Những lợi ích của kim chi đối với sức khỏe

Cập nhập: Thứ tư, 02/08/2023

 

   Kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam từ lâu. Với vị mặn, chua, cay lạ miệng, nó ngày càng phổ biến trong các bữa ăn của người Việt. Không chỉ ngon miệng, kim chi còn mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe.

 

Những lợi ích của kim chi đối với sức khỏe là gì?

Những lợi ích của kim chi đối với sức khỏe là gì?

 

Những lợi ích của kim chi đối với sức khỏe

   Kim chi là món ăn được tạo ra từ quá trình lên men của vi khuẩn với các loại rau củ như cải thảo, củ cải, hành lá… Sau khi rửa sạch rồi ngâm qua muối, các nguyên liệu trên sẽ được kết hợp với một số loại gia vị như muối, đường, tỏi, ớt, gừng và ủ lên men.

   Trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, kim chi là một phần không thể thiếu vì nó giúp cân bằng vị giác, giảm ngấy và còn rất nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.

   Tổng hợp những lợi ích của kim chi đối với sức khỏe bao gồm:

Kim chi là nguồn dinh dưỡng đa dạng

   Thành phần chính tạo nên món kim chi là cải thảo. Ngoài ra còn có các loại rau khác như cà rốt, củ cải, hành tây…

   Trong đó, cải thảo là nguồn dinh dưỡng dồi dào, cung cấp ít nhất 10 khoáng chất khác nhau và hơn 34 loại axit amin. Đặc biệt, loại rau này chứa một lượng lớn vitamin A và C rất tốt cho cơ thể.

   Trung bình, 150g kim chi sẽ bổ sung cho cơ thể khoảng: 2g chất xơ, 2g chất đạm, 55% nhu cầu vitamin K/ngày, 24% nhu cầu riboflavin/ngày…

   Vitamin K có vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương (giữ cho xương không bị giòn) và quá trình đông máu. Còn riboflavin giúp điều chỉnh quá trình sản xuất năng lượng, tăng trưởng tế bào và trao đổi chất.

   Mặt khác, quá trình lên men trong kim chi còn giúp các chất dinh dưỡng dễ hấp thụ hơn.

Bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa

   Kim chi được tạo ra từ quá trình lên men của vi khuẩn Lactobacillus. Nó phân hủy đường thành axit lactic tạo vị chua đặc trưng cho món ăn này. Thêm nữa, quá trình lên men còn là môi trường tốt cho các vi khuẩn có lợi khác phát triển.

 

Kim chi giúp bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa

Kim chi giúp bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa

 

   Do đó, khi ăn kim chi mỗi ngày, hệ tiêu hóa của bạn sẽ được cung cấp một lượng lợi khuẩn dồi dào. Chúng tăng tiết enzyme hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, phân hủy độc tố, ức chế sự phát triển của hại khuẩn, bảo vệ đường ruột. 

   Việc duy trì hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.

Quản lý lượng đường trong máu

   Theo một nghiên cứu nhỏ trên những người bị tiền tiểu đường, họ được chỉ định ăn chế độ bổ sung kim chi lên men trong tối thiểu 8 tuần. Kết quả cho thấy, khả năng dung nạp glucose của những đối tượng này tốt hơn.

   Điều này có nghĩa là người bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường có thể bổ sung kim chi vào thực đơn ăn uống hằng ngày.

Tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm viêm

   Các vi khuẩn Lactobacillus và lượng vitamin C trong kim chi giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch, giảm viêm cho cơ thể. Ngoài ra, thành phần vitamin C còn giữ cho thành mạch máu vững chắc, tốt cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch, tiểu đường.

Cải thiện cholesterol

   Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ các thanh niên ở Hàn Quốc cho thấy, những người ăn dưới 64g kim chi/ngày trong suốt một tuần đã cải thiện đáng kể mức cholesterol.

   Điều thú vị là nhóm ăn kim chi ít (chỉ 2 miếng mỗi bữa) cũng có thể giảm lượng cholesterol xấu (LDL) xuống. Theo đó, món ăn này vừa tốt cho sức khỏe tim mạch, lại vừa hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

 

Làm kim chi bằng cách nào?

Làm kim chi bằng cách nào?

 

Công thức làm kim chi ngon tại nhà

   Để làm món kim chi ngon tại nhà, bạn cần:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 2kg cải thảo, 1kg củ cải, 30gr bột gạo nếp, 100gr ớt bột Hàn Quốc (ớt bột Hàn Quốc sẽ có màu đỏ đẹp mắt hơn), rau củ thêm (gừng, tỏi, hành tây, cà rốt, hành lá/hẹ), gia vị (mắm, đường, muối).
  • Chuẩn bị dụng cụ: Găng tay nilon, hũ đựng bằng thủy tinh hoặc hộp nhựa lớn có nắp.

   Các bước thực hiện kim chi:

   Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Cải thảo bổ làm 4, rửa sạch từng kẽ lá, để ráo nước rồi rắc muối phủ đều và để một chỗ riêng khoảng 4-6h. Sau khi cải thảo héo bớt, bạn đem ra rửa lại với 2-3 lần nước cho trôi hết muối, nên rửa kỹ để tránh cải thảo muối lên bị mặn rồi để ráo nước.
  • Củ cải nạo vỏ, rửa sạch, thái sợi dài to vừa phải hoặc bổ ngang củ cải làm 2-3 lần, bổ dọc thành miếng vừa ăn; cho 2-3 thìa muối hạt vào trộn đều rồi để đó khoảng 3-4 giờ cho củ cải héo bớt; sau đó, bạn lại đem rửa sạch như các bước làm cải thảo.
  • Tỏi, hành tây, gừng rửa sạch, bỏ vỏ, thái miếng và cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
  • Hành lá/ hẹ rửa sạch, cắt khúc dài khoảng 3-5cm.

   Bước 2: Đun bột gạo

   Bạn cho bột gạo nếp vào nồi cùng với 400ml nước lọc nguội khuấy đều đến khi tan hoàn toàn. Sau đó, đặt nồi lên bếp ga đun cho đến khi hỗn hợp đặc lại, có màu trong suốt thì tắt bếp, để nguội. Lưu ý: khuấy tan bột trước khi đun để bột không bị vón, trong quá trình đun phải khuấy liên tục để không bị cháy khét.

 

Bột gạo làm kim chi

Bột gạo làm kim chi

 

   Bước 3: Trộn đều hỗn hợp bột gạo, bột ớt và gia vị

   Khi bột nếp nguội, bạn cho hỗn hợp xay nhuyễn các loại rau gia vị bên trên, bột ớt, hành lá/hẹ vào đảo đều; thêm mắm, đường, muối nêm cho vừa miệng.

   Bước 4: Muối kim chi cải thảo

   Bạn đeo găng tay nilon, chà sát đều hỗn hợp trên vào từng kẽ lá, đặc biệt là phần gốc của cải thảo. Sau đó, bạn tiếp tục trộn củ cải với hỗn hợp gia vị rồi xếp xen kẽ cải thảo với củ cải vào hũ thủy tinh/hộp nhựa.

   Khi ướp xong, bạn đậy kín nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát trong 2-3 ngày là có thể thưởng thức. Phần kim chi chưa ăn đến, bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

   Thành phẩm: Kim chi có màu đỏ đẹp mắt, chua cay vừa phải, cải thảo và củ cải giữ được độ dai giòn vừa miệng. Bạn có thể dùng để ăn kèm với cơm, các món nướng, nấu canh hay làm lẩu kim chi…

 

Một số lưu ý khi ăn kim chi

   Kim chi có thể là món ăn hữu ích cho nhiều người nhưng thành phần của kim chi cũng chứa ớt và gừng. Vì vậy, những người mắc bệnh trào ngược dạ dày hoặc có hệ tiêu hóa quá nhạy cảm không nên tiêu thụ nhóm thực phẩm này để tránh làm triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.

   Kim chi cũng chứa lượng muối lớn nên những người mắc bệnh huyết áp cao cần giữ khẩu phần kim chi ở mức hợp lý để giúp kiểm soát lượng natri hằng ngày.

   Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã nắm được các lợi ích tuyệt vời của kim chi với sức khỏe. Để đạt được những lợi ích đó, bạn nên tự làm món ăn này hoặc mua ở địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

 

XEM THÊM:

Chủ đề: kim chi
Ý kiến bạn đọc

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844