Câu hỏi:
Chào chuyên gia, em tên là Hương năm nay 29 tuổi. Dạo gần đây em bị trễ kinh và đã dùng que thử thai nhưng vẫn chỉ có 1 vạch. Chuyên gia cho em hỏi nguyên nhân chậm kinh mà không có thai là gì ạ? Tình trạng này có ảnh hưởng gì không? Em phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Cảm ơn chuyên gia!
Bạn Vũ Thị Lan Hương, 29 tuổi, Hải Dương
Nguyên nhân chậm kinh mà không có thai là gì?
Trả lời:
Chào bạn Hương, có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị chậm kinh không phải là mang thai, trong đó có cả nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Một số nguyên nhân chậm kinh mà không có thai thường gặp là:
Nguyên nhân sinh lý
- Thay đổi cân nặng đột ngột: Việc giảm cân quá mức và đột ngột có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, khiến cơ thể không sản xuất đủ estrogen cần thiết cho kỳ kinh nguyệt gây ra chậm kinh. Trường hợp nặng, những người giảm cân cấp tốc thậm chí sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. Ngược lại, phụ nữ bị tăng cân quá nhanh khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen trong thời gian ngắn, làm cho lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức và kinh nguyệt cũng không ổn định. Để khắc phục, bạn nên duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
- Căng thẳng, stress: Căng thẳng, stress khiến cơ thể sản xuất nhiều hormone căng thẳng như adrenaline và cortisol. Các hormone này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sản xuất hormone estrogen trong kỳ kinh nguyệt. Trong trường hợp này, phụ nữ cần phải luyện tập lối sống thanh thản, vui vẻ, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Chỉ đến khi bộ não của chúng ta nhận ra rằng sự căng thẳng đã vơi đi và kết thúc, thì các chức năng cơ thể mới dần trở lại bình thường.
- Vận động quá mức: Việc luyện tập một cách quá mức và không bổ sung đủ năng lượng cần thiết sẽ khiến cơ thể bạn không thể sản xuất đủ lượng hormone estrogen để duy trì một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Để khắc phục, bạn cần phải vận động chậm lại một chút, ăn nhiều hơn một chút và tập luyện với mức độ vừa phải. Điều này sẽ giúp cho cơ thể chúng ta trở lại đúng hướng.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có tác dụng phụ gây chậm kinh là: thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc nội tiết tố, corticosteroids và thuốc dùng trong hóa trị liệu. Bạn hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị về tình trạng chậm kinh và các loại thuốc đang sử dụng để có thể xác định chính xác nguyên nhân.
- Sử dụng các chất kích thích: Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê cũng gây ảnh hưởng đến các cơ quan vùng chậu ở nữ giới gây chậm kinh. Bạn cần phải ngừng các chất kích thích để cải thiện tình trạng chậm kinh và các vấn đề liên quan đến sinh sản.
Nguyên nhân bệnh lý
Một số bệnh lý dưới đây là nguyên nhân chậm kinh mà không mang thai ở nữ giới:
- Rối loạn kinh nguyệt: Đây là vấn đề thường gặp ở chị em phụ nữ. Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt tức là chu kỳ kinh của họ không đều, có những bất thường về lượng máu, màu sắc máu cũng như số ngày kinh so với chu kỳ kinh bình thường.
- Mắc các vấn đề về tuyến giáp: tuyến giáp là cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh, kiểm soát các hoạt động bình thường của cơ thể, trong đó có khả năng sản sinh các hormone ở nữ giới. Khi bạn gặp các vấn đề tuyến giáp như suy giáp và cường giáp, rối loạn tuyến giáp,.. thì bạn sẽ bị chậm kinh đi cùng với các triệu chứng khác như da khô, giảm cân đột ngột, rụng tóc thường xuyên,..
- Mắc các bệnh phụ khoa: Một số bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm buồng trứng, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung,... cũng là nguyên nhân khiến người bệnh bị chậm kinh.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Đây là bệnh lý xảy ra khi bệnh nhân bị thiếu hụt hormone nữ và tăng hormone nam. Bệnh nhân sẽ bị trễ kinh đi cùng các triệu chứng khác như rụng tóc, rậm lông,...
- Rối loạn phóng noãn: Đây là bệnh lý mà noãn không được phóng ra theo chu kỳ nhất định, rụng không đều đặn từ đó gây chậm kinh ở nữ giới.
Để khắc phục tình trạng chậm kinh do bệnh lý, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương hướng điều trị sớm nhất.
Mong rằng qua bài viết này bạn đã trả lời được câu hỏi “Nguyên nhân chậm kinh mà không có thai là gì?”. Khi gặp tình trạng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
XEM THÊM: