hiện nay, nó còn được sử dụng trong việc làm đẹp. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, con người vẫn chưa thể khám phá hết tiềm năng phát triển của công nghệ tế bào gốc. Vậy, bạn đã biết được những gì về công nghệ này?
Tế bào gốc - Bạn biết gì về công nghệ này?
Tế bào gốc là gì?
Trong cơ thể mỗi chúng ta có đến 200 loại tế bào khác nhau. Mỗi loại trong số đó đều thực hiện một chức năng nhất định. Ví dụ, tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy, và lấy CO2 để đào thải ra ngoài; tế bào thần kinh đảm nhận vai trò dẫn truyền các xung thần kinh; tế bào bạch cầu giúp tiêu diệt virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể,...
Tuy nhiên, tế bào gốc khác biệt hoàn toàn với những tế bào kể trên. Chúng là những tế bào chưa đảm nhận bất kỳ chức năng nào. Đặc biệt hơn, chúng còn có thể tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào khác trong cơ thể.
Do đó, nó có thể được sử dụng để thay thế cho các tế bào bị mất, hoặc hư hỏng mà cơ thể không thay thế được một cách tự nhiên. Cũng chính vì thế, tế bào gốc đã trở thành phương pháp để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó, có cả những bệnh trước đây tưởng chừng như không thể chữa được, tiêu biểu như ung thư, ...
Có bao nhiêu loại tế bào gốc?
Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều loại tế bào gốc với tiềm năng biệt hóa khác nhau. Để thuận tiện, các tế bào gốc được phân chia thành 4 nhóm sau:
-
Tế bào gốc phôi
Đây là những tế bào được hình thành sau khi trứng được thụ tinh cho đến giai đoạn nguyên bào phôi. Tế bào gốc phôi chỉ có thể thu được chậm nhất là 7 ngày sau khi thụ tinh. Những tế bào này có khả năng biệt hóa trở thành mọi tế bào khác, giúp đổi mới, sửa chữa cấu trúc cho các cơ quan, bộ phận bị tổn thương. Do đó, chúng còn được gọi là tế bào gốc toàn năng.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu và sử dụng loại tế bào này bị hạn chế vì lý do đạo đức. Việc lấy tế bào gốc này sẽ giết chết phôi, vốn có thể phát triển thành cơ thể hoàn chỉnh. Các tế bào gốc phôi sử dụng trong nghiên cứu được lấy từ việc thụ tinh trong ống nghiệm và cần được người hiến tặng đồng ý.
-
Tế bào gốc nhũ nhi
Đây chính là loại tế bào gốc được thu thập và lưu trữ phổ biến nhất trong thời điểm hiện tại. Tế bào gốc nhũ nhi được lấy từ nhau thai, dây rốn, máu dây rốn,… Loại tế bào gốc này được đánh giá cao vì có khả năng tăng sinh và biệt hóa thành bất cứ tế bào nào của cơ thể. Tuy nhiên, chúng không thể hình thành một cơ thể hoàn chỉnh.
Tế bào gốc nhũ nhi có thể được lấy từ cuống rốn và nhau thai
-
Tế bào gốc trưởng thành
Đây là tế bào gốc được tìm thấy trong các mô và cơ quan của người trưởng thành, như tủy xương, máu ngoại vi, mạch máu, mô mỡ, tủy răng sữa, ruột, tinh hoàn,… Các loại tế bào gốc trưởng thành được nghiên cứu và ứng dụng nhiều nhất hiện nay là tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô.
-
Tế bào gốc đa năng cảm ứng
Khác với các tế bào trên, tế bào gốc đa năng cảm ứng được tạo ra một cách nhân tạo. Những tế bào này được tạo thành bằng cách tái lập trình từ nguyên bào sợi hoặc một số loại tế bào sinh dưỡng để tạo thành các tế bào có các đặc tính giống như tế bào gốc.
Tế bào gốc đa năng cảm ứng có cách hoạt động gần tương tự với tế bào gốc phôi và được tạo ra từ chính bệnh nhân, có thể được sử dụng đồng loài. Những tế bào gốc đa năng cảm ứng dễ dàng được phát triển với số lượng lớn và dễ dùng hơn so với tế bào gốc trưởng thành.
Tế bào gốc được sử dụng như thế nào?
Hiện nay, công nghệ tế bào gốc được ứng dụng nhiều nhất trong y học, giúp tìm hiểu cơ chế bệnh lý, điều trị bệnh và thử nghiệm, phát triển các loại thuốc khác nhau. Có đến 80 căn bệnh khác nhau đã được nghiên cứu và tiến hành chữa trị bằng tế bào gốc. Các bệnh lý này có thể kể đến như:
-
Tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống
Khi tế bào gốc được tiêm trực tiếp vào cơ thể, chúng sẽ biệt hóa để thay thế cho các tế bào thần kinh bị tổn thương, và giúp điều chỉnh những phản ứng của hệ miễn dịch. Nhờ đó, người bệnh lấy lại được cảm giác ở các chi, cơ quan; kiểm soát được cơ; phục hồi chức năng vận động, bàng quang, ruột; giảm đau thần kinh,...
-
Tế bào gốc điều trị ung thư máu
Ghép tế bào gốc tạo máu có thể điều trị các bệnh máu như: Đa u tủy xương, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, lơ-xê-mi cấp tiền tủy bào,... Sau khi được cấy ghép tế bào gốc, tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm đã lên tới 50 - 60%, trong khi điều trị đơn thuần chỉ đạt được 20 - 30%.
-
Tế bào gốc điều trị Alzheimer
Alzheimer là hội chứng suy giảm trí nhớ, khiến người bệnh mất dần khả năng hoạt động, tư duy, nhận thức, ngôn ngữ,... Đặc trưng của căn bệnh này là sự chết hàng loạt của các tế bào thần kinh do sự xuất hiện của các mảng bám amyloid beta. Trên mô hình thí nghiệm, các tế bào gốc trung mô sau khi được cấy ghép đã giúp làm giảm stress oxy hóa, làm giảm tích tụ amyloid beta tại vỏ não và hồi hải mã.
Các mảng amyloid beta tích tụ làm phá hủy tế bào thần kinh
-
Tế bào gốc điều trị tiểu đường
Công nghệ tế bào gốc đã được nghiên cứu và ứng dụng trong việc điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Cơ chế chính trong tiểu đường type 1 là sự thiếu hụt insulin do tuyến tụy bị phá hủy bởi chính hệ miễn dịch của người bệnh.
Còn với tiểu đường type 2, nguyên nhân là do đề kháng insulin, dẫn đến tuyến tụy phải hoạt động nhiều hơn, cuối cùng là suy kiệt và giảm sản xuất insulin. Trong đó, cytokines, TNF-α, IL-1β được sản xuất bởi đại thực bào được xem như là yếu tố khởi động quá trình viêm và làm tăng đề kháng insulin.
Tế bào gốc trung mô có khả năng biệt hóa thành các tế bào nội tiết trong tụy, giúp khôi phục khả năng sản xuất insulin. Nó cũng giúp thúc đẩy sự tái tạo và bảo vệ các tế bào beta thông qua việc điều hòa miễn dịch, giảm sự đề kháng insulin.
-
Tế bào gốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
Các thử nghiệm lâm sàng trên hàng ngàn người bệnh COPD sử dụng tế bào gốc trung mô đã cho kết quả khả quan. Một thử nghiệm trên 5 bệnh nhân COPD tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, chỉ số FEV1/FVC (đánh giá độ tắc nghẽn trong phổi), thang điểm SGRQ (đánh giá triệu chứng hô hấp) và quãng đường đi bộ đã được cải thiện.
Nghiên cứu khác kết hợp phương pháp phẫu thuật giảm thể tích phổi và ghép tế bào gốc trung mô tiến hành tại Hà Lan trên 7 người tình nguyện bị phế khí phế thũng nặng. Kết quả cho thấy, chỉ số FEV1 tăng hơn 320ml so với trước khi điều trị. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho thấy, sau khi điều trị bằng tế bào gốc trung mô, chỉ số CRP (chỉ số xác định tình trạng viêm) trên các bệnh nhân COPD giảm đáng kể.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp quý độc giả có thêm nhiều thông tin hữu ích về những ứng dụng của tế bào gốc. Tuy nhiên, ứng dụng để điều trị tiểu đường, COPD của công nghệ này vẫn còn đang được nghiên cứu. Nếu bạn cần được tư vấn về cách kiểm soát những bệnh lý này, hãy liên hệ tới tổng đài miễn cước 1800.1044 trong giờ hành chính nhé!
XEM THÊM: