Giúp tỉnh táo, tập trung, giá thành hợp lý mà lại vô cùng tiện dụng là những ưu điểm vượt trội của cà phê hòa tan, đặc biệt là với những người có quỹ thời gian không mấy dư giả để có thể tự pha hay mua một cốc cà phê truyền thống. Tuy nhiên với mỗi gói cà phê, đồng nghĩa với việc bạn đang nạp vào cơ thể một lượng đường nhất định, và điều này có thể sẽ không tốt cho sức khỏe.
Bạn đã nạp vào cơ thể bao nhiêu đường với mỗi gói cà phê?
Mỗi gói cà phê cung cấp bao nhiêu đường?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cà phê gói hay cà phê hòa tan là những sản phẩm có chứa lượng đường cao. Nếu lạm dụng cà phê thường xuyên có thể gây những tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Lượng đường có trong mỗi gói cà phê là không giống nhau giữa các thương hiệu bởi họ có những công thức riêng biệt nhằm tạo nên hương vị đặc trưng cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết lượng đường trong mỗi gói cà phê mà mình tiêu thụ dựa vào thông tin có trên bao bì của sản phẩm.
Thành phần dinh dưỡng trong 1 gói cà phê
Hãy cùng lấy ví dụ về một sản phẩm cà phê trên thị trường có hàm lượng dinh dưỡng được công bố như ảnh. Mỗi gói cà phê này có khối lượng 20g, cung cấp 88 kcal năng lượng, trong đó hàm lượng đường được công bố là 13,1g.
Như vậy có nghĩa là với mỗi gói cà phê này, bạn đã đưa vào cơ thể tới 13,1g đường. Đây là một lượng đường không lớn đối với nhu cầu cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong chế độ ăn hàng ngày, chúng ta còn dung nạp rất nhiều đường từ những thực phẩm khác như cơm, mỳ, ngô, bánh ngọt, nước ngọt… Điều này có thể sẽ dẫn tới dư thừa lượng đường trong máu, từ đó sinh ra rất nhiều bệnh tật.
Nhu cầu năng lượng của cơ thể mỗi ngày
Đối với một người bình thường, nhu cầu năng lượng mỗi ngày rơi vào khoảng 2000 kcal, trong đó 60% sẽ tới từ glucid (chất đường, tinh bột), 15% protein (chất đạm) và 25% lipid (chất béo). 1g chất bột đường cung cấp 4 kcal năng lượng, do đó có thể dễ dàng tính toán được lượng chất bột đường mà cơ thể cần mỗi ngày là (2000 x 0,6)/4 = 300g.
Như vậy, với mỗi gói cà phê khối lượng 20g (13,1g đường) như ở ví dụ trên, bạn đã cung cấp tới 4,4% tổng nhu cầu glucid của cơ thể. Chưa kể tới những trường hợp có thể uống tới 2-3 gói cà phê mỗi ngày thì rõ ràng là bạn đã đưa quá nhiều đường vào cơ thể.
Nếu uống quá nhiều cà phê hòa tan lâu ngày sẽ dẫn tới một số vấn đề về sức khỏe như làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì…
Không những gây ảnh hưởng tới lượng đường trong máu, cà phê với hàm lượng cafein cao còn gây một số tác dụng phụ khi uống quá nhiều như:
- Cảm giác hồi hộp, lo lắng: cafein làm tăng sự tỉnh táo bằng cách ngăn chặn tác động của adenosine trong não. Tuy nhiên, hàm lượng cafein lớn lại dẫn đến lo lắng, căng thẳng.
- Mất ngủ: cafein giúp tăng sự tỉnh táo, nhưng nếu bạn uống quá nhiều cà phê, bạn sẽ gặp các vấn đề rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn tiêu hóa: ở một số người, uống cà phê có thể khiến dạ dày tăng sản xuất gastrin, đây là một hormon làm tăng nhu động của ruột, khiến họ đi ngoài nhiều hơn. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.
- Ảnh hưởng tới tim mạch: uống nhiều cà phê làm tăng nhịp tim, huyết áp. Điều này cũng xảy ra tương tự như khi uống một số loại nước tăng lực có chứa cafein. Do đó, những người có tiền sử bệnh tim, huyết áp cao được khuyến cáo là không nên uống cà phê hoặc các thức uống có chứa cafein.
Người mắc bệnh tim mạch không nên sử dụng cà phê mỗi ngày
- Đi tiểu nhiều: đây là phản ứng phụ do cafein gây kích thích bàng quang. Bạn sẽ thấy mình đi tiểu nhiều hơn sau khi uống nhiều cà phê, trà hoặc các đồ uống chứa cafein khác.
Uống cà phê bao nhiêu là đủ?
Lượng cafein thích hợp nhất đối với một người trưởng thành là khoảng 300mg cafein (tương đương với khoảng 3 tách cà phê nguyên chất). Nếu tiêu thụ quá 400mg cafein có thể dẫn tới nhiều phản ứng phụ. Còn đối với cà phê hòa tan chứa hàm lượng đường cao thì tốt nhất là không nên dùng quá 1 gói mỗi ngày, hoặc thậm chí không sử dụng là tốt nhất.
Thông thường, sau khi uống cà phê, cơ thể sẽ cần khoảng 1,5 đến 9,5 giờ để mức độ cafein trong máu của bạn giảm xuống một nửa so với lượng ban đầu. Nên nếu buộc phải uống cà phê nhiều hơn 1 lần trong ngày, mỗi lần uống nên cách nhau tối thiểu 3 đến 5 giờ để tránh tích lũy quá nhiều cafein trong máu.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo cà phê không phải thức uống tốt cho phụ nữ có thai và trẻ em, nên những đối tượng này không nên sử dụng cà phê.
Còn với những đối tượng phải kiểm soát đặc biệt lượng đường trong máu như bệnh nhân tiểu đường thì sao?
Người bệnh tiểu đường có được uống cà phê không?
Việt Nam có gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh, 24% biến chứng về thận....
Theo các chuyên gia nội tiết, bệnh tiểu đường cần kiểm soát chặt chẽ nồng độ đường huyết qua tất cả các nguồn thực phẩm đưa vào cơ thể. Do đó, người tiểu đường không nên uống các loại cà phê hòa tan chứa hàm lượng đường cao. Còn đối với cà phê nguyên chất, không chứa đường thì cafein vẫn là một chất kích thích, có nhiều tác động trái chiều tới sức khỏe. Vì vậy, người tiểu đường tốt nhất cũng không nên sử dụng những loại cà phê này.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn, đặc biệt là những người có thói quen bắt đầu ngày mới bằng một ly cà phê. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 1800 1044 (miễn cước) để được giải đáp. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM: