Không chỉ là một loại rau xanh được thêm vào bữa ăn hàng ngày như một gia vị thiết yếu của người Việt mà tía tô thực sự đã được nền y học cổ truyền sử dụng từ lâu đời bởi những lợi ích vượt trội của nó với sức khỏe. Vậy dưới góc nhìn của y học hiện đại, những lợi ích đó cụ thể là gì?
Tía tô có những lợi ích gì với sức khỏe?
6 lợi ích của tía tô với sức khỏe
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, tía tô là một loại thảo dược có vị cay, tính ấm, quy về kinh tỳ và phế. Tác dụng phổ biến nhất của tía tô bao gồm: phát tán phong hàn, hóa đàm, chỉ ho, bình suyễn, lợi tiêu hóa…
Dưới sự soi sáng của nền Y học hiện đại, các công dụng của tía tô đã được làm sáng tỏ. Theo đó, tía tô có tới 6 lợi ích với sức khỏe, bao gồm nhiều lợi ích nằm ngoài hệ hô hấp và tiêu hóa. Cụ thể, 6 lợi ích đó bao gồm:
Tía tô chống lại các tác nhân gây bệnh đường hô hấp
Lá tía tô hoặc dầu tía tô có tác dụng ức chế sự co thắt bất thường của niêm mạc đường hô hấp sau khi tiếp xúc với những tác nhân lạ từ môi trường như: khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật…
Đồng thời, dầu tía tô còn ức chế sự di chuyển của tế bào bạch cầu vào sâu trong phế nang, qua đó ngăn ngừa nguy cơ sốc phản vệ - đây là một đáp ứng miễn dịch bất thường, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, tía tô rất tốt trong những bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là hen phế quản.
Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây còn chứng minh dịch chiết từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của nhiều loại virus đường hô hấp, đặc biệt bao gồm cả virus SARS-CoV-2.
Tía tô chống lại những tổn thương lên hệ thống thần kinh
Alzheimer là một trong những bệnh lý phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ do tuổi tác. Nguyên nhân hàng đầu gây nên Alzheimer được xác định là sự hình thành các mảng beta-amyloid trong não. Đây là một yếu tố viêm gây hủy hoại các tế bào thần kinh, chúng bắt đầu xuất hiện ngay từ khi người bệnh còn trẻ tuổi. Sau mỗi năm, lượng beta-amyloid sản sinh ra càng ngày càng nhiều và bám thành từng mảng, tới khi vượt qua một ngưỡng nhất định nào đó, các triệu chứng của bệnh mới bắt đầu xuất hiện.
Trong khi đó, dầu hạt tía tô rất giàu một loại acid béo tốt là omega-3. Loại acid béo này có tác dụng chống oxy hóa, dọn dẹp các tác nhân gây viêm là beta-amyloid. Chính vì vậy mà tía tô rất tốt cho những trường hợp bệnh nhân mắc Alzheimer, hoặc những người trẻ có thói quen sử dụng tía tô như một loại gia vị trong bữa ăn hàng ngày thì nguy cơ phát triển bệnh lý này sẽ thấp và tới muộn hơn người khác.
Tía tô giúp hạ acid uric máu
Những hoạt chất trong lá tía tô có khả năng ức chế hoạt động của enzym xanthin oxidase - đây là loại enzyme thúc đẩy quá trình chuyển hóa nhân purin từ thực phẩm thành acid uric. Nhờ vậy mà tía tô có khả năng hạ acid uric, giúp người bệnh gút kiểm soát hiệu quả căn bệnh của mình.
Tía tô giúp hạ acid uric, giảm đau, giảm viêm
Ngoài ra, tía tô cũng chứa một hoạt chất tên là lutein có tác dụng giảm đau, giảm viêm nên cũng sẽ góp phần giảm nhẹ triệu chứng của người bệnh trong những cơn gút cấp.
Tía tô có tác dụng phòng ung thư
Tác dụng này của tía tô tới từ các hoạt chất luteolin, triterpen và acid rosmarinic có trong dịch chiết của nó. Những thành phần này có đặc tính chống oxy hóa, chống lại các tác nhân gây viêm trong cơ thể. Phản ứng viêm kéo dài chính là yếu tố gây tổn thương tế bào, khiến các tế bào lành tính trong cơ thể bị biến đổi và phát triển thành tế bào ung thư.
Tía tô giúp ổn định hệ tiêu hóa
Lá tía tô có nhiều flavonoid, nhóm hợp chất này giúp giảm viêm trong dạ dày, làm dịu các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, buồn nôn, đau… ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày.
Ngoài ra, lượng chất xơ lớn từ lá tía tô cũng giúp giảm nhẹ triệu chứng táo bón trong các bệnh lý viêm đại tràng mãn tính hoặc hội chứng ruột kích thích.
Tía tô giúp ổn định các bệnh lý tự miễn
Hiện nay, phương pháp điều trị cho các bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến…) vẫn còn khá hạn chế, chủ yếu là các loại thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch như corticoid.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, có một số vitamin và hợp chất từ thiên nhiên có thể rất hữu ích trong việc ngăn ngừa sự phát triển của những bệnh lý tự miễn này.
Cụ thể, một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Bệnh viện Brigham and Women, Hoa Kỳ đã đánh giá hiệu quả của vitamin D và omega-3 với các bệnh lý tự miễn. Theo đó, những người được bổ sung đầy đủ vitamin D hoặc omega-3 có tỷ lệ phát triển bệnh tự miễn thấp hơn đáng kể so với những người không được bổ sung đủ một trong hai hoạt chất này.
Bên cạnh các loại cá béo hoặc dầu cá vốn đã được biết là rất giàu omega-3 thì dầu hạt tía tô cũng có hàm lượng acid béo này vượt trội hơn cả so với những loại dầu thực vật khác.
Dầu hạt tía tô giàu omega-3
Những bài thuốc đơn giản từ cây tía tô
Dưới đây là một số bài thuốc từ tía tô đã được y học cổ truyền sử dụng với từng tình trạng bệnh lý cụ thể:
- Bài thuốc giải cảm: Một nắm tía tô tươi, 3 lát gừng, 2 củ hành. Tất cả thái lát nhỏ cho vào bát, đập thêm 1 quả trứng gà rồi trộn với cháo, ăn nóng.
- Bài thuốc giảm ho, long đờm: Lá tía tô (15g), gừng khô (3g) sắc uống mỗi ngày.
- Bài thuốc chữa đầy hơi, đau bụng: Lá tía tô tươi giã nát, lọc lấy nước uống hoặc sắc lấy nước uống từ lá tía tô khô.
Hoặc đơn giản nhất, bạn có thể thêm lá tía tô vào một số món ăn thường ngày như một loại rau thơm để nhận được những lợi ích từ loại cây này tới sức khỏe.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích về những lợi ích tới sức khỏe của tía tô, một loại dược liệu có sẵn trong tự nhiên mà lại rất rẻ tiền. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Giá trị dinh dưỡng và lợi ích với sức khỏe đến từ hạt macca
- Chuyên gia giải đáp: Dầu ăn hay mỡ động vật tốt hơn?