Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với tỷ lệ khoảng 12 - 18%. Điều mà các chị em phụ nữ lo lắng khi mắc phải tình trạng này là nó có ảnh hưởng đến khả năng mang thai, hay có biến chứng nào nguy hiểm hay không. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tất cả những điều này nhé!
Hội chứng buồng trứng đa nang - bạn biết gì về căn bệnh này?
Nguyên nhân gây hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
Buồng trứng là một bộ phận của tuyến sinh dục ở nữ giới. Nó vừa thực hiện chức năng nội tiết, vừa đảm nhận chức năng ngoại tiết. Về nội tiết, buồng trứng sản xuất ra các hormon sinh dục nữ như estrogen và progesteron. Về ngoại tiết, mỗi tháng, buồng trứng sẽ phóng thích ra 1 trứng, dẫn đến quá trình hành kinh và thụ thai nếu gặp tinh trùng. Mỗi phụ nữ sẽ có hai buồng trứng nằm ở hai bên trái và phải.
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome -PCOS) xảy ra khi có nhiều nang nhỏ xuất hiện trong buồng trứng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được biết đến nhiều nhất là do rối loạn nội tiết tố.
Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang có sự gia tăng bất thường về nồng độ Androgen (hormone nam giới) trong cơ thể. Những chất này sẽ gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn, từ đó buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ.
Hiện nay, yếu tố được quan tâm tới nhiều nhất trong sự hình thành và phát triển hội chứng buồng trứng đa nang chính là hormone insulin. Người ta nhận thấy rằng, có đến 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin. Điều này đồng nghĩa với việc insulin sẽ không đưa được đường vào trong các tế bào, từ đó kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Insulin dư thừa trong máu sẽ kích hoạt buồng trứng sản xuất nhiều nội tiết tố nam hơn, từ đó gây ra PCOS. Kháng insulin cũng được biết đến là nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường.
Như vậy, những phụ nữ bị thừa cân, béo phì, hay có chế độ ăn uống nhiều tinh bột, đường, chất béo có hại, sẽ có nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cao hơn. Bởi lẽ, tất cả những điều này đều có thể dẫn đến kháng insulin và tăng lượng insulin dư thừa trong cơ thể.
Bên cạnh đó, di truyền cũng là một yếu tố góp phần gây ra bệnh lý này. Nếu mẹ, chị gái hoặc em gái của bạn bị buồng trứng đa nang, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này cao hơn. Các nhà khoa học cũng cho rằng, một số gen nhất định có liên quan với hội chứng buồng trứng đa nang.
Nguyên nhân chính gây PCOS là rối loạn nội tiết tố
Dấu hiệu khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
Các dấu hiệu mắc buồng trứng đa nang thường không điển hình, do đó người bệnh thường rất khó để tự nhận biết. Một số dấu hiệu sẽ giúp bạn nhận biết PCOS có thể kể đến như:
Rối loạn kinh nguyệt
Hormone nam giới cao bất thường khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, gây ra những thay đổi trong chu kỳ rụng trứng. Có khoảng 90% phụ nữ bị thiểu kinh có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
Do đó, nếu bạn thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình ngắn hơn 25 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, nhất là khi chu kỳ kinh dài và ra máu ít, thì nên đi khám càng sớm càng tốt vì rất có thể là dấu hiệu của buồng trứng đa nang.
Lông mọc nhiều hơn, kèm theo thay đổi về da
Nội tiết tố nam giới sẽ quyết định đến các đặc trưng của nam giới, trong đó có lông trên cơ thể. Do đó, nếu phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thì sẽ xuất hiện nhiều lông ở ria mép, ngực, bụng, tay và chân hơn bình thường.
Bên cạnh đó, họ cũng có thể gặp những thay đổi bất thường về da. Tình trạng dễ thấy nhất là da mặt nhờn và xuất hiện nhiều mụn trứng cá do nội tiết tố nam kích thích tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu hơn. Da của phụ nữ mắc PCOS cũng có thể bị sạm đi, xuất hiện các mảng sẫm màu ở các khu vực có nếp gấp như: cổ, nách, bẹn,... Đây được gọi là chứng gai đen.
Tăng cân và béo phì
Nếu như thừa cân và béo phì là một trong những yếu tố gây hội chứng buồng trứng đa nang, thì ngược lại, POCS cũng có thể khiến phụ nữ tăng cân nhanh hơn. Bởi lẽ, tình trạng kháng insulin khiến lượng đường trong máu tăng lên cao. Lượng glucose mà tế bào không sử dụng hết sẽ được tích lũy dưới dạng mỡ. Do đó, phụ nữ mắc PCOS sẽ dễ bị tích tụ mỡ trong cơ thể, đặc biệt là vùng bụng.
Cảm giác khó chịu vùng bụng
Người mắc buồng trứng đa nang có thể gặp các cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói với các mức độ từ nhẹ đến dữ dội và thường cảm thấy khó chịu ở vùng chậu, vùng bụng hoặc lưng dưới.
Bên cạnh những triệu chứng kể trên, phụ nữ mắc bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ, và thay đổi tâm trạng thất thường, dễ cảm thấy lo âu, căng thẳng, nóng giận vô cớ,...
Các triệu chứng của PCOS
Hội chứng buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?
Có lẽ, điều mà bất kỳ phụ nữ nào cũng băn khoăn và lo lắng là buồng trứng đa nang có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Câu trả lời cho vấn đề này là có.
Nồng độ androgen cao hơn bình thường sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Trong PCOS, nhiều túi nhỏ có chứa đầy chất lỏng sẽ phát triển bên trong buồng trứng.
Những túi này chính là những nang trứng, mỗi túi có chứa một trứng chưa trưởng thành. Trứng sẽ không bao giờ đủ trưởng thành để kích hoạt quá trình thụ thai. Đây là một trong số những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
Tuy nhiên, hội chứng buồng trứng đa nang còn có thể gây nhiều vấn đề khác như:
Tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2
Tình trạng kháng insulin là cơ chế chính trong việc khởi phát bệnh tiểu đường type 2. Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Diabetes cho thấy, phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 vào khoảng 39,3%. Trong khi đó, con số này ở phụ nữ nói chung chỉ khoảng 5,8%.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Các nhà khoa học nhận thấy rằng, những phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường bị rối loạn chuyển hóa, giảm cholesterol HDL, tăng cholesterol LDL, và giải phóng nhiều gốc tự do, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Theo ước tính, tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch ở phụ nữ PCOS cao gần gấp đôi so với người bình thường.
Tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung
Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung gấp 4 lần và ung thư nội mạc tử cung gấp 6 lần so với phụ nữ bình thường.
Bên cạnh đó, phụ nữ mắc PCOS cũng có thể mắc phải gan nhiễm mỡ, chứng ngưng thở khi ngủ, chảy máu tử cung bất thường, mất ngủ hay rối loạn lo âu, trầm cảm.
PCOS có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
Điều trị buồng trứng đa nang bằng cách nào?
Các biện pháp được sử dụng trong việc điều trị buồng trứng đa nang có thể kể đến như:
Giảm cân
Giảm cân sẽ giúp giảm tình trạng đề kháng insulin, và rối loạn nội tiết tố. Để thực hiện điều này, bạn cần duy trì một chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý.
- Về ăn uống, bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có nhiều tinh bột, đường chất béo bão hòa, đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn. Thay vào đó, bạn hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, đậu nành, dầu ô liu, thực phẩm giàu sắt, crom, magie, canxi, vitamin D, vitamin B8, omega 3,...
- Về tập luyện, bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất, và duy trì ít nhất 5 ngày/tuần. Các bài tập cần phù hợp với thể trạng, tránh vận động quá sức.
- Bạn nên dành thêm thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, stress.
Sử dụng các loại thảo dược
- Quế, nghệ có tác dụng giảm kháng insulin và là một chất chống viêm.
- Dầu hoa anh thảo giúp giảm triệu chứng kinh nguyệt không đều, đồng thời cải thiện mức cholesterol và stress oxy hóa.
- Berberine giúp giảm đề kháng insulin, tăng cường trao đổi chất và cân bằng các phản ứng nội tiết cơ thể.
- Rễ cây maca giúp tăng khả năng sinh sản và ham muốn tình dục, cân bằng nội tiết tố và giảm nồng độ cortisol.
- Sâm Ấn Độ giúp cân bằng mức độ cortisol, có thể cải thiện tình trạng căng thẳng, mất ngủ ở phụ nữ mắc PCOS.
- Húng quế giúp tăng trao đổi chất, làm giảm đường trong máu, ngăn ngừa tăng cân và giảm nồng độ cortisol.
- Rễ cây cam thảo có chứa glycyrrhizin giúp chống viêm, chuyển hóa đường và cân bằng hormone.
- Bạch tật lê giúp kích thích rụng trứng và điều hòa kinh nguyệt, làm giảm số lượng u nang buồng trứng.
Sâm Ấn Độ giúp giảm triệu chứng căng thẳng, mất ngủ cho phụ nữ mắc PCOS
Dùng thuốc
- Thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progestin hàng ngày giúp cân bằng hormone, điều chỉnh quá trình rụng trứng, làm giảm các triệu chứng PCOS và ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung.
- Metformin giúp cải thiện tình trạng kháng insulin
- Clomiphene có tác dụng hỗ trợ sinh sản, kích thích phóng noãn giúp phụ nữ mắc PCOS có thể mang thai.
- Các phương pháp tẩy lông do PCOS: Kem Eflornithine giúp làm chậm sự phát triển của lông; hoặc triệt lông vĩnh viễn bằng laser hoặc điện phân.
Phẫu thuật
Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật nhằm cải thiện khả năng sinh sản.
- Nội soi ổ bụng, cắt góc buồng trứng để bề mặt buồng trứng mở ra thuận lợi cho rụng trứng.
- Đốt điểm buồng trứng nhằm làm giảm nồng độ hormone nam giới, kích thích sự rụng trứng.
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF
Đây là phương pháp giúp phụ nữ mắc PCOS có thể mang thai. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy trứng và tinh trùng của vợ chồng, sau đó thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi thai. Sau đó, phôi thai được đưa vào tử cung người vợ để tiếp tục phát triển.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh lý buồng trứng đa nang. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM: